Doanh nghiệp đầu tư vào miền Tây muốn được hỗ trợ 5 vấn đề Doanh nghiệp mong các tỉnh ĐBSCL hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, thủ tục đầu tư, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các ưu đãi đặc biệt... Ngày 30-10, tại Cần Thơ, Bộ NN&PTNT phối hợp Trường Chính sách công và phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu vào nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NHẪN NAM | Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam gợi ý việc xúc tiến vào nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL nên quan tâm ưu tiên các sản phẩm chủ lực của ĐBSCL là lúa gạo, trái cây và thủy sản. Cạnh đó, Thứ trưởng Nam cho biết, quan điểm của Bộ là đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực logistic phục vụ cho ngành nông nghiệp. Hiện Bộ đang trình Chính phủ đề án Logistic nông sản, tập trung vào ba trung tâm lớn. Thứ nhất là trung tâm ở các vùng nguyên liệu, giúp đảm bảo kho chứa hàng, nguyên liệu, dịch vụ tư vấn kỹ thuật cho nông dân… Thứ hai là trung tâm ở các TP lớn vừa đảm bảo khả năng chế biến sâu vừa đảm bảo xuất khẩu. Thứ ba là trung tâm ở cửa khẩu để phục vụ chứa hàng phục và xuất khẩu. Thứ trưởng cho biết, trung tâm này sẽ làm trước ở Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai, là ba cửa khẩu chính sang Trung Quốc. Thứ trưởng Trần Thanh Nam tặng hoa cho các tỉnh và doanh nghiệp trao thỏa thuận tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. Ảnh: NHẪN NAM | Theo Thứ trưởng Nam, các trung tâm dịch vụ này sẽ giúp hạ giá thành xuống để tăng lợi nhuận của doanh nghiệp và người dân. Bộ mong muốn các doanh nghiệp đầu tư vào các trung tâm này. Một trong số đó là Dự án đầu tư tại Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm vùng ĐBSCL đặt tại TP Cần Thơ. Cũng theo Thứ trưởng, xu hướng kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, kinh tế xanh đang được quan tâm. Thế mạnh của ĐBSCL là phụ phẩm nông nghiệp có thể tái tạo sản phẩm có giá trị cao. Vì vậy, ngành nông nghiệp cũng đang muốn hướng đầu tư vào lĩnh vực này. Về việc này, ông Nam cho biết, Bộ đã hoàn thành xong đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải. Đề án có thể được phê duyệt vào đầu tháng 11 thì sẽ triển khai ngay trên vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 với khoảng180.000 ha lúa chất lượng cao giảm phát thải. Tại hội nghị, nhiều ý kiến đánh giá cao Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải sẽ là cơ hội để ngành lúa gạo Việt Nam nói chung và của vựa lúa ĐBSCL nói riêng có bước phát triển mới, hướng đến giá cao và mang lại thu nhập lớn cho người dân. Cùng với đó sẽ tạo ra một thói quen sản xuất lúa mới theo hướng xanh, bền vững hơn cho nông dân ĐBSCL. Bà Nguyễn Thị Hằng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn thủy sản Bồ Đề phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NHẪN NAM | Ông David Whitehead – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Úc tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Úc khi đầu tư vào ĐBSCL cần được các địa phương hỗ trợ trên 5 vấn đề. Cụ thể là các tỉnh ĐBSCL cần tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng để tối ưu hóa hoạt động hậu cần và xử lý vận chuyển các nguồn nguyên vật liệu. Các địa phương cần có hướng dẫn rõ ràng về quy trình và thủ tục xin giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy phép khác. Cạnh đó, cần thời gian chi tiết cho mỗi bước để lập kế hoạch đầu tư; cần duy nhất một đầu mối liên hệ để giải quyết đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; cần giảm thiểu sự chậm trễ, quan liêu trong giải quyết công việc. Bà Nguyễn Thị Hằng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn thủy sản Bồ Đề góp ý, để tạo điều kiện thuận lợi hơn, hấp dẫn hơn và hỗ trợ các doanh nghiệp thì Bộ NN&PTNT và các bộ liên quan, các địa phương cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án mời đầu tư, các chính sách ưu đãi đặc biệt, đặc thù có tính chất dài hạn. Cũng trong hội nghị này, một số doanh nghiệp và địa phương trong vùng ĐBSCL đã trao thỏa thuận tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. NHẪN NAM Pháp luật TPHCM
|