Thứ Sáu, 13/10/2023 17:02

NIM của các ngân hàng sẽ ra sao trong các tháng cuối năm 2023?

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm 2023 đã giúp các ngân hàng giảm chi phí huy động vốn. Trên cơ sở đó, sự phân hóa về biên lãi ròng (NIM) có thể sẽ diễn ra rõ nét hơn trong hai quí cuối năm.

Sacombank là một trong những ngân hàng có thể duy trì mức NIM cao hơn so với cùng kỳ. Ảnh: T.L

Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu

Theo thông tin từ Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 29-9-2023 đạt gần 12,7 triệu tỉ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022. Năm 2023, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 14-15% và đến cuối tháng 7 đã giao chỉ tiêu hạn mức (room) tín dụng cho các ngân hàng với tổng mức tăng trưởng tín dụng là 14%. Như vậy, tính đến cuối tháng 9, dù đã đi qua hơn hai phần ba chặng đường, song ngành ngân hàng mới chỉ thực hiện được gần một nửa kế hoạch tăng trưởng tín dụng đề ra cho cả năm nay.

Nguyên nhân của việc tăng trưởng tín dụng thấp chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm. Trong khi đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu vay vốn thực sự thì lại chưa đáp ứng được điều kiện vay, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, bối cảnh kinh tế khó khăn cũng khiến mức độ rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tăng lên, dẫn đến ngân hàng rất khó khăn trong quyết định cho vay vì không được hạ chuẩn tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động.

Trên thực tế, mặt bằng lãi suất cho vay đã từng bước được các ngân hàng cắt giảm trong suốt chín tháng đầu năm 2023 với mức giảm phổ biến từ 1-3 điểm phần trăm/năm đối với khách hàng doanh nghiệp và 1-2,5 điểm phần trăm/năm đối với khách hàng cá nhân. Thậm chí, một số ngân hàng còn tung ra các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất ở mức 7-8%/năm trong thời hạn từ sáu tháng đến một năm. Với đà hồi phục dần của nền kinh tế cũng như mặt bằng lãi suất cho vay đã về mức hấp dẫn, tín dụng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong các tháng còn lại của năm 2023.

NIM sẽ không thu hẹp quá nhiều

Một vấn đề đặt ra là trong bối cảnh lãi suất cho vay giảm mạnh như trên thì NIM của các ngân hàng có tiếp tục bị thu hẹp trong thời gian tới hay không?

Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối được cho là có lợi thế về NIM trong những tháng cuối năm 2023 do chi phí huy động vốn được điều chỉnh giảm mạnh trong khi lãi suất đầu ra giảm ít hơn do đã thực hiện việc này từ sớm để hỗ trợ nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, diễn biến NIM trong nửa đầu năm nay có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng. Trong khi các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối vẫn giữ được mức NIM ổn định với lợi thế chi phí vốn rẻ, thì phần lớn ngân hàng cổ phần tư nhân lại ghi nhận NIM sụt giảm, nhất là tại ngân hàng có tỷ trọng cho vay tiêu dùng và cho vay bất động sản cao. Mức độ thu hẹp của NIM thể hiện rõ ràng hơn ở nhóm các ngân hàng có quy mô vốn nhỏ, gặp khó khăn về thanh khoản, trong khi nhóm ngân hàng có lợi thế về tiền gửi không kỳ hạn (CASA), tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ… thì chịu ít áp lực hơn.

Cụ thể hơn, NIM toàn ngành (từ 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất) trong quí 2 giảm 32 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống còn 3,41% với 19/25 ngân hàng ghi nhận mức sụt giảm. Trong nhóm các ngân hàng vừa và lớn, chỉ có STB, VIB và CTG có thể duy trì mức NIM cao hơn so với cùng kỳ.

Cụ thể, VIB và CTG đã thành công trong việc tận dụng nguồn vốn liên ngân hàng (có sự sụt giảm mạnh trong quí 2-2023) khi tỷ lệ vốn liên ngân hàng/tổng nguồn vốn của VIB và CTG tăng lần lượt 4,3% và 4,9% so với cùng kỳ tại cuối quí 2-2023. Trong khi đó, NIM của VPB, TCB, LPB và TPB giảm mạnh nhất do những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Dự báo chung cho cả năm 2023 thì các ngân hàng có tỷ lệ cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn, nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động huy động vốn chỉ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng sẽ có NIM giảm mạnh hơn mức chung của toàn ngành. Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng tập trung cho vay bán lẻ và có nguồn huy động đa dạng từ liên ngân hàng, khách hàng cá nhân và có tỷ lệ CASA cao sẽ hạn chế được việc NIM bị thu hẹp.

Trên thực tế, việc NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm 2023 đã giúp các ngân hàng giảm chi phí huy động vốn. Tuy vậy, mục đích chính của nhà điều hành là tạo điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, do đó NIM của các ngân hàng sẽ không được hưởng lợi nhiều từ xu hướng này.

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, chi phí vốn được kỳ vọng sẽ giảm mạnh hơn khi lần cắt giảm lãi suất điều hành thứ 3 và thứ 4 diễn ra vào cuối quí 2-2023 sẽ có hiệu lực toàn bộ kể từ nửa cuối năm 2023 trở đi. Tuy nhiên, sự cải thiện ở NIM không được kỳ vọng sẽ diễn ra ngay lập tức khi việc cắt giảm lãi suất cho vay vẫn là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Mặc dù vậy, sự phân hóa về NIM vẫn có thể diễn ra giữa các nhóm ngân hàng trong hai quí cuối năm. Trong đó, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối có thể sẽ ghi nhận mức lãi suất cho vay giảm ít hơn nhóm ngân hàng tư nhân vì đã sớm thực hiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế.

Do đó, nhóm này được cho là có lợi thế về NIM trong những tháng cuối năm 2023 do chi phí huy động vốn được điều chỉnh giảm mạnh trong khi lãi suất đầu ra giảm ít hơn. Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định tuy bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng không nhiều tích cực trong nửa đầu năm 2023, song sẽ cải thiện hơn bắt đầu từ quí 3 năm nay nhờ lãi suất huy động giảm và CASA tăng trở lại, qua đó giúp NIM dần phục hồi.

Linh Trang

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Lượng phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh (10/10/2023)

>   Ngân hàng Nhà nước tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại ngân hàng SCB (10/10/2023)

>   Lãi suất giảm, tiền gửi vẫn tăng và những ‘trúc trắc’ (09/10/2023)

>   Bất ngờ hút tiền trở lại – chính sách đa mục tiêu? (04/10/2023)

>   Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: sở hữu chéo ngân hàng đã giảm đáng kể (03/10/2023)

>   Giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về 30% – tác động sẽ không quá lớn! (02/10/2023)

>   HOREA đề xuất lùi hạn áp dụng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn (02/10/2023)

>   Chứng khoán Việt Nam vẫn chưa được FTSE nâng hạng thị trường (30/09/2023)

>   Hơn 30 bộ, địa phương giải ngân vốn dưới 30% kế hoạch trong 9 tháng (29/09/2023)

>   Áp lực tỷ giá tăng cao và động thái của Ngân hàng Nhà nước (28/09/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật