Tạo lực đẩy mạnh hơn cho 'sản phẩm xanh' Đến nay, các doanh nghiệp vẫn chưa được ghi sản phẩm xanh lên bao bì để quảng bá nên khách hàng khó nhận biết. TP.HCM đang tạo động lực mới cho nền kinh tế theo hướng xanh và mong muốn hành động nhanh để bắt kịp với xu hướng này. Trong đó, tiêu dùng xanh là một trong những yếu tố để thúc đẩy doanh nghiệp (DN) sản xuất xanh, góp phần tăng trưởng xanh. Nắm bắt xu hướng này, thời gian qua, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư sản xuất sản phẩm xanh đáp ứng yêu cầu của khách hàng trên thế giới. Thế nhưng, tại thị trường nội địa còn một số rào cản khiến sản phẩm xanh chưa phát triển. Sản phẩm xanh vẫn chưa tiếp cận được nhiều khách hàng Tại một siêu thị lớn ở quận Tân Phú (TP.HCM), chị Lê Thị Tiên dừng lại ở khu bán các sản phẩm mì khô, bún khô. Chị cầm một gói bún khô lên xem một hồi rồi đặt xuống, chọn gói khác. “Tôi thấy gói bún có bao bì bắt mắt, trên bao bì ghi dòng chữ không sử dụng chất bảo quản, 100% màu tự nhiên từ gạo... Tuy nhiên, giá của gói bún này lên tới hơn 35.000 đồng nên tôi quyết định chọn mua loại thông thường với giá thấp hơn. Mặt khác, tôi cũng không chắc đó có phải là sản phẩm xanh hay không nên không mua” - chị Tiên nói. Là một trong 90 công ty đạt danh hiệu xanh của TP.HCM năm 2023, bà Huỳnh Phương Trinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất bột quốc tế (Intermix), nhấn mạnh: Để phát triển được sản phẩm xanh đòi hỏi DN phải đầu tư chi phí lớn nên giá thành sản phẩm đến tay người dùng chắc chắn cao hơn sản phẩm thông thường. Trong đó, riêng việc sử dụng bao bì thân thiện với môi trường đã chiếm khá nhiều chi phí, vì vậy sản phẩm xanh giá thường cao hơn khoảng 20%-30% so với sản phẩm thông thường cùng loại trên thị trường. Doanh nghiệp cần quảng bá thật mạnh, thật đậm về tính năng vượt trội của sản phẩm xanh để thuyết phục khách hàng. Ảnh: TÚ UYÊN | “Dù chi phí cao như vậy nhưng để cạnh tranh, chúng tôi chỉ dám tăng giá khoảng 10%. Chúng tôi cố gắng xoay xở để giảm chi phí nhằm thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm xanh” - bà Trinh nói. Cũng là một công ty xanh, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh, Phó Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, nêu thực tế khi đầu tư sản xuất xanh, chi phí đội lên nhiều so với sản phẩm thông thường do phải đáp ứng yêu cầu về xử lý nước thải, khí thải, tiếng ồn, sử dụng nhiên liệu hóa thạch… Chính vì vậy, giá các sản phẩm xanh sẽ tăng lên, tuy nhiên sản phẩm xanh vẫn chưa tiếp cận được nhiều khách hàng dẫn đến thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Ở góc độ nhà phân phối, đại diện Siêu thị Emart cho biết sản phẩm xanh tại siêu thị phân thành các nhóm sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ, nguyên liệu hoặc bao bì thân thiện với môi trường... Thông thường các sản phẩm xanh có giá cao hơn so với sản phẩm thông thường. Mặt khác, tùy theo tình hình thị trường, siêu thị sẽ tung ra các chương trình khuyến mãi phù hợp cho nhóm sản phẩm xanh và nhận thấy doanh số bán khá tốt. