Ra mắt mạng lưới bán dẫn Việt Nam Trong khuôn khổ hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn diễn ra chiều 29-10, mạng lưới bán dẫn Việt Nam đã chính thức ra mắt, tạo cơ hội hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Các bộ ngành cũng đã xây dựng đề án về phát triển nguồn nhân lực, hướng đến việc cung cấp 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Ảnh minh họa: TL |
TTXVN thông tin, mạng lưới bán dẫn Việt Nam đã chính thức ra mắt trong khuôn khổ hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn diễn ra chiều 29-10.
Thông tin tại lễ ra mắt, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn. Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh sao cho thu hút được các nhà đầu tư, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong ngành. Chẳng hạn như những dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao sẽ được áp dụng ưu đãi cao nhất theo quy định.
Một thông tin khác liên quan đến lĩnh vực này, một số đơn vị tham gia vào nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành bán dẫn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách Khoa Hà Nội… Các bộ ngành cũng đã xây dựng đề án về phát triển nguồn nhân lực, hướng đến việc cung cấp 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn như Viettel, VNPT, FPT, CMC… Đơn cử, Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel và FPT tham gia vào công đoạn thiết kế chip. Các công ty trong nước có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn như gia công thiết kế vi mạch, lắp ráp, kiểm định.
Việt Nam cũng đã thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại Hòa Lạc (Hà Nội), TPHCM và Đà Nẵng. NIC và các khu công nghệ cao sẽ là cầu nối để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn tại Việt Nam.
Trúc Đào TBKTSG
|