Bản tin kinh tế 22/10: Lãnh đạo EVN sắp bị kỷ luật; thúc tăng trưởng tín dụng Ủy ban Quản lý vốn đề nghị kỷ luật lãnh đạo EVN để thiếu điện; Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý; lộ bất cập về quản lý mã vùng trồng sầu riêng... là những tin tức kinh tế chú ý trong ngày.
- Ủy ban Quản lý vốn đề nghị kỷ luật lãnh đạo EVN để thiếu điện
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất mức kỷ luật khiển trách đối với một số lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) do để gián đoạn cung ứng điện. Theo đó, Ủy ban đã đề xuất kỷ luật khiển trách đối với các lãnh đạo của EVN, gồm: ông Dương Quang Thành - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên; ông Trần Đình Nhân - thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc và Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia. Ủy ban đang tiếp tục phối hợp với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương chỉ đạo EVN ban hành các quyết định kỷ luật cán bộ và kỷ luật đảng viên. (Xem thêm)
- Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023. Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất có thể đã đề ra, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (nhất là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (theo Nhịp Sống Thị Trường).
Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý (Ảnh: Hoàng Hà). |
- Hơn 1.000 xe hàng hóa qua cửa khẩu Lạng Sơn - Trung Quốc mỗi ngày
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, hiện 5 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn là Chi Ma, Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam và ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng đang duy trì ổn định hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, với trên 1.000 phương tiện xuất nhập khẩu thông quan mỗi ngày. Qua thống kê của lực lượng chức năng, trung bình mỗi ngày có khoảng 350-400 phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi các loại lên khu vực cửa khẩu của tỉnh để xuất khẩu sang Trung Quốc (theo Tiền Phong).
- Lộ bất cập về quản lý mã vùng trồng sầu riêng
Dù vụ mùa sầu riêng 2023 đang dần khép lại nhưng tình hình quản lý sử dụng mã vùng trồng sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk đang gặp nhiều thử thách, nhất là tình trạng gian lận, giả mạo vẫn còn diễn ra, gây ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu (theo Lao Động).
- Về tay người Thái, Nhựa Bình Minh lập đỉnh lợi nhuận mới
Nhựa Bình Minh - công ty nhựa lớn nhất miền Nam - mặc dù doanh thu sụt giảm nhưng lợi nhuận vẫn tăng trưởng cao, chỉ tiêu lợi nhuận cả năm đã được hoàn thành khi mới qua 9 tháng. Theo báo cáo tài chính quý III mới công bố, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh lãi ròng 784 tỷ đồng chỉ sau 9 tháng đầu năm, tăng 75% so với cùng kỳ và qua đó sớm vượt 20% kế hoạch lợi nhuận năm (651 tỷ đồng). Đây là mức lợi nhuận tốt nhất của doanh nghiệp dù mới đi được 3/4 chặng đường, cao hơn tất cả mức lợi nhuận hàng năm trong quá khứ của công ty. (Xem thêm)
- Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới muốn đầu tư vào Việt Nam
Vừa qua, trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Yasser M.Mufti, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Dầu khí quốc gia Saudi Aramco, bày tỏ mong muốn có cơ hội đầu tư vào Việt Nam và xây dựng một nhà máy lọc hóa dầu mới. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Aramco tham gia đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt là những dự án lọc hóa dầu lớn của Việt Nam. Tập đoàn Saudi Aramco của Saudi Arabia là công ty sản xuất dầu lớn nhất thế giới và nhiều thời điểm giữ vị trí công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu (theo Dân Trí).
Giá vàng hôm nay kết thúc tuần tăng giá. Căng thẳng khu vực Trung Đông khiến giá vàng tăng mạnh do nhu cầu trú ẩn. Hạnh Nguyên VietNamNet
|