Thực hư Saigon Co.op mở siêu thị Co.opmart ở Úc Đại diện Saigon Co.op cho biết, đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp chưa đầu tư xây dựng siêu thị và chưa nhượng quyền thương hiệu siêu thị Co.opmart cho bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào. Ngày 6-10, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty Meet More (chuyên cà phê trái cây) cho biết, với mục tiêu mỗi người dân Việt ở nước ngoài đều có thể thưởng thức cà phê được chế biến từ nông sản Việt Nam, công ty thường tổ chức những chuyến khảo sát các nước Mỹ, Bắc Âu, Úc… để quảng bá cũng như tìm cách thâm nhập vào những thị trường khó tính này. “Sáng nay, tôi đi đến siêu thị tại địa chỉ 128b Duke street, Braybook 3019 VIC -Melbournce, bên ngoài thấy bảng hiệu logo giống Co.opmart thuộc Saigon Co.op. Một số cửa hàng kế bên cho biết ban đầu họ nghĩ Saigon Co.op mở rộng hệ thống siêu thị Co.opmart tại Úc. Tuy nhiên, khi vào bên trong, siêu thị hàng hóa bày biện lộn xộn không ngăn nắp nên nghi không phải của Saigon Co.op. Đồng thời khi vào website của siêu thị này có ghi Co.opmart nhưng không đề cập đến của Việt Nam ” - ông Luận thông tin. Siêu thị ở Úc có logo thương hiệu Co.opmrat. Ảnh: NGUYỄN NGỌC LUẬN | Liên quan đến một siêu thị Úc có dùng hình ảnh logo thương hiệu của Co.opmart, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc khối vận hành siêu thị Co.opmart cho biết, doanh nghiệp luôn gìn giữ và phát triển thương hiệu siêu thị thuần Việt Co.opmart có từ lâu đời và đã thân quen với người Việt Nam. Do đó, đến thời điểm hiện tại, Saigon Co.op chưa đầu tư xây dựng siêu thị và chưa nhượng quyền thương hiệu siêu thị Co.opmart cho bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào. Đối với việc một siêu thị ở nước ngoài có dùng bảng hiệu, logo thương hiệu Co.opmart Saigon Co.op sẽ tiếp tục theo dõi và liên hệ với các tổ chức liên quan để có bước xử lý tiếp theo. “Từ vụ việc này, chúng tôi sẽ tiến hành việc đăng ký bảo hộ thương hiệu nước ngoài nhằm giữ gìn thương hiệu doanh nghiệp Việt, đảm bảo mang đến sản phẩm chất lượng thuần Việt, không chỉ phục vụ người tiêu dùng trong nước mà cả thị trường quốc tế” - ông Thắng chia sẻ. Theo ông Luận thông tin, cách đây bốn năm khi khảo sát tại hệ thống phân phối sỉ lớn nhất ở Úc là Costco, khách hàng dễ dàng nhìn thấy các gói phở ăn liền với thương hiệu Phở cùng dòng chữ “Vietnamese Style Noodle Soup” nhưng dưới gói phở lại ghi là “Product of China”. Không những vậy, trước đây tại Mỹ thương hiệu Phở cũng đã bị Thái Lan đăng ký. Như vậy, thương hiệu Phở ở Mỹ hay ở Úc đã không còn là của người Việt Nam. Nói cách khác nếu người Việt muốn bán sản phẩm mang thương hiệu Phở của mình tại Úc phải được doanh nghiệp Trung Quốc cho phép và ở Mỹ thì là Thái Lan. “Sẽ còn bao nhiêu sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam bị nước ngoài lấy mất nữa? Chúng ta phải có giải pháp để thương hiệu gắn liền các sản phẩm Việt Nam không bị lấy mất trong tương lai. Những vụ việc trên hy vọng sẽ đánh động doanh nghiệp Việt nâng cao ý thức trong bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài dù chúng ta có bán hoặc không bán hàng hóa ra thế giới” - ông Luận nói. TÚ UYÊN Pháp luật TPHCM
|