Theo chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sau năm 2024, mức lương sẽ tăng 5-7% mỗi năm để lương khu vực công nhanh chóng bằng khu vực sản xuất.
Sáng 14/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn đại biểu thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri tại quận Đồ Sơn trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15.
Ông Huệ cho biết đến nay, Chính phủ đã chuẩn bị được khoảng 500,000 tỷ đồng để cải cách chính sách tiền lương theo nguyên tắc mức lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 sẽ xem xét quyết định lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương năm 2018.
"Từ nay đến thời điểm dự kiến thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương vào 01/07/2024, các cơ quan đang tập trung hoàn thiện dự thảo chính sách, hệ thống thang bảng lương", Chủ tịch Quốc hội thông tin.
Nghị quyết 27 Trung ương đặt mục tiêu cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp từ 01/07/2021. Tuy nhiên hai năm qua, do nhiều tác động bất lợi, đặc biệt là đại dịch COVID-19, lộ trình cải cách đồng bộ chính sách tiền lương đến nay chưa được thực hiện.
Trong lúc chờ đợi, Quốc hội đã quyết định tăng lương cơ sở lên 1.8 triệu đồng từ 01/07/2023 để góp phần giúp cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri quận Đồ Sơn
|
Không để lãng phí đất Đồ Sơn
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo rà soát, sớm chuyển giao các cơ sở nhà, đất của bộ, ngành, cơ quan trung ương, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, để hoang hóa về thành phố Hải Phòng quản lý, phục vụ phát triển du lịch.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Đồ Sơn với địa hình bán đảo, diện tích chỉ khoảng 42 km2, dư địa phát triển không nhiều. Vì vậy, cần thúc đẩy xử lý các dự án treo gây lãng phí nguồn lực về đất đai. Ông cũng gợi ý Đồ Sơn đánh giá lại tài nguyên du lịch gồm môi trường, doanh nghiệp, sản phẩm, trên tinh thần coi du lịch là một ngành kinh tế, Ktuân theo các quy luật kinh tế và đồng bộ hạ tầng để trở thành trung tâm du lịch quốc tế, cùng Cát Bà và Hạ Long.
Theo báo cáo của quận Đồ Sơn, 11 bộ ngành trung ương có nhà nghỉ dưỡng kết hợp kinh doanh tại khu du lịch. Trong đó, công trình của 6 cơ quan, đơn vị được xây dựng từ thời bao cấp, nay đã xuống cấp; 12 dự án khác chậm tiến độ, tổng diện tích khoảng 700,000 m2. Cuối tháng 4, UBND quận Đồ Sơn đề xuất UBND TP Hải Phòng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chuyển giao tài sản về thành phố quản lý để phát triển hạ tầng du lịch.
Đồ Sơn là khu du lịch nổi tiếng được người Pháp xây dựng đầu thế kỷ 20. Sau năm 1975, nhiều bộ ngành được cấp đất ở Đồ Sơn để xây nhà nghỉ, nhà khách, trung tâm điều dưỡng phục vụ cán bộ, công nhân viên chức trong ngành. Các cơ sở có đủ điều kiện sau đó được chuyển đổi kinh doanh khách sạn du lịch theo cơ chế doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, các công trình sau bao cấp không còn được đầu tư nên xuống cấp.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15 dự kiến chia thành hai đợt với tổng thời gian làm việc 29 ngày. Đợt 1 kéo dài 19 ngày (23/10-10/11), đợt 2 trong 10 ngày (20/11-29/11).
Thế Mạnh
FILI