Vai trò của công ty chứng khoán trong quá trình nâng hạng thị trường
Nâng hạng thị trường đang là từ khóa nổi bật của thị trường chứng khoán thời gian gần đây. Nâng hạng không chỉ là mục tiêu Chính phủ đặt ra mà còn là kỳ vọng lớn của thị trường chứng khoán.
Việt Nam đã lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE từ năm 2018; tuy nhiên sau 5 năm, thị trường vẫn chưa được nâng lên thị trường mới nổi hạng 2.
Theo báo cáo từ tổ chức đánh giá xếp hạng, Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí để được nâng hạng, với tiêu chí không đạt là Chuyển giao đối ứng thanh toán (DvP) do nhà đầu tư cần có tiền trong tài khoản trước khi đặt lệnh giao dịch (khác với thông lệ là cần có tiền khi thực hiện giao dịch) và tiêu chí Chi phí xử lý giao dịch thất bại không được chấm điểm do nhà đầu tư cần có tiền trước khi đặt lệnh nên không xảy ra giao dịch thất bại.
Ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) đang là nút thắt lớn mà thị trường Việt Nam cần cởi bỏ, nếu muốn đạt tới tầm cao mới.
Hiện nay, Thông tư 120 của Bộ Tài chính quy định, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, các giao dịch đang được vận hành theo mô hình "pre-funded market", tức là chỉ được đặt lệnh mua/bán khi đã ký quỹ đủ 100% tiền/chứng khoán trên tài khoản giao dịch.
Thực tế, chứng khoán/tiền của giao dịch ngay sau khi được khớp lệnh đã trở thành phần tài sản đảm bảo cho giao dịch. Vì vậy việc yêu cầu phải ký quỹ 100% bằng tiền ngay tại thời điểm đặt lệnh giao dịch là trở ngại lớn đối với hiệu quả sử dụng vốn của nhà đầu tư ngoại và hạn chế tính thanh khoản của thị trường nói chung.
Cơ chế này trở thành rào cản lớn đối với dòng vốn ngoại muốn đầu tư vào Việt Nam. Đây là nguyên nhân tổ chức xếp hạng thị trường chưa nâng hạng Việt Nam.
Vậy công ty chứng khoán (CTCK) có vai trò gì trong câu chuyện này?
Để giải được bài toán pre-funding, hệ thống giao dịch chứng khoán KRX đang được kỳ vọng là cơ sở về mặt kỹ thuật cho việc không cần yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi mua chứng khoán. KRX dự kiến sẽ vận hành cuối tháng 12 năm nay.
Trong quá trình này, CTCK đang nắm vai trò không hề nhỏ. Hệ thống KRX đang trong giai đoạn kiểm thử để có thể hoàn tất và đi vào vận hành. Quá trình này cần có sự hợp tác của nhóm CTCK, vì đây là cổng kết nối quan trọng từ nhà đầu tư tới hệ thống giao dịch.
Theo thông tin mới nhất, kết quả kiểm thử cập nhật đến giai đoạn eUAT (kiểm thử người dùng) mở rộng, kéo dài từ 18 đến 27/09 vừa qua, có tổng cộng 59 công ty chứng khoán đã kiểm thử thành công 100% chức năng, tương đương tỷ lệ gần 78%. Tại đợt kiểm thử trước đó (tới cuối tháng 8/2023), tỷ lệ này là 33%.
Để chạy kịp tiến độ, Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) Việt Nam đã yêu cầu CTCK tiếp tục chủ động rà soát, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, nhân sự đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin nhằm đáp ứng các yêu cầu của Sở GDCK TP.HCM (HOSE), Sở GDCK Hà Nội (HNX), kết nối được với hệ thống KRX và thực hiện đầy đủ các chức năng, tương thích với hệ thống KRX khi hệ thống này được đưa vào vận hành. Trường hợp hệ thống công nghệ thông tin của CTCK không kết nối được với hệ thống KRX, công ty đó sẽ không đáp ứng điều kiện làm thành viên của Sở GDCK Việt Nam, thuộc trường hợp bị hủy tư cách thành viên và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với khách hàng mở tài khoản giao dịch tại công ty mình.
Trong khi chờ CCP, cơ quan quản lý đang nghiên cứu các giải pháp trước mắt mang tính kỹ thuật để giảm thiểu các lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề ký quỹ trước giao dịch.
Thực tế, các CTCK có thể phối hợp với các bên liên quan, hỗ trợ ứng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện giao dịch mà không cần ký quỹ 100%. CTCK có thể tự quyết định liệu một nhà đầu tư cần ký quỹ trước giao dịch hay không, đồng thời được phép đưa ra cơ chế xử lý rủi ro, được phép tịch thu tài sản, chứng khoán, thanh lý chứng khoán khi nhà đầu tư không thể thanh toán.
Với tư cách là nhà quản lý, tiến sĩ Nguyễn Sơn, Chủ tịch Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSDC) chia sẻ, VSDC đang cùng Ủy ban Chứng khoán đề xuất, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi Thông tư 120, gỡ bỏ quy định nhà đầu tư phải ký quỹ 100% tiền khi mua chứng khoán.
Phương án giải quyết là cho phép CTCK được quyền chủ động quy định nhà đầu tư có phải ký quỹ hay không cần ký quỹ, tỷ lệ ký quỹ đối với từng nhà đầu tư, từng chứng khoán.
Mặt khác, để xử lý rủi ro trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thanh toán, cơ quan quản lý đề xuất CTCK sẽ phải thực hiện thanh toán, áp dụng cả trường hợp nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký tại ngân hàng lưu ký và chỉ đặt lệnh tại CTCK (trường hợp phổ biến đối với nhà đầu tư tổ chức tài chính nước ngoài).
Cùng với đó, sau khi CTCK phải bỏ tiền để thanh toán giao dịch mua thay cho nhà đầu tư thì chứng khoán đó sẽ được chuyển về tài khoản tự doanh của CTCK và tổ chức này có quyền bán số chứng khoán nêu trên để thu hồi nợ.
Tựu trung, bên cạnh các thành viên thị trường khác, CTCK đang có vai trò quan trọng với tiến trình nâng hạng thị trường, là đơn vị có thể đóng góp giải pháp tức thời cũng như lâu dài. Và tất nhiên, CTCK cũng sẽ được lợi từ tiến trình này.
Chí Kiên
FILI
|