Thứ Ba, 03/10/2023 15:43

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: sở hữu chéo ngân hàng đã giảm đáng kể

Việc xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn, sở hữu chéo giữa tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã giảm đáng kể so với các giai đoạn trước đây. Ảnh: TTXVN

TTXVN đưa tin, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa có báo cáo gửi tới Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 đối với lĩnh vực ngân hàng.

Theo báo cáo này, trong những năm qua Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và triển khai các giải pháp ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định cùng với quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng.

Vì vậy, sở hữu cổ phần vượt giới hạn, sở hữu chéo giữa tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã giảm đáng kể so với các giai đoạn trước đây. Khắc phục được tình trạng sở hữu cổ phần của ngân hàng thương mại tại một tổ chức tín dụng vượt tỷ lệ quy định trên 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin thêm, mặc dù chủ yếu phát sinh trước khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực, sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo trực tiếp giữa các tổ chức tín dụng với nhau và giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp dần được xử lý.

Tuy nhiên, việc xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che dấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật, dẫn đến tổ chức tín dụng có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.

Một số tổ chức tín dụng có mức độ tập trung sở hữu cổ phần tại một số cổ đông và người liên quan, mặc dù không vi phạm quy định của pháp luật, tuy nhiên cần quan tâm lưu ý nhằm ngăn ngừa những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.

Ngân hàng Nhà nước cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện giám sát an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn… trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng xử lý các tồn tại nhằm ngăn ngừa rủi ro.

Đối với các trường hợp phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, Ngân hàng Nhà nước xem xét chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nhằm ngăn ngừa rủi ro.

Cũng theo báo cáo này, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt trong đó bao gồm ba ngân hàng mua bắt buộc là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt và phương án xử lý cụ thể đối với từng ngân hàng.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (đã sửa đổi, bổ sung) để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với hai ngân hàng này và hoàn thiện phương án, trình Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng còn lại.

Nguyên Tân

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về 30% – tác động sẽ không quá lớn! (02/10/2023)

>   HOREA đề xuất lùi hạn áp dụng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn (02/10/2023)

>   Chứng khoán Việt Nam vẫn chưa được FTSE nâng hạng thị trường (30/09/2023)

>   Hơn 30 bộ, địa phương giải ngân vốn dưới 30% kế hoạch trong 9 tháng (29/09/2023)

>   Áp lực tỷ giá tăng cao và động thái của Ngân hàng Nhà nước (28/09/2023)

>   Tỷ giá trung tâm lập đỉnh, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có động thái mạnh (27/09/2023)

>   Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 50.000 tỉ đồng tín phiếu (27/09/2023)

>   Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn không quá 30% từ ngày 1-10 (26/09/2023)

>   NHNN phát hành gần 10.000 tỉ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày (22/09/2023)

>   Bùng phát chiêu trò lừa đảo, gian lận qua mạng (21/09/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật