Thứ Hai, 09/10/2023 08:09

Dọn dẹp rào cản ngăn trở quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán

Việc nâng hạng sẽ mang lại vị thế mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư. Nhưng thực tế quá trình này đòi hỏi nhiều nỗ lực tổng thể của toàn bộ các thành viên tham gia thị trường, trong đó không chỉ có các cơ quan quản lý, mà đến từ các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, ngân hàng lưu ký và cả các ngân hàng thương mại tham gia.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn nằm trong danh sách chờ xét nâng hạng do chưa thể cải thiện quy định phải có tiền trước khi giao dịch (prefunding). Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

5 năm chờ xét nâng hạng

Ngày 28-9-2023, Tổ chức FTSE Russell đã công bố Danh sách phân hạng các thị trường cổ phiếu kỳ đánh giá tháng 9-2023. Theo đó, Việt Nam tiếp tục được FTSE duy trì trong danh sách chờ xem xét nâng hạng từ thị trường mới nổi lên thị trường cận biên.

“Việt Nam vẫn duy trì trong danh sách chờ xét phân hạng và đã được rà soát cho khả năng tái phân hạng thành thị trường mới nổi thứ cấp trong đợt rà soát giữa kỳ trong kế hoạch tái phân hạng thị trường cổ phiếu của FTSE vào tháng 3-2024”, thông báo của FTSE Russell nêu rõ.

Trong lần công bố này, FTSE Russell cũng đã có đánh giá về tiến triển của các thị trường trong danh sách chờ xét hạng từ tháng 3-2023. Cụ thể, Việt Nam được đưa vào danh sách chờ xét phân hạng vào tháng 9-2018, với khả năng được tái phân hạng lên thị trường mới nổi. Nhưng sự tiến triển đã chậm hơn so với dự kiến, một phần là do đại dịch Covid-19.

Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí về “Chu kỳ thanh toán (DVP)”, hiện đang được đánh giá là “Còn hạn chế” (Restricted) do thông lệ thị trường thực hiện việc kiểm tra trước giao dịch để đảm bảo có sẵn tiền trước khi thực hiện giao dịch. Như vậy, nghiễm nhiên là thị trường không có các giao dịch thất bại (failed trades), tiêu chí “thanh toán – các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại” không được đánh giá.

Ngoài ra, yêu cầu phải có những cải thiện đối với quy trình đăng ký mở tài khoản, cũng như đưa ra cơ chế có hiệu quả nhằm tạo thuận lợi cho giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch các chứng khoán đã chạm hoặc gần chạm mức giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

“Mặc dù tiến triển về các cải cách dự kiến còn chậm, tuy nhiên các cấp lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã thể hiện tái cam kết của mình đối với các công việc cần phải thực hiện. Hơn nữa, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cho thấy luồng năng lượng tươi mới trong việc tìm kiếm giải pháp có thể triển khai để gỡ bỏ yêu cầu cần ký quỹ trước giao dịch (pre-funding)” – FTSE Russell đánh giá.

Cũng theo tổ chức này, việc phân định cuối cùng về vai trò và trách nhiệm cần có trong mô hình thanh toán theo quy định của luật mới vẫn là một bước trọng yếu. FTSE Russell tiếp tục khuyến khích các cơ quan quản lý của Việt Nam phải đưa ra hướng dẫn rõ ràng hơn về các bước cũng như khung thời gian cho việc triển khai.

Thực tế, trên thế giới hiện có 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường gồm MSCI, FTSE Russell, và S&P Dow Jones. Theo tiêu chuẩn của cả 3 tổ chức xếp hạng, Việt Nam đang được xếp vào nhóm thấp nhất là Frontier Market.

Đáng lưu ý, trong số các tiêu chí định tính mà FTSE Russel và MSCI đưa ra thì các yêu cầu từ FTSE Russel đơn giản hơn khá nhiều, chủ yếu do FTSE Russel có phân chia thị trường mới nổi ra thành hai mức độ tùy theo cấp độ phát triển của thị trường như thị trường mới nổi Cấp 1 (Secondary) và Cấp 2 (Advanced).

Còn MSCI sẽ có nhiều những tiêu chí khó hơn cần được đáp ứng trong đó có các yếu tố về thị trường ngoại hối hay giới hạn sở hữu nước ngoài sẽ gặp nhiều trở ngại nhất. Tuy nhiên, điểm chung của cả hai tổ chức xếp hạng này là Việt Nam hiện đang thiếu những điều kiện tiên quyết về hoạt động thanh toán bù trừ và việc chuyển giao đối ứng thanh toán.

Nói thêm về những hạn chế, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, cho biết bên cạnh tiêu chí chuyển giao đối ứng thanh toán (DvP) và chi phí xử lý giao dịch thất bại, thì Việt Nam cần phải cải tiến quy trình đăng ký tài khoản mới vì quy trình hiện tại khiến các nhà đầu tư nước ngoài mất nhiều thời gian để mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng chưa có một cơ chế hiệu quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài đối với những chứng khoán đã hoặc sắp đạt đến giới hạn sở hữu nước ngoài.

Trước đó, trong kỳ đánh giá tháng 6-2023 của MSCI, Việt Nam chưa được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi. MSCI đưa quan điểm theo hướng kém tích cực hơn khi cho rằng vấn đề về room nước ngoài đang tác động tới hơn 10% cổ phiếu trên TTCK Việt Nam.

MSCI nêu ra 9 tiêu chí mà TTCK Việt Nam chưa đáp ứng gồm: giới hạn sở hữu nước ngoài; “room” khối ngoại còn lại; quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài; mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; luồng thông tin; thanh toán bù trừ; khả năng chuyển nhượng không qua sàn; cho vay chứng khoán; bán khống.

Đây cũng là 9 tiêu chí đã được đề cập trong báo cáo tháng 6-2021 và tháng 6-2022, cho thấy Việt Nam vẫn chưa hề có sự cải thiện về những yêu cầu của MSCI trong 2 năm vừa qua.

Bên cạnh đó, báo cáo của MSCI cũng chỉ ra hai điểm cần cải thiện, gồm: đăng ký tài khoản do hiện các nhà đầu tư bắt buộc phải đăng ký giao dịch và việc thiết lập tài khoản cần có sự chấp thuận của Trung tâm Lưu ký chứng khoán; quy định thị trường khi có nhiều văn bản pháp luật liên quan đến TTCK chưa có bản tiếng Anh để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận.

Đây là những yếu tố cần lưu ý bởi hiện có 844 quỹ trên toàn cầu, với tổng tài sản là 614,5 tỉ đô la Mỹ, đang sử dụng MSCI Emerging Markets Index làm chỉ số tham chiếu (benchmark) và có khoảng 89,6 tỉ đô la tài sản đầu tư vào họ chỉ số FTSE EM, theo thống kê của EPFR Global.

Khi mục tiêu nằm trong tầm với

Các thị trường mới nổi từ lâu đã là điểm nóng thu hút đầu tư, đặc biệt với các nhà đầu tư ưa mạo hiểm kỳ vọng mức sinh lời cao. Nhờ vậy, các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi cũng thu hút được lượng vốn khổng lồ.

Điển hình là iShares Core MSCI Emerging Markets ETF với tổng tài sản 70 tỉ đô la, Vanguard FTSE Emerging Markets ETF với 71 tỉ đô la.

Nếu được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi cấp 1, các cổ phiếu đủ điều kiện của Việt nam sẽ được bổ sung vào trong chỉ số FTSE Secondary Emerging Markets Index. Do đó, các quỹ đang sử dụng chỉ số này làm tham chiếu sẽ tự động mua các cổ phiếu của Việt nam. Tổng giá trị mua phụ thuộc vào tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số.

Với mức ước tính trung bình vào khoảng 1% – tổng giá trị vào ròng thông qua việc FTSE nâng hạng có thể lên đến gần 1 tỉ đô la, thì con số này sẽ cao hơn nhiều trong trường hợp Việt Nam được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, việc hoàn thành mục tiêu nâng hạng cũngđòi hỏi nhiều nỗ lực để tạo ra những thay đổi về nội lực cũng như khung pháp lý.

Các chuyên gia của SSI Research cho biết các cơ quan chức năng hiện đang tập trung nhiều nguồn lực để có thể đảm bảo thỏa mãn được các tiêu chí từ các tổ chức xếp hạng như FTSE Russel và MSCI. Theo đó, các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam, vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện. Nhưng nhóm tiêu chí định tính lại là những rào cản chính làm chậm quá trình nâng hạng.

Một trong những điều kiện quan trọng nhất mà cả FTSE hay MSCI đều nhắc đến đối với hạn chế của Việt Nam, theo SSI Research, là quy định phải có tiền trước khi giao dịch (prefunding). Do vậy, việc thỏa mãn yếu tố này, hoặc ít nhất là thực hiện giao dịch ký quỹ cho các nhà đầu tư nước ngoài, nên được được áp dụng sớm hơn so với việc nới sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận là cả hai chính sách/biện pháp này tốt nhất cần được phối hợp cùng nhau để đưa lại hiệu quả tối đa của quá trình đón nhận dòng vốn từ nước ngoài vào.

Để thực hiện điều này, chuyên gia của SSI Research cho rằng việc vận hành hệ thống KRX là điều kiện cần, còn sự xuất hiện của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) là điều kiện đủ để các giao dịch này được thực hiện và kiểm soát rủi ro về mặt thanh toán, trong trường hợp giao dịch không được thực hiện.

“Việc vận hành có hiệu quả của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm CCP cần sự tham gia nỗ lực từ các bên trong đó về phía các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà Nước, Bộ Tài Chính hay Ủy Ban Chứng khoán, các Luật liên quan cần phải sửa đổi như Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp”, chuyên gia của SSI Research đánh giá và cho rằng các công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký và thanh toán cũng là thành viên quan trọng trong việc vận hành có hiệu quả của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm CCP.

