Thứ Ba, 17/10/2023 19:35

TP.HCM muốn lắp điện mặt trời tại các trụ sở, bán điện dư thừa

Các đơn vị của TP.HCM sẽ kiến nghị với EVN, Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ về mua bán sản lượng điện không sử dụng hết từ hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch thành phố Võ Văn Hoan về "Đề án sử dụng các mái nhà là tài sản công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhằm triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội".

Theo đó, Phó Chủ tịch thành phố giao Sở Công Thương hoàn thiện đề án “Đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn TP.HCM”.

Đối với trụ sở cơ quan hành chính, Sở Công Thương nghiên cứu phương án đầu tư tập trung bằng nguồn vốn đầu tư công (lập dự án đầu tư tổng thể để đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho các trụ sở cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố).

Cụ thể, Sở này phối hợp với các sở, ngành, quận/huyện xây dựng tiêu chí đánh giá trụ sở đủ điều kiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (bao gồm: diện tích, công suất lắp đặt; mục đích tiêu thụ tại chỗ; an toàn về điện, an toàn xây dựng và phòng chống cháy nổ...) để làm cơ sở đề xuất danh sách các trụ sở cơ quan hành chính thực hiện đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Trên cơ sở tiêu chí đánh giá, Sở Công Thương phối hợp Tổng Công ty Điện lực thành phố và các sở, ngành, quận/huyện có liên quan tiến hành khảo sát, lập danh sách các trụ sở cơ quan hành chính đủ điều kiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, khái toán khối lượng đầu tư và tổng mức đầu tư thực hiện. 

TP.HCM muốn tận dụng, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công. (Ảnh: N.T)

Đối với trụ sở đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công: thực hiện theo phương án đầu tư phân tán. UBND thành phố khuyến khích các cơ quan, đơn vị đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở bằng nhiều hình thức đầu tư, đa dạng về nguồn vốn triển khai (vốn sự nghiệp hàng năm của các cơ quan, đơn vị; vốn nhà nước ngoài đầu tư công; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật; vốn viện trợ, tài trợ; vốn vay, vay kích cầu; vốn xã hội hóa...).

Sở Tài chính sẽ có ý kiến về đối tượng, nguồn vốn, hình thức lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại trụ sở các đơn vị sự nghiệp công lập, gửi Sở Công Thương tổng hợp, hoàn thiện đề án.

Lãnh đạo thành phố cũng giao Sở Công Thương TP.HCM bổ sung nội dung đánh giá hiệu quả đầu tư của việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở công, đặc biệt là hiệu quả đầu tư lâu dài; đồng thời phân tích đánh giá giải pháp công nghệ, chi phí phần xử lý rác thải tấm năng lượng mặt trời hết sử dụng, sau khi thanh lý, bảo vệ môi trường.

"Giao Sở Công Thương, Tổng Công ty Điện lực thành phố tiếp tục làm việc, kiến nghị với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ về cơ chế mua bán sản lượng điện không sử dụng hết từ hệ thống điện mặt trời mái nhà, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà trên địa bàn", kết luận nêu.

Sở Công Thương cần hoàn thiện đề án theo các nội dung nêu trên; trình Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo Ban cán sự Đảng UBND thành phố trước ngày 30/11/2023.

Liên quan đến điện mặt trời mái nhà, trong một hội nghị hồi tháng 8, ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cho biết, nếu TP.HCM tận dụng toàn bộ các mái nhà của cơ quan Nhà nước trên địa bàn để lắp đặt điện mặt trời thì được khoảng 166MW.

Trong khi đó, TP.HCM có 18 khu công nghiệp với diện tích được Chính phủ quy hoạch là khoảng 7.000ha; thời gian tới sẽ mở rộng thêm khoảng 4.000ha. Chỉ riêng năm 2019, các khu công nghiệp của thành phố đã lắp được 80MW. Sau đó, do có nhiều khó khăn trong triển khai lắp đặt nên các bên liên quan phải dừng lại. Tuy nhiên, có thể thấy, ngoài cơ quan Nhà nước, điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp của thành phố cũng có tiềm năng lớn.

Hồi tháng 9, Bộ Công Thương cũng có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, cơ quan này đã đề xuất lại các giải pháp phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà. Trong đó, Bộ bày tỏ quan điểm mới là xem xét, cho mua bán điện với điều kiện cả nguồn - phụ tải không có sự liên kết với lưới điện quốc gia.

Dù vậy, cơ quan này lưu ý, nguồn điện tự sản tự tiêu cũng chưa có quy định thuộc đối tượng phát triển điện lực, do đó, Bộ Công Thương đề xuất đưa nội hàm “tự sản tự tiêu” vào chương trình xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) trong thời gian tới để tạo hành lang pháp lý áp dụng trong thực tiễn.

Trần Chung

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   Bộ Công Thương: Chưa đủ pháp lý giao EVN làm điện gió ngoài khơi (17/10/2023)

>   Quan điểm của Bộ Công Thương về điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần (17/10/2023)

>   Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại Việt Nam và Ấn Độ đạt mục tiêu 20 tỷ USD (17/10/2023)

>   Vì sao EVN, PVN, TKV bị nhắc tên trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội? (16/10/2023)

>   Giải pháp tháo gỡ rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu (16/10/2023)

>   Chủ tịch Quốc hội: Lương sẽ tăng 5-7% mỗi năm sau 2024 (16/10/2023)

>   Nguyên Tổng giám đốc Công ty cao su Đắk Lắk bị khởi tố (15/10/2023)

>   Chủ đầu tư đua nhau làm dự án nhà ở tại Đồng Nai, Bình Dương, Long An (14/10/2023)

>   Lo cao tốc Bắc – Nam chậm tiến độ, Chính phủ đề xuất kéo dài cơ chế đặc thù (14/10/2023)

>   Bộ Giao thông Vận tải đề nghị thí điểm thu phí tự động tại sân bay (14/10/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật