Sản xuất công nghiệp của tỉnh Trà Vinh tăng mạnh 25,52% Theo Bộ Công thương, năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khu vực phía Nam đạt hơn 139 tỉ USD, còn 8 tháng đầu năm 2023 đạt trên 81,4 tỉ USD. Ngày 6-10, tại TP Vị Thanh, Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị ngành công thương các tỉnh, TP khu vực phía Nam. Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: CHÂU ANH | Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Hội nghị ngành Công Thương 20 tỉnh, TP khu vực phía Nam lần này nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành trong năm 2022 và tám tháng đầu năm 2023. Từ đó, đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ bốn tháng cuối năm 2023. Theo Bộ Công thương, năm 2022, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp toàn khu vực phía Nam đạt khá. Có 15/20 tỉnh, TP có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp thâm dụng lao động, các ngành gây ô nhiễm môi trường. Thống kê trong tám tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của các tỉnh, TP khu vực phía Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022. Có 18/20 tỉnh, TP có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước, trong đó, cao nhất là tỉnh Trà Vinh tăng 25,52%, kế đó là tỉnh Hậu Giang tăng 12,22% và đứng thứ ba là tỉnh Kiên Giang tăng 12,05%. Hội nghị còn được nghe lãnh đạo Sở Công thương các tỉnh, TP trình bày các tham luận, các kinh nghiệm trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở địa phương. Ảnh: CHÂU ANH | Về xuất khẩu, trong tám tháng đầu năm 2023, dù hoạt động xuất khẩu phải đối diện với rất nhiều khó khăn, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực phía Nam thực hiện được hơn 81,4 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 35,76% so với cả nước. Có 8/20 tỉnh, TP vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ, gồm: Tiền Giang Hậu Giang, TP Cần Thơ, Bạc Liêu, An Giang, Bình Phước, Kiên Giang và Long An. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng đã chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại, như: việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp thực hiện còn chưa đạt kế hoạch. Cạnh đó, trình độ công nghệ của một số doanh nghiệp còn chậm đổi mới; việc đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại mới chủ yếu tập trung ở doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chất lượng sản phẩm, năng suất lao động có tay nghề cao ngành công nghiệp còn thấp. Phát triển công nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác, còn quá chú trọng vào lao động giá rẻ, chưa tận dụng tốt được lợi thế công nghệ 4.0... Mặt khác, tiến độ đầu tư các cụm công nghiệp, thành lập mới và thu hút đầu tư mới còn khó khăn. Một số dự án đầu tư vào cụm công nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư nhưng chậm triển khai hoặc đã khởi công xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ cao, vốn sản xuất kinh doanh có hạn, nên không chủ động được nguồn nguyên liệu, thị trường; công nghệ lạc hậu, sản phẩm làm ra chất lượng thấp nên sức cạnh tranh không cao,... dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngưng hoạt động. Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết chín tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 13,3%, đứng thứ nhất cả nước. Ảnh: CHÂU ANH | CHÂU ANH Pháp luật TPHCM
|