Doanh nghiệp ngày càng quan tâm hỗ trợ pháp lý

Liên quan đến sức chống chọi lâu dài của doanh nghiệp (DN) thì vấn đề pháp lý, hành lang pháp lý rất quan trọng để DN hiểu, tự tin hơn đưa ra những quyết định cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư. Nó giống như khi biết luật giao thông, đi ra đường sẽ biết đi với tốc độ bao nhiêu, đi như thế nào, chỗ nào rẽ trái, rẽ phải.

Đó là chia sẻ của ông Cao Thế Anh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Tổng giám đốc CTCP Truyền thông ALO tại hội nghị Hội nghị triển khai quyết định số 345 của Thủ tướng về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho DN giai đoạn 2021 - 2030” do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 24/10.

Ông Thế Anh cho hay, hiện nhu cầu về hỗ trợ pháp lý, nâng cao năng lực pháp lý và giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN ngày càng cao. 

Thế nhưng, với 97% số DN Việt Nam hiện nay là DN nhỏ và vừa, các DN không đủ nguồn lực đầu tư cho nhân lực có kiến thức, trình độ và kỹ năng liên quan đến các vấn đề pháp lý. 

Hội nghị triển khai Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 5/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” sáng 24/10. (Ảnh: N.Lê)

“Điều DN quan tâm nhất là làm thế nào để thực hiện đúng. Rất mong cơ quan quản lý hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực thi pháp luật. DN hiện sợ nhất các cơ quan quản lý hay những người thực thi pháp luật làm sai; sợ hơn nữa là thôi không làm vì sợ sai. Điều này khiến các thủ tục hành chính hay những vấn đề tổn đọng khó triển khai.

Một vấn đề có những cách hiểu khác nhau, cuối cùng phải chờ hay hỏi ngược lên trên, hỏi Chính phủ, bộ ban ngành khiến rất lâu giải quyết được. Thời cơ qua đi, thời gian DN phải chờ đợi là chi phí vốn, chi phí cơ hội đang lãng phí. Thực tế có nhiều DN không chờ được, phải rút lui khỏi thị trường”, ông Thế Anh nêu thực trạng.

TS. Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2020 – 2025 (Bộ Tư pháp) cho biết, Đề án xác định 5 mục tiêu cụ thể. Đó là hoàn thiện khung pháp lý về hỗ trợ pháp lý cho DN, phấn đấu 100% quy định pháp luật về DN, về quyền và nghĩa vụ của DN được thông tin kịp thời, đầy đủ; đảm bảo 100% DN được hỗ trợ pháp lý khi có đề xuất. 

Đề án đề ra mục tiêu thí điểm và nhân rộng ít nhất 2 mô hình hỗ trợ pháp lý cho DN hiệu quả trên toàn quốc; ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái về vấn đề này tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...

Cần tăng mức hỗ trợ tư vấn pháp luật cho DN

Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế DN chỉ rõ, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về hỗ trợ pháp lý cho DN; quy định cụ thể về thủ tục hành chính, về thuế, hải quan, tiếp cận tín dụng. 

Đặc biệt, theo ông Lãm, mức chi phí hỗ trợ tư vấn pháp luật cũng cần quy định với mức chi cao hơn. Bởi lẽ, mức chi phí hỗ trợ hiện nay là không quá 3 triệu đồng/năm với DN siêu nhỏ, 5 triệu đồng/năm với DN nhỏ và không quá 10 triệu đồng/năm với DN vừa là quá thấp. 

Do vây, vị luật sư kiến nghị Bộ Tài chính cần xem xét, cân đối, phân bổ ngân sách cho chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN, phối hợp cùng Bộ Tư pháp xem xét, sửa mức chi theo hướng tăng cao hơn, phù hợp với yêu cầu của hoạt động.

Đồng quan điểm, Luật sư Lê Hồng Lam, Tổ trưởng Tổ rà soát thủ tục hành chính của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, mức chi phí này không khuyến khích được các luật sư tham gia mạng lưới để hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Ngoài ra, theo Luật sư Lê Hồng Lam, nhiều DN cũng e ngại vì nếu tiếp cận và để nhận được hỗ trợ từ phía nhà nước, DN có nguy cơ bị lộ bí mật kinh doanh do phải gửi cho cơ quan nhà nước nội dung văn bản tư vấn pháp lý để công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Bên cạnh đó, DN rất ngại phải thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước để nhận được một khoản hỗ trợ thấp.