Khủng hoảng tại WTO và cảnh báo về sự phân mảnh của kinh tế toàn cầu
Kể từ cuối 2019, sau khi Mỹ ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới vào Cơ quan Phúc thẩm của WTO, 29 vụ tranh chấp đã bị bỏ ngỏ.
Biểu tượng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Cuộc khủng hoảng tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang ngày càng nghiêm trọng, thể hiện rõ nhất qua số lượng tranh chấp chưa được giải quyết ngày càng chồng chất và danh sách những “mối lo ngại thương mại” của các thành viên của tổ chức này ngày một tăng.
Kể từ cuối năm 2019, sau khi Mỹ ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới vào Cơ quan Phúc thẩm của WTO do có khiếu nại về việc vượt quá thẩm quyền tư pháp, 29 vụ tranh chấp đã bị bỏ ngỏ và giáng một đòn nặng nề vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO.
Cựu Phó Tổng giám đốc WTO Alan Wolff hồi tháng trước đã kêu gọi các nước hoãn đưa ra kháng cáo mới từ năm 2024, thời điểm các thành viên WTO đã cam kết giải quyết vấn đề này.
WTO đã cảnh báo một loạt cuộc khủng hoảng xảy ra cùng lúc - gồm đại dịch COVID-19, xung đột ở Ukraine và lạm phát phi mã - đang làm xói mòn niềm tin vào quá trình toàn cầu hóa.
Kết quả là ngày càng nhiều nước thành viên WTO coi thường các quy tắc thương mại toàn cầu.
Tháng trước, WTO cảnh báo rằng nếu không kiểm soát được tình trạng gia tăng các biện pháp thương mại đơn phương sẽ khiên nền kinh tế thế giới bị phân mảnh, tước đi 5% thu nhập toàn cầu.
WTO lập luận rằng thế giới cần một động lực mới hướng tới hội nhập - tổ chức này gọi là “tái toàn cầu hóa” - để giải quyết một loạt thách thức từ biến đổi khí hậu đến xóa đói giảm nghèo.
WTO đồng thời lưu ý rằng 75% thương mại hàng hóa toàn cầu vẫn dựa trên các điều khoản thuế quan của WTO mà các thành viên áp dụng cho nhau.
Các hạn chế về nhập khẩu đã giảm dần kể từ năm 2018, khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng thuế quan đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc và nhiều nơi khác. Nhưng việc gia tăng các hạn chế xuất khẩu đã xóa nhòa sự suy giảm nêu trên.
Trung bình trong giai đoạn từ 2016-2019, mỗi năm thế giới có khoảng 21 biện pháp hạn chế như vậy được đưa ra. Nhưng con số này đã tăng lên tới 139 biện pháp tính riêng vào năm ngoái.
Điều này dẫn đến số lượng "mối lo ngại" được nêu ra tại WTO gia tăng theo.
Những lo ngại này thường nhằm vào các biện pháp như lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, các khoản trợ cấp cho công nghệ sạch như Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ, hoặc các khoản ưu đãi dành cho ô tô điện ở Trung Quốc mà Liên minh châu Âu (EU) đang điều tra.
Các quốc gia đã tận dụng những ngoại lệ đối với các quy định của WTO, chẳng hạn Mỹ sử dụng nỗi lo về an ninh quốc gia để hạn chế nhập khẩu kim loại trong khi một số quốc gia vùng Vịnh dùng chúng để hạn chế thương mại với Qatar.
Trung Quốc cũng đã hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng, trong khi Mỹ tìm cách ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ của nước này.
164 thành viên đa phần đều đồng ý rằng cần cải cách WTO, song vẫn phải có sự đồng thuận của toàn thể thành viên để thực hiện bất kỳ thay đổi nào.
Đối với một số người, cải cách nên tập trung vào việc khôi phục Cơ quan Phúc thẩm, điều mà phía Mỹ sẽ không chấp nhận.
Về phần mình, Mỹ tin rằng cải cách phải giải quyết những gì họ cho là hoạt động phân biệt đối xử của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là của Trung Quốc, làm lệch lạc hoạt động cạnh tranh.
Việc cải cách cũng được kỳ vọng có thể giải quyết các vấn đề chưa được xem xét khi WTO được thành lập, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, luồng dữ liệu hoặc trí tuệ nhân tạo (AI).
Cải cách WTO dự kiến sẽ là chủ đề chính tại hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 của WTO (MC13) tổ chức vào tháng 2/2024./.
H.Thủy
Vietnamplus
|