Còn TS Cấn Văn Lực cho rằng các cơ quan quản lý cần tập trung giải quyết vấn đề về thanh toán, quan trọng nhất là việc loại bỏ yêu cầu nhà đầu tư phải có sẵn tiền ở thời điểm đặt lệnh, theo quy định tại Thông tư 120/2020 của Bộ Tài chính trong những tháng cuối năm 2023 và 2024. Thay thế cho quy định này là quy định yêu cầu có tiền ở thời điểm nhận cổ phiếu (T+2) như thông lệ tại các thị trường phát triển.

“Việc này cần được hoàn thành trong năm 2024, khi FTSE công bố định hạng hai lần trong năm vào tháng 3 và tháng 9, thì Việt Nam mới có thể hoàn thành mục tiêu nâng hạng của mình”, ông Lực nhấn mạnh.

Trước đó, tại hội nghị Gặp gỡ các nhà đầu tư tổ chức và các đối tác, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho biết trong khi chờ CCP, cơ quan quản lý đang nghiên cứu các giải pháp trước mắt mang tính kỹ thuật để giảm thiểu các lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề ký quỹ trước giao dịch.

Về lâu dài, CCP phải được triển khai, trong đó các ngân hàng lưu ký cũng là thành viên bù trừ bên cạnh các công ty chứng khoán. Nhưng điều này cần sự cho phép từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Với vấn đề sở hữu nước ngoài, quy định tại Nghị định 155/2020 của Chính phủ cho thấy tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo bốn tiêu chí, gồm: điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; quy định pháp luật của từng ngành nghề cụ thể; quy định tại danh mục các ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài, trường hợp không quy định cụ thể thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty là 50% vốn điều lệ; các trường hợp khác thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế. Còn với các công ty hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì sẽ không vượt quá mức thấp nhất trong các quy định.

Theo ông Lực, vấn đề sẽ nằm ở những ngành nghề có quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài và những ngành nghề thuộc danh mục hạn chế tiếp cận thị trường, bởi những trường hợp khác thì đang thực hiện theo thông lệ quốc tế hoặc không có hạn chế. Do đó, muốn giải quyết vấn đề về sở hữu nước ngoài thì Việt Nam sẽ cần thay đổi các quy định với từng ngành nghề, cũng như rà soát lại danh mục những ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài.

Với vấn đề về tự do hóa thị trường ngoại hối, đánh giá của MSCI cho biết tiêu chuẩn này (tại các thị trường phát triển – PV) là một đồng tiền có khả năng tự do chuyển đổi (a freely/fully convertible currency), bao gồm một thị trường tiền tệ có thể giao dịch với nước ngoài đang hoạt động.

Đây là những yếu tố, theo ông Lực, mà Việt Nam chưa đáp ứng được do đồng Việt Nam là đồng tiền chưa tự do chuyển đổi bởi các giao dịch thanh toán và chuyển ngoại tệ đến – đi, hay trong nước Việt Nam đều có chịu sự kiểm soát. Điều này khiến khả năng chuyển đổi đồng Việt Nam sang các đồng tiền khác và ngược lại cũng không phải dễ dàng mà nhiều khi phải thông qua ngoại tệ thứ ba.

Do đó, các thỏa thuận thanh toán và giao dịch mua bán – sáp nhập (M&A) có thể phức tạp hơn so với các quốc gia ít kiểm soát ngoại hối hơn.

Ngoài ra, Việc thiếu thị trường giao dịch ngoại hối tại nước ngoài (offshore currency market) cũng gây khó khăn trong việc chuyển đổi từ đồng Việt Nam sang ngoại tệ khác của các nhà đầu tư nước ngoài.

Để giải quyết những vướng mắc này, ông Lực cho rằng cần thay đổi các văn bản pháp lý liên quan. Chẳng hạn, Pháp lệnh ngoại hối 06/2013, Nghị định 70/2014 của Chính phủ theo hướng tự do hóa hơn, giảm thiểu các quy định, hạn chế với các giao dịch ngoại hối, hoạt động chuyển tiền ra và vào Việt Nam.

Vân Phong

TBKTSG

Các tin tức khác

>   EVS: CBTT Công văn đính chính Thông báo của VSDV về chấp thuận nguyên tắc tham gia HT TT Trái phiếu riêng lẻ (06/10/2023)

>   SGI: Quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị (05/10/2023)

>   EVS: Thông báo VSDC chấp thuận nguyên tắc việc tham gia hệ thống thanh toán trái phiếu riêng lẻ (20/09/2023)

>   MSB: Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT (29/09/2023)

>   MSB: Quy chế quản trị (29/09/2023)

>   GMC: Thông báo quy chế nội bộ QTCT được sửa đổi, bổ sung (28/09/2023)

>   Phó thủ tướng yêu cầu làm sạch dữ liệu người giao dịch chứng khoán (24/09/2023)

>   IDC: Quy chế công bố thông tin (20/09/2023)

>   EVS: EVS_CBTT_ Thông báo VSDC chấp thuận nguyên tắc việc tham gia hệ thống thanh toán trái phiếu riêng lẻ (20/09/2023)

>   Công ty chứng khoán không kết nối được với KRX sẽ bị hủy tư cách thành viên? (15/09/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật