Giám đốc Quỹ đầu tư Warburg Pincus: Kiến nghị tăng giới hạn sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng Việt
Đây là ý kiến của ông Minh Đỗ, Giám đốc Quỹ đầu tư Warburg Pincus tại Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “Đồng hành và phát triển” diễn ra sáng 16/10 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “Đồng hành và phát triển” - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Hội nghị diễn ra sau cuộc gặp lần trước của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa đầy 06 tháng (tháng 4/2023). Điều này thể hiện tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ và quyết tâm phát triển cùng Việt Nam của những nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng như sự thực hiện những cam kết của Chính phủ Việt Nam đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Minh Đỗ, Giám đốc Quốc gia Quỹ đầu tư Warburg Pincus cho biết: Warburg Pincus đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc khuyến khích phát triển nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp FDI nói riêng. Chúng tôi cũng tin tưởng và sẵn sàng đồng hành với chủ trương của Chính phủ đưa Việt Nam trở thành trung tâm tài chính quốc tế của khu vực.
Bản thân Warburg Pincus luôn coi Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất trong chiến lược đầu tư của Quỹ chúng tôi, không chỉ ở tầm khu vực mà tính trên bình diện toàn cầu. Tháng 11 tới, chúng tôi rất tự hào sẽ tổ chức sự kiện kỷ niệm 10 năm Đầu tư của Warburg Pincus tại Việt Nam. Hy vọng rằng con số đầu tư hơn 2 tỷ USD như hiện tại của chúng tôi sẽ tiếp tục tăng theo cấp số nhân trong các năm tiếp theo. Đồng thời, Warburg với vị thế của mình, cũng là cầu nối cho nhiều quỹ đầu tư và các công ty hàng đầu thế giới đến với Việt Nam.
Chúng tôi cho rằng điểm mấu chốt để tạo nên thành công của Việt Nam sẽ là tiếp tục duy trì và hoàn thiện các cơ chế, thể chế chính sách để góp phần vào sự phát triển, thịnh vượng và một nền tài chính toàn diện của Việt Nam. Tuy nhiên, việc thay đổi Luật có thể cần thời gian từ 3-5 năm. Vì vậy, việc Ngài thủ tướng, Chính phủ cùng các bộ ban ngành đưa ra các quyết sách phù hợp, kịp thời để ứng phó với tình hình thế giới, tình hình thị trường có những thay đổi khôn lường là vô cùng quan trọng và cấp bách. Đơn cử, Chính phủ có thể xem xét tháo gỡ vấn đề huy động vốn cho các ngân hàng Việt Nam để duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cần thiết bằng cách tăng giới hạn sở hữu nước ngoài. Hay xem xét hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư cho các dự án điển hình như khách sạn Metropole Hà Nội hay dự án tích hợp Hồ Tràm Grand để chúng tôi có thể nhanh chóng triển khai đầu tư, nâng tầm Dự án.
Ông Minh Đỗ, Giám đốc Quốc gia Quỹ đầu tư Warburg Pincus phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ mang lại nhiều nguồn vốn quốc tế đổ vào Việt Nam
Bà Lại Minh Thúy, Giám đốc Khối giải pháp tài chính và thương mại, Ngân hàng Citibank: Citibank đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ và đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đứng trước những thách thức toàn cầu. Chính phủ đã tập trung thúc đẩy một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tạo điều kiện cho sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam.
Chúng tôi cũng hết sức hoan nghênh cách tiếp cận của Chính phủ trong việc kết nối giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để vực dậy và củng cố nền kinh tế thông qua các chính sách hỗ trợ và lắng nghe những khó khăn vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời xử lý.
Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ cách tiếp cận tổng thể mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện hiện nay khi phát triển bền vững nằm trong chương trình nghị sự của các bộ ngành. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và thiết kế được một kiến trúc tài chính bền vững thì chính sách công cần giải quyết những thách thức quan trọng, cụ thể thông qua định giá carbon và thị trường carbon; tài chính hỗn hợp; cải thiện môi trường đầu tư bằng cách áp dụng các thông lệ quản trị và yêu cầu công bố thông tin rộng rãi; lập kế hoạch chuyển đổi; và đa dạng sinh học.
Là một thành viên trong Liên minh Tài chính vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ), chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành tại Việt Nam để xây dựng kế hoạch huy động nguồn tài chính đầu tư vào các lĩnh vực đổi mới công nghệ và phát triển bền vững tại Việt Nam và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng thông qua Hợp tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Chúng tôi ủng hộ Chính phủ, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang một tương lai với mức phát thải các-bon thấp. Việc "giảm phát thải" chung của nền kinh tế có thể sẽ rất cần thiết để Việt Nam tiếp tục thu hút nước đầu tư nước ngoài và duy trì là một cấu phần quan trọng của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Lại Minh Thúy, Giám đốc Khối giải pháp tài chính và thương mại, Ngân hàng Citibank, chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng trung tâm tài chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Chúng tôi rất hoan nghênh và đồng tình với những nhận định của Thủ tướng Chính phủ về việc các thị trường của Việt Nam bao gồm cả thị trường chứng khoán cần được xây dựng hướng tới hội nhập quốc tế, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế và tham gia vào các hoạt động chung của quốc tế.
Liên quan tới lĩnh vực ngân hàng, Dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng đóng vai trò vô cùng quan trọng không chỉ đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng mà còn đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm tới. Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần được tiếp cận dễ dàng và hiệu quả với các khoản vay ngân hàng tại Việt Nam để thúc đẩy sản xuất và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét các ý kiến đóng góp của nhóm công tác ngân hàng để Dự thảo luật các Tổ chức tín dụng tới đây vừa đảm bảo quản lý rủi ro tín dụng tập trung hiệu quả vừa thúc đẩy hoạt động đầu tư của khối đầu tư nước ngoài trong dài hạn tại Việt Nam.
Về thị trường vốn, việc nâng hạng tín nhiệm lên mức đầu tư và nâng cấp thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi (từ thị trường cận biên) sẽ mang lại nhiều nguồn vốn quốc tế đổ vào Việt Nam. Điều này giúp các nhà đầu tư có một cái nhìn tích cực hơn về nền kinh tế và thu hút nhiều đầu tư trực tiếp và thương mại, dẫn đến tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Chúng tôi kỳ vọng, với quyết tâm và nỗ lực để nâng hạng thị trường, Chính phủ sẽ tích cực giải quyết những vấn đề tồn tại để Việt Nam sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nên cần thiết xây dựng các quy định hiện hành về tài trợ cho nhà cung cấp và nhà phân phối hướng tới các tiêu chuẩn toàn cầu để các ngân hàng có thể cho các nhà cung cấp và nhà phân phối vay theo quy trình đơn giản hơn, giảm thiểu các yêu cầu về chứng từ tài liệu.
Chúng tôi kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Việt Nam được dự đoán là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2030.
Sự ổn định kinh tế vĩ mô là nhân tố giúp lĩnh vực sản xuất trở nên hấp dẫn đối với các Tập đoàn toàn cầu trong các ngành công nghiệp điện tử, điện thoại thông minh và dệt may. Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tạo đà cho các hoạt động kinh tế trong nước phát triển mạnh mẽ hơn, với cơ hội việc làm tốt hơn và mức lương cao hơn thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng tư nhân mạnh mẽ.
Triển vọng đối với khu vực đầu tư nước ngoài là rất vững vàng khi Việt Nam gặt hái được nhiều lợi ích từ việc thực hiện các hiệp định thương mại và đầu tư khác nhau được ký kết trong những năm gần đây. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt mốc 4,000 USD. Trong tương lai, nguồn vốn đầu tư nước chảy vào Việt Nam sẽ mở rộng và đa dạng hơn, hướng tới thị trường trong nước nhiều hơn so với chủ yếu là hướng tới thị trường xuất khẩu như hiện nay. Chúng tôi tin tưởng vào tầm quan trọng của việc hỗ trợ thương mại và đầu tư tại Việt Nam thông qua việc tận dụng số lượng lớn các hiệp định thương mại hiện có và hưởng lợi từ các hiệp định mới như RCEP và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) thông qua việc thực hiện sớm các cam kết.
Với vai trò là một ngân hàng đầu tư và tập đoàn dịch vụ tài chính đa quốc gia của Mỹ, Citibank đang mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam để trở thành đối tác tài chính đáng tin cậy cho các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam và các tập đoàn hàng đầu của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, cùng nhau đóng góp vào sự tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam trong thập kỷ tới...
Với vai trò là ngân hàng doanh nghiệp và đầu tư toàn cầu của Mỹ, chúng tôi mong muốn được hợp tác với Chính phủ để giải quyết những thách thức trước mắt và phát triển một môi trường thuận lợi thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở Việt Nam. Một yếu tố quan trọng của môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và đánh giá cao sự đổi mới - không chỉ để thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và tăng trưởng các đầu tư đã có mặt ở Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ luôn khẳng định tầm quan trọng của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực khác.
Nhật Quang
FILI
|