Thứ Bảy, 14/10/2023 10:02

Phía sau diễn biến tăng vọt của tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn

Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn liên tục đi lên trong những tháng qua, đặc biệt tăng vọt ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Đâu là lý do giải thích cho hiện tượng trên, trong bối cảnh lẽ ra các ngân hàng đang phải nỗ lực kéo giảm tỷ lệ này xuống để đáp ứng yêu cầu theo quy định mới?

Do dư thừa vốn nên các ngân hàng đã tích cực mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành, phần nào làm tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Ảnh: LÊ VŨ

Tăng vọt

Dữ liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống đến cuối tháng 8-2023 tăng lên mức 28,78%, tức tăng 3,22 điểm phần trăm so với đầu năm nay. Tỷ lệ này của toàn hệ thống đã duy trì xu hướng đi lên liên tục qua các tháng kể từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh lẽ ra các ngân hàng phải tìm cách hạ tỷ lệ này xuống dần để đáp ứng yêu cầu theo quy định mới.

Cụ thể, kể từ đầu tháng 10-2023, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại (NHTM) phải giảm từ 34% xuống còn 30%, dù một số ý kiến cho rằng cần tiếp tục hoãn việc áp dụng yêu cầu này thêm một năm. Trước đó, theo quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN, lẽ ra tỷ lệ này đã được giảm theo lộ trình từ 40% xuống 37% từ tháng 10-2020, xuống 34% từ tháng 10-2021 và xuống 30% từ tháng 10-2022. Tuy nhiên, trong năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, NHNN đã ban hành Thông tư 08/2020/TT-NHNN lùi lộ trình giảm xuống 30% này thêm một năm.

Đáng lưu ý là trong khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn có xu hướng giảm ở nhóm NHTM cổ phần gốc nhà nước, thì ngược lại nhóm NHTM cổ phần tư nhân lại tăng khá mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, đến cuối tháng 8-2023, tỷ lệ này ở nhóm NHTM cổ phần gốc nhà nước là 24,67%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với tháng trước, giảm 1,5 điểm phần trăm so với đầu năm 2023 và giảm 4,19 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022, cho thấy các ngân hàng thuộc nhà nước đã nỗ lực kéo giảm tỷ lệ này xuống và thậm chí cách khá xa so với quy định mới ở mức 30%.

Trong khi đó, nhóm NHTM cổ phần tư nhân chứng kiến tỷ lệ này đến cuối tháng 8-2023 đã vọt lên mức 39,11%, tăng mạnh 6,45 điểm phần trăm so với tháng trước, tăng 8,4 điểm phần trăm so với đầu năm 2023 và tăng 11,45 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022. Đây là một diễn biến đầy bất ngờ khi nhóm NHTM cổ phần tư nhân không chỉ để tỷ lệ này tại thời điểm tháng 8 vượt qua quy định 30% sắp có hiệu lực vào đầu tháng 10, mà còn vượt luôn quy định hiện hành (vào lúc đó) ở mốc 34%.

Mức tăng 6,45 điểm phần trăm ở tỷ lệ này chỉ trong vòng một tháng cũng gây không ít ngạc nhiên, nhất là đặt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống vẫn trì trệ suốt từ đầu năm đến nay. Dữ liệu cho thấy tăng trưởng tín dụng toàn ngành đến cuối tháng 8 so với đầu năm đạt 5,33%, đến ngày 20-9 là 5,73% và đến cuối tháng 9 khả quan hơn nhưng cũng chỉ ở mức 6,92%. Với tăng trưởng thấp như vậy, rõ ràng dư nợ cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng cũng khó có thể tăng mạnh để đẩy tỷ lệ này tăng đột biến như thế.

Yếu tố nào ảnh hưởng?

Để lý giải cho hiện tượng này, có thể nêu ra một số yếu tố như sau.

Thứ nhất, tuy dư nợ có thể tăng trưởng chậm nhưng nợ xấu của nhiều ngân hàng đã tăng khá mạnh kể từ đầu năm đến nay. Thực tế một số ngân hàng đã để nợ xấu vượt ngưỡng 3%, đặc biệt nợ xấu ở khu vực tài chính tiêu dùng tăng khiến một số ngân hàng bị ảnh hưởng đáng kể.

Nếu xu hướng nợ xấu và nợ tái cơ cấu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ tiếp tục chịu áp lực bị đẩy lên, nếu như các ngân hàng không nỗ lực gia tăng nguồn vốn trung, dài hạn để cân đối lại.