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng để hỗ trợ sản phẩm xanh tiếp cận thị trường rộng rãi, công tác truyền thông rất quan trọng. Qua đó, thuyết phục người mua chấp nhận giá sản phẩm xanh cao hơn 5%-10% so với sản phẩm thông thường nhưng đảm bảo an toàn sức khỏe, môi trường… Bên cạnh đó, DN cũng cần siết chặt quản lý chi phí của mình, tập trung vào một số sản phẩm, đồng thời cần có sự hỗ trợ của Chính phủ. “Tại nhiều nước trên thế giới, khi DN tham gia vào kinh tế xanh có sự hỗ trợ của Chính phủ. Tôi thấy hiện tại TP.HCM đang nỗ lực để hỗ trợ DN sản xuất xanh” - bà Hạnh nói. | Tương tự, ông Đinh Quang Khôi, Phó Giám đốc marketing Siêu thị MM Mega Market, thông tin: Bên cạnh các sản phẩm xanh của nhà cung cấp, siêu thị còn tung ra những sản phẩm xanh mang thương hiệu riêng như MM Bio, We Are Fresh ở các ngành hàng thực phẩm khô và thực phẩm tươi sống. Ông Khôi nhận xét: “Chúng tôi nhận thấy sản phẩm xanh tăng trưởng tích cực. Tuy vậy, giá cả sản phẩm xanh cao hơn hàng hóa thông thường là một trong những rào cản khiến người dân cân nhắc khi mua sắm”. Một số nhà bán lẻ khác đánh giá chỉ có một bộ phận người dân có thu nhập cao chọn sản phẩm xanh. Vì vậy, hiện nay sản phẩm chưa xanh vẫn chiếm ưu thế, nhất là vấn đề về giá. Cần tiêu chí rõ ràng cho sản phẩm xanh Phó Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM Nguyễn Đặng Hiến nhìn nhận sản phẩm xanh hay DN xanh hiện nay vẫn còn khá mới mẻ với người dùng Việt Nam. Do đó, để ba chữ “DN xanh” đi vào tiềm thức và để khách hàng thấy được giá trị của sản phẩm xanh thì cần phải truyền thông mạnh mẽ. “Thời gian qua có những sản phẩm đội lốt sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietG.A.P, GlobalG.A.P., hữu cơ… gây mất niềm tin cho người dân. Tương tự như vậy, để sản phẩm xanh có cơ hội tiếp cận thị trường, chinh phục khách hàng thì phải làm bài bản và công tác truyền thông rất quan trọng” - ông Hiến nhấn mạnh. Cùng quan điểm trên, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) - ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, hàng hóa giá rẻ đang là ưu tiên hàng đầu của người dân. Vì vậy, để sản phẩm xanh đi vào thị trường, các DN phải cạnh tranh về giá cả, chất lượng và thông tin minh bạch. Đặc biệt, bản thân các DN và Nhà nước cần truyền thông về giá trị của sản phẩm xanh để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Ngoài ra, theo TS Quân, hiện nay vẫn chưa có quy định rõ ràng về việc cho phép DN gắn lên bao bì nhãn sản phẩm xanh để quảng bá dẫn đến khách hàng khó nhận biết. “Tôi nghĩ Nhà nước cần tính toán cho phép gắn nhãn cho sản phẩm xanh để người dùng dễ dàng nhận biết khi mua sắm. Tuy nhiên, tiêu chí xanh hay việc gắn nhãn xanh lên sản phẩm cần ở tầm quốc gia hoặc thông qua các tổ chức, hiệp hội để triển khai” - TS Quân gợi ý. Vị chuyên gia này cũng cho rằng cần áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nhằm góp phần nâng cao tính minh bạch của sản phẩm xanh. Bên cạnh đó, cần có sự chứng nhận, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng... để người tiêu dùng tin tưởng đó là sản phẩm thực sự xanh. Nhà nước phải đi đầu, mở đường cho tiêu dùng xanh Tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết để có sản phẩm xanh phải bắt đầu từ công nghệ, khoa học, nghiên cứu, sáng tạo…, đồng nghĩa giá thành sản phẩm sẽ cao. Nhưng nếu giá thành cao mà xã hội không dùng thì các sản phẩm đó không phát triển, DN không thể phát triển. Do đó, để người dùng tin tưởng, tạo động lực cho DN phát triển theo xu hướng xanh thì tiêu dùng của Nhà nước phải đi dầu, dẫn dắt, mở đường định hướng cho tiêu dùng xã hội. Vì vậy, sắp tới TP.HCM có kế hoạch nghiên cứu hoàn thiện bộ tiêu chí để triển khai tăng trưởng xanh. “Từng ngành, từng đơn vị, từng địa phương liên quan phải xây dựng được bộ tiêu chí xanh; phải thảo luận trong dân, tham khảo ý kiến của chuyên gia để ban hành nhanh tiêu chí xanh nhưng có tính khả thi. Kèm theo là khung chính sách hỗ trợ cho DN, người dân để thúc đẩy tiêu dùng xanh, tăng trưởng xanh” - ông Hoan nói. | TÚ UYÊN Pháp luật TPHCM
|