TP.HCM có nhiều chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo TP.HCM đề xuất cơ chế để các doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ phục vụ chuyển đổi số. Trong khuôn khổ ngày hội Chuyển đổi số - không gian khởi nghiệp sáng tạo năm 2023, UBND quận 7 tổ chức toạ đàm “Ứng dụng chuyển đổi số trong thực tiễn”. Toạ đàm “Ứng dụng chuyển đổi số trong thực tiễn”. | Đề xuất cơ chế sử dụng Quỹ phát triển khoa học, công nghệ Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7 cho biết trong những năm qua, quận 7 đã chú trọng công tác chuyển đổi số trên tất cả các mặt, lĩnh vực và bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7 phát biểu. | Cụ thể, quận đã thành lập và vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh; người dân và DN có thể tiếp cận các cơ sở dữ liệu thông qua ứng dụng công chức trực tuyến và quận 7 trực tuyến; triển khai rộng rãi thanh toán không tiền mặt... Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM đã thông tin về một số kết quả và nhiệm vụ chuyển đổi số tại TP.HCM đến năm 2025. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, TP.HCM có ba chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm phát triển TP. Trong đó, TP nhấn mạnh việc thực hiện nhanh chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số, xây dựng TP trở thành đô thị thông minh. Theo đó, thời gian qua TP.HCM đã tổ chức, triển khai chính sách, quy trình vận hành kho dữ liệu dùng chung và chuyển hạ tầng xử lý tại đơn vị về quản lý tập trung trên nền tảng đám mây. Đồng thời, TP đã liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, của bộ, ngành và giúp phục vụ tốt hơn cho người dân, DN. Năm 2022, TP xếp vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh. Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM phát biểu. | Phó Giám đốc Sở TT&TT TP thông tin: Nhiệm vụ trọng tâm của TP đến năm 2025 là triển khai chiến lược quản trị dữ liệu. Sau đó, TP sẽ tập trung chuyển đổi số trong hoạt động chính quyền và trong các lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, giáo dục... Ngoài ra, TP cũng hướng đến việc tập trung nâng cao năng lực số cho công chức, người dân và DN, nghiên cứu, đề xuất để phát triển TP thành trung tâm công nghệ tài chính, đề xuất cơ chế để các DN sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ phục vụ chuyển đổi số... Nhiều cơ chế chuyển đổi số với Nghị quyết 98 Cũng tại tọa đàm, ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Quản lý KH-CN, Sở KH-CN TP.HCM đã chia sẻ những chính sách hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Theo ông Sơn, Nghị quyết 98 có nhiều nội dung hỗ trợ về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cụ thể, về hoạt động đổi mới sáng tạo, Nghị quyết này sẽ hỗ trợ miễn thuế thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ không hoàn lại cho dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Về hoạt động khoa học công nghệ, Nghị quyết 98 có cơ chế cho phép thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới và có hỗ trợ chính sách lương/ưu đãi cho lãnh đạo tổ chức khoa học, công nghệ. Ông Lê Hùng Cường, Giám đốc chuyển đổi số FPT Digital cũng cho biết, chuyển đổi số đang diễn ra trên mọi lĩnh vực của kinh tế và xã hội Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, DN đã chuyển đổi số chủ yếu tập trung ở các đơn vị lớn, đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài. Dẫn chứng điều này, ông Cường thông tin: 98,1% DN có quy mô nhỏ và vừa dễ gặp khó khăn trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ mới; 48,8% DN đã từng nhưng hiện tại không còn sử dụng các giải pháp số do chưa xác định mục tiêu và chiến lược chuyển đổi số đúng đắn, thiếu nhân sự; 2,2% DN nhỏ và vừa đã đặt ra mục tiêu chuyển đổi số và tìm được định hướng phù hợp hoặc có kế hoạch triển khai cụ thể. Ông Lê Hùng Cường, Giám đốc chuyển đổi số FPT Digital phát biểu. | Những thách thức DN gặp phải như nhận thức và chiến lược về chuyển đổi số chưa rõ ràng; nguồn lực thực hiện chuyển đổi số trong ngành còn yếu, quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún; thiếu hụt hạ tầng và kiến trúc công nghệ thông tin. DN cần sự đồng thuận cao từ phía lãnh đạo DN, yêu cầu ngân sách cho hoạt động chuyển đổi số ở mức cao. "Để tăng năng lực cạnh tranh, DN cần xác định mục tiêu chuyển đổi số, cụ thể là yếu tố đầu tiên, đảm bảo tính thông suốt trong hành trình. Dựa trên mục tiêu ưu tiên, DN nên lựa chọn các giải pháp có sẵn, tối ưu chi phí đầu tư và vận hành; đồng thời tham gia và nhận hỗ trợ từ các quỹ phát triển." - ông Cường nói. THU TRINH BẢO PHƯƠNG Pháp luật TPHCM
|