Cần biết rằng theo quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN, dư nợ cho vay trung, dài hạn bao gồm cả các khoản dư nợ gốc bị quá hạn của khoản cho vay, ủy thác cho vay, số dư mua, đầu tư giấy tờ có giá, số dư ủy thác mua. Điều này có nghĩa là các khoản vay dù có kỳ hạn ngắn nhưng nếu để bị quá hạn cũng sẽ bị tính vào dư nợ trung, dài hạn khi tính tỷ lệ trên. Các khoản đầu tư giấy tờ có giá nếu để bị quá hạn cũng sẽ tính vào dư nợ trung, dài hạn. Do đó, nếu nhìn vào diễn biến hàng loạt trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bị trễ hạn thanh toán trong những tháng qua, danh mục TPDN mà một số ngân hàng đang nắm giữ có lẽ cũng đã bị ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến tỷ lệ này.

Thứ hai, hoạt động tái cơ cấu nợ cũng có thể kéo tỷ lệ này đi lên, khi các ngân hàng để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ với kỳ hạn phù hợp hơn, từ đó làm tăng dư nợ trung, dài hạn. Với Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, ban hành vào tháng 4-2023, nhiều ngân hàng đã tích cực cơ cấu nợ cho khách hàng. Theo thông tin từ NHNN thì lũy kế đến tháng 8-2023 tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đã gần 121.000 tỉ đồng, tương đương gần 1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Nếu không có Thông tư 02 thì 121.000 tỉ đồng này đã trở thành nợ xấu.

Điều này cũng hàm ý nếu xu hướng nợ xấu và nợ tái cơ cấu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ tiếp tục chịu áp lực bị đẩy lên, nếu như các ngân hàng không nỗ lực gia tăng nguồn vốn trung, dài hạn để cân đối lại. Trong khi đó, trước xu hướng lãi suất liên tục giảm sâu gần đây, đặc biệt là các kỳ hạn dài vì các ngân hàng cũng e ngại rủi ro lãi suất, kéo theo chênh lệch lãi suất tiền gửi ngắn hạn và trung, dài hạn ngày càng bị thu hẹp, việc gửi tiết kiệm ở các kỳ hạn dài đã không còn hấp dẫn như giai đoạn trước.

Thứ ba, nguồn vốn đầu vào kỳ hạn dài của các ngân hàng còn chịu ảnh hưởng bởi hoạt động phát hành trái phiếu, giấy tờ có giá trong năm 2023 này có phần ảm đạm hơn những năm trước, do chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ cơ quan quản lý, trong khi khách hàng cũng cảnh giác và thận trọng hơn khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nói chung và trái phiếu ngân hàng nói riêng, sau những sự cố từ năm ngoái đến nay.

Báo cáo của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy ngành ngân hàng vẫn chiếm đa số lượng trái phiếu phát hành trong tám tháng đầu năm nay với giá trị phát hành đạt 53.931 tỉ đồng (chiếm tỷ trọng 40,7%). Tuy nhiên, nếu so với lượng phát hành cùng kỳ tám tháng năm 2022 lên đến 119.633 tỉ đồng (chiếm tỷ trọng 54,2%), có thể thấy sự giảm sút lớn như thế nào.

Đặc biệt, trong hơn ba năm trở lại đây, các NHTM cổ phần tăng cường phát hành các trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm, và có lẽ đã đầu tư lẫn nhau nhằm giúp cải thiện nguồn vốn trung, dài hạn cũng như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Do đó, trong những tháng qua, không loại trừ khả năng các trái phiếu này đã đáo hạn dần.

Cuối cùng, việc các ngân hàng trong thời gian qua do dư thừa vốn nên đã tích cực mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành, cũng phần nào làm giảm nguồn vốn trung, dài hạn và từ đó càng làm tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Triệu Minh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   NIM của các ngân hàng sẽ ra sao trong các tháng cuối năm 2023? (13/10/2023)

>   Lượng phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh (10/10/2023)

>   Ngân hàng Nhà nước tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại ngân hàng SCB (10/10/2023)

>   Lãi suất giảm, tiền gửi vẫn tăng và những ‘trúc trắc’ (09/10/2023)

>   Bất ngờ hút tiền trở lại – chính sách đa mục tiêu? (04/10/2023)

>   Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: sở hữu chéo ngân hàng đã giảm đáng kể (03/10/2023)

>   Giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về 30% – tác động sẽ không quá lớn! (02/10/2023)

>   HOREA đề xuất lùi hạn áp dụng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn (02/10/2023)

>   Chứng khoán Việt Nam vẫn chưa được FTSE nâng hạng thị trường (30/09/2023)

>   Hơn 30 bộ, địa phương giải ngân vốn dưới 30% kế hoạch trong 9 tháng (29/09/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật