Vì sao EVN, PVN, TKV bị nhắc tên trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội?
Theo Đoàn giám sát, các tập đoàn năng lượng lớn của Nhà nước đã không hoàn thành việc đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện theo nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Tại báo cáo kết quả giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021" gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) phục vụ phiên họp 27, Đoàn giám sát của UBTVQH đã nêu rõ một số dự án năng lượng chậm tiến độ, thua lỗ và rủi ro mất vốn, có sai phạm.
Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 chậm tiến độ nhiều năm, nay đã đi vào hoạt động. Ảnh: VGP
|
Theo báo cáo, các tập đoàn năng lượng lớn của nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã không hoàn thành việc đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện theo nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
"Văn bản số 1027/KL-TTCP ngày 28-4-2023 của Thanh tra Chính phủ kết luận việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã làm rõ"- báo cáo nêu.
Bên cạnh đó, một số dự án năng lượng đầu tư trong nước thua lỗ, đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro, bao gồm mất vốn đầu tư, khó khăn trong việc xử lý, giải quyết các vấn đề và quá trình giải quyết chậm trễ do sự khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, thủ tục hành chính và hệ thống pháp lý của quốc gia.
Đối với các dự án điện chậm tiến độ, có thể kể đến dự án nhà máy điện Sông Hậu 1 với công suất 1.200 MW do PVN làm chủ đầu tư. Dự án này chậm tiến độ 3 năm, hiện đã hoàn thành xây dựng và phát điện thương mại.
Dự án nhà máy điện Thái Bình 2 khởi công từ năm 2011, cũng chậm tiến độ nhiều năm. Đến nay, dự án đã đi vào hoạt động sau nhiều nỗ lực giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Chính phủ, các bộ ngành và cơ quan liên quan.
Dự án nhà máy điện Long Phú 1 với công suất 1.200 MW, hiện đang được PVN tìm giải pháp tháo gỡ, tìm nhà thầu mới. Theo Đoàn giám sát của Quốc hội, khó khăn vẫn còn rất lớn, chưa có khả năng xác định thời gian tái tiếp tục triển khai xây dựng.
Bên cạnh đó, các dự án nhiệt điện Ô Môn 3 và 4 bị chậm tiến độ, trước đó do EVN làm chủ đầu tư nhưng hiện đã phải bàn giao cho PVN. Quy hoạch điện VI dự kiến nhà máy điện Ô Môn III và IV (EVN được giao đầu tư) đưa vào năm 2013 - 2014. Tuy nhiên, khâu thượng nguồn (mỏ khí Lô B) bị chậm nhiều năm do thay đổi nhà phát triển mỏ, chuỗi dự án này đã được điều chỉnh giãn tiến độ nhiều lần.
Tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh dự kiến đưa chuỗi Lô B - Ô Môn vào năm 2023 - 2024, nhưng đến nay cả chuỗi chưa thể khởi công do một trong các dự án thành phần chậm tiến độ.
Cũng theo báo cáo của Đoàn giám sát, trong số 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương, có 4 dự án trong lĩnh vực chế biến dầu khí thuộc PVN với tổng số lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2017 là 5.864,7 tỉ đồng, đến 30-6-2019 là 7.373,4 tỉ đồng...
Đáng lưu ý, việc xử lý hậu quả đối với 03 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học (các Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học: Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bình Phước) hết sức khó khăn, gây nợ xấu cho các tổ chức tín dụng.
Để xảy ra những hạn chế, bất cập trên, báo cáo giám sát nêu rõ thuộc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước các cấp trong công tác tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng, trong đó, có trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan, UBND cấp tỉnh một số địa phương, EVN, PVN, TKV.
Một số sai phạm, trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân, nhất là trong chấp hành chính sách, pháp luật trong triển khai thực hiện Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh...đã và đang được các cơ quan có thẩm quyền kết luận.
Hà Minh
Người lao động
|