Tìm cách tháo gỡ các dự án bất động sản chậm tiến độ Nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho những dự án bất động sản đã được đề ra trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 24-10. Trong đó, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, những dự án chậm triển khai thì đơn vị chức năng cần tính đúng giá đất theo quy định; Quốc hội cần có phương án, ban hành nghị quyết để giải quyết vướng mắc của thị trường.
Nếu những khó khăn thị trường bất động sản được tháo gỡ thì những vấn đề khác sẽ được khơi thông như thị trường vật liệu xây dựng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, góp phần giúp ổn định vĩ mô. Ảnh minh họa: H.P |
Trong phiên thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đại diện đại biểu ở Hà Nội đã đề cập đến những khó khăn của thị trường bất động sản, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho những dự án “đắp chiếu” từ 10-20 năm qua, TTXVN đưa tin.
Theo đó, nếu những khó khăn thị trường bất động sản được tháo gỡ thì những vấn đề khác sẽ được khơi thông như thị trường vật liệu xây dựng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, góp phần giúp ổn định vĩ mô, khơi thông được vấn đề tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Hiện nay, Hà Nội có hơn 700 dự án đang bị chậm triển khai nhiều năm và mới đây cơ quan chức năng đã xử lý hủy hơn 100 dự án, thu lại để đấu thầu, đấu giá được vài ngàn héc-ta.
Thông tin tại phiên thảo luận, hầu hết những vướng mắc này liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Do đó, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, Quốc hội cần có những kế hoạch, ban hành nghị quyết để giải quyết vướng mắc của thị trường. Đối với những dự án chậm triển khai thì tính đúng giá đất sao cho phù hợp với quy định hiện hành. Đối với chủ đầu tư không còn khả năng thì có biện pháp giải quyết, tránh tình trạng để dự án kéo dài nhiều năm.
Hiện nay, nợ đọng thuế phí về đất đang tăng, đặc biệt là nợ đọng trong các dự án bất động sản. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần liệt kê cụ thể nội dung này, đặc biệt là giải pháp để thu hồi nợ đọng.
Cùng ngày, các địa biểu cùng bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như bộ, ngành liên quan cần có chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn tín dụng ưu đãi. Chẳng hạn như, ngành chức năng tiếp tục chính sách giảm 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; tận dụng các cơ hội chuyển dịch đầu tư từ các quốc gia trong khu vực….
Trúc Đào TBKTSG
|