Cởi nút thắt ký quỹ trước giao dịch làm sao để tránh đổ vỡ cho TTCK?
Ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) là một trong những nút thắt quan trọng cần gỡ để thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thể được nâng hạng. Tuy nhiên, nếu không thực hiện cẩn thận, việc mua cổ phiếu mà không cần đủ 100% tiền có thể sẽ gây ra đổ vỡ cho TTCK.
Tại hội thảo Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến đóng góp về giải pháp cở nút thắt pre-funding giúp TTCK Việt nam được nâng hạng.
TS. Cấn Văn Lực cho biết, thị trường chứng khoán Việt có 2 cấp độ nâng hạng là FTSE và MSCI. Vị chuyên gia ví von cấp độ 1 (FTSE) như sân chơi Sea Games, cấp độ 2 (MSCI) là vươn tầm châu Á.
Hiện tại, với cấp độ FTSE, TTCK Việt Nam đang thiếu 2 chỉ tiêu quan trọng: Đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, và từ đó dẫn đến thiếu tiêu chí sai sót, rủi ro trong thanh toán. Nhiều người lo rằng nếu không giao dịch ký quỹ thì có rủi ro nhà đầu tư không thanh toán.
Ông Lực cho rằng cần phải có giải pháp cho vấn đề này. Khảo sát cho thấy, trường hợp không ký quỹ, tỷ lệ nhà đầu tư trên thế giới không thanh toán chỉ có 2% mà thôi, tương đương mức tổn thất 3 tỷ USD/năm. Ông Lực đưa ra 3 biện pháp phòng ngừa rủi ro như sau:
Thứ nhất, Việt Nam cần dứt khoát nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để tránh lỗi sai sót.
Thứ hai, kiểm soát hành vi của nhà đầu tư bằng cách tăng chế tài, xử phạt 1,000-5,000 USD, hoặc tính tiền phạt dựa trên tỷ lệ số tiền.
Cuối cùng, tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán để thẩm định rủi ro và tự đưa ra quyết định, công ty chứng khoán được phép quyết định một nhà đầu tư cần ký quỹ hay không. Như vậy cũng cần cơ chế xử lý rủi ro, công ty chứng khoán được phép tịch thu tài sản, chứng khoán, thanh lý chứng khoán trong trường hợp họ không thể thanh toán.
TS. Cấn Văn Lực
|
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán (VSDC) chia sẻ cách thực hiện theo thông lệ nhất là CCP (Mô hình đối tác bù trừ trung tâm).
Hiện nay thị trường cơ sở, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ Việt Nam đang thực hiện theo hình thức thanh toán bù trừ đa phương. Việc cởi nút thắt pre-funding đang hướng đến hệ thống CCP, bởi khi áp dụng mô hình này sẽ bỏ được pre-funding và một số sản phẩm khác xử lý rủi ro sell out, buy in (cơ chế mua bán bắt buộc) để xử lý tình trạng thiếu hụt khi chưa có "hàng", chưa có tiền.
Vấn đề đặt ra là nếu không áp dụng CCP mà dùng mô hình thanh toán đa phương như hiện nay, thay vì ký quỹ 100% tiền trước khi đặt lệnh thì giao công ty chứng khoán và ngân hàng lưu ký thay nhà đầu.
Ông Sơn cho rằng mô hình này là khả thi nhưng cần tính đến rủi ro đổ vỡ và đạo đức khi các công ty chứng khoán lạm dụng việc đó, dẫn tới đổ vỡ thị trường. Nếu tuân thủ 100% đặt tiền trước khi đặt lệnh thì không phải dùng tới quỹ hỗ trợ thanh toán hay hủy bỏ thanh toán.
Ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán (VSDC)
|
Đưa ý kiến về vấn đề này ở góc độ công ty chứng khoán, ông Phan Quốc Huỳnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, Chủ tịch CTCK SBS cho rằng đây là các giao dịch mang tính dân sự. Về lý thuyết, công ty chứng khoán cần chủ động cùng nhà đầu tư chịu trách nhiệm giao dịch dân sự kinh tế này.
Theo đó, ông Huỳnh nghĩ rằng cần đặt ra hành lang pháp lý cho các giao dịch đó. Thông lệ các nước, không có ký quỹ đồng nghĩa coi là tín chấp. Công ty chứng khoán có thể đưa ra hạn mức về ký quỹ. Trong trường hợp T+2 chứng khoán về, cần tính tỷ lệ bao nhiêu nhà đầu tư không thanh toán? Và trong trường hợp thị trường giảm, công ty chứng khoán phải bán tài sản để thu tiền, việc quản trị rủi ro sẽ ra sao?
Ông Huỳnh cho rằng cần quy định cho phép công ty chứng khoán có thể linh hoạt đặt cọc từ 5 - 20% giá trị giao dịch. Nhìn chung, công ty chứng khoán cần được giao đủ thẩm quyền và họ cần có quy chế phòng ngừa rủi ro.
Ông Phan Quốc Huỳnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam
|
Cũng tại tọa đàm, ông Trần Minh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Smart Invest đưa ra bình luận rằng Luật Chứng khoán chưa quy định về pre-funding. Tuy vậy, nhiều công ty chứng khoán đã thực hiện cho nhà đầu tư và bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt.
Tuy nhiên, UBCKNN không cấm được công ty chứng khoán mà chỉ xử phạt khi đã xảy ra - đây là thực tế. Tình trạng này giống năm 2010 khi Luật Margin (cho vay ký quỹ) chưa ra đời, công ty chứng khoán cũng đã cho vay dưới dạng hợp đồng hợp tác đầu tư, sản phẩm mới đi cùng với đó là rủi ro là đương nhiên. Việc chấp nhận rủi ro đến đâu thì công ty chứng khoán phải làm tới đó, ví dụ công ty chứng khoán cần đánh giá về tín nhiệm của nhà đầu tư để đặt ra mức ký quỹ.
Đây là quy định duy nhất cần khắc phục của FTSE, do đó, ông Tuấn kỳ vọng có khung pháp lý phù hợp để công ty chứng khoán có thể thực hiện.
Ông Trần Minh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Smart Invest
|
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBCKNN khẳng định hoạt động kinh doanh công ty chứng khoán hoạt động có điều kiện và cần phải quản trị rủi ro cho cả thị trường.
Đặt trường hợp công ty chứng khoán có vốn 1,000 tỷ nhưng phát sinh giao dịch lên tới 2,000 tỷ đồng. Nếu T+2 khách hàng chưa thanh toán đủ tiền. Công ty chứng khoán không thanh toán được thì VSDC sẽ phải thanh toán thay nhưng vốn điều lệ của VSDC chỉ có 1,000 tỷ đồng. Thị trường lúc đó sẽ đổ vỡ. Phó Chủ tịch UBCKNN nhấn mạnh đây là rủi ro cần kiểm soát.
Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBCKNN
|
Ông Sơn cũng nói thêm khi CCP vận hành không phải công ty chứng khoán nào cũng được thực hiện đầy đủ 100% nghiệp vụ mà phải có điều kiện về vốn, về cơ cấu tài chính. Lãnh đạo của UBCKK ví von: “Việc này giống như đi siêu thị 20 năm trước phải để lại tất cả ví, túi xách. Hiện tại không cần nữa nhưng mặt hàng quan trọng sẽ phải gắn chip giám sát”.
Chí Kiên
FILI
|