Dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán: Góc nhìn từ hợp tác toàn diện Mỹ - Việt Nam
Trước các lợi ích của ký kết đối tác chiến lược toàn diện Mỹ - Việt Nam, nhiều nhà đầu tư dự báo sẽ có dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam trên mọi lĩnh vực, kể cả thị trường chứng khoán.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế đánh giá việc ký kết hợp tác chiến lược toàn diện trở thành một trong những điều cực kỳ quan trọng với nền kinh tế Việt Nam và cả Mỹ.
Đối với Việt Nam, hợp tác toàn diện rất quan trọng vì Việt Nam vẫn là nền kinh tế nhỏ so với Mỹ. Nhưng khi hợp tác toàn diện, hai nước vẫn sẵn sàng hỗ trợ nhau kể cả khi có khó khăn. Đây là đối tác chiến lược gắn bó lâu dài với nhau và toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Như vậy, tất cả các lĩnh vực của Việt Nam đều hưởng lợi, kể cả nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, thương mại dịch vụ… Hợp tác toàn diện nghĩa là chúng ta có quyền đòi hỏi ký kết hợp đồng với Mỹ, họ sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam những gì họ có thể cung cấp được, chứ không bị hạn chế. Bởi vì hàng hóa tại Mỹ có nhiều hạn chế, có những mặt hàng Mỹ hạn chế 5 - 10 năm mới xuất khẩu ra cho nước khác. Thậm chí, hiện tại có một số mặt hàng Mỹ không cho phép bán sang Trung Quốc.
Hợp tác cũng cho thấy họ đang mở cửa, đánh giá cao vị thế và vai trò của Việt Nam và khu vực.
Dẫn ví dụ như trước đây, khi Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ thặng dư từ 20 triệu USD/năm thì Mỹ sẽ cân nhắc liệu có đưa mặt hàng đó vào diện hàng phá giá hay thao túng tiền tệ hay không.
Thực tế, việc đồng USD làm đơn vị tiền tệ giao thương chính trên thế giới làm cho Mỹ có vị thế trong lĩnh vực tiền tệ và các hoạt động trên thị trường thế giới. Nếu Mỹ khống chế hoặc kiểm tra, giám sát một số mặt hàng, cũng sẽ khó khăn cho các nước xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Vì vậy, khi ký kết toàn diện, Việt Nam cũng có lợi thế hơn.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá ngành được hưởng lợi nhất là công nghệ cao, điện tử, điện lạnh. Rõ ràng Mỹ là nơi xuất xứ của công nghệ thế giới, thông qua hợp tác, Việt Nam có thể nâng cao trình độ khoa học công nghệ của mình, từ đó kỳ vọng Việt Nam có được hỗ trợ công nghệ sản xuất cao hơn, năng suất lao động cao hơn, trên cơ sở đó giúp Việt Nam có thể tiến nhanh, vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.
Nhưng điều quan trọng nhất là Việt Nam tiếp cận được công nghệ cao, đó là điều lợi nhất.
Về phía Mỹ cũng được lợi. Ngoại trừ thị trường sản xuất, Mỹ còn quan tâm đến nguồn cung ứng nguyên vật liệu cũng như các yếu tố để thâm nhập vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển rất mạnh trong khu vực và có mối quan hệ hữu hảo với cả Nga và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia được Mỹ và thế giới đánh giá có khả năng thích ứng nhanh và trình độ đào tạo tương đối cao để tiếp thu được công nghệ của thế giới.
Vì thế, hợp tác toàn diện mang đến lợi thế cho cả 2 phía Việt Nam và Mỹ.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, ngay trong chuyến viếng thăm vừa qua, các tập đoàn lớn của Mỹ cũng đã ký hợp đồng đầu tư vào Việt Nam hàng chục tỷ USD. Rõ ràng, việc ký hợp tác dài hạn đã được các nhà đầu tư nước ngoài xem xét kỹ lưỡng, đánh giá tiềm năng.
Chính việc này cũng sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư khác, không chỉ riêng Mỹ mà cả thế giới đến đầu tư vào Việt Nam, kể cả đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp.
Do vậy, có thể kỳ vọng sẽ có một lượng vốn ngoại rất lớn đổ vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong thời gian tới.
Cùng với dòng vốn ngoại đổ vào, nhà đầu tư ngoại cũng đòi hỏi cơ chế, chính sách đối với TTCK Việt Nam phải có những điều kiện đáp ứng theo thông lệ và luật pháp quốc tế, giúp TTCK Việt Nam cởi mở và sớm được nâng cấp, thu hút thêm dòng vốn ngoại vào TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) lại có góc nhìn khác. Ông đánh giá, đầu tiên, khi ký kết hợp tác toàn diện, sẽ thu hút vốn đầu tư trực tiếp; mà vốn đầu tư trực tiếp thì sẽ không tác động đến TTCK.
Thường những dự án ký kết vốn là vốn đầu tư trực tiếp, nghĩa là doanh nghiệp Mỹ sẽ mở nhà máy ở Việt Nam, sản xuất, sẽ không liên quan đến dòng vốn vào TTCK.
Còn những quỹ đầu tư của Mỹ quan tâm thị trường Việt Nam mới là đối tượng đầu tư vốn vào TTCK Việt Nam, nhưng họ sẽ cân nhắc yếu tố rủi ro và lợi nhuận.
Hiện chỉ số P/E của thị trường Việt Nam đang khá cao, không quá hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Dòng vốn vào TTCK Việt Nam hiện nay, theo quan sát, đa số là dòng vốn nội địa, còn nhà đầu tư nước ngoài chưa vào thị trường Việt Nam nhiều.
Thêm vào đó, sản phẩm trên thị trường Việt Nam chưa thực sự đa dạng và hấp dẫn. Những doanh nghiệp hấp dẫn lại không niêm yết, còn những doanh nghiệp niêm yết thì lại không hấp dẫn.
“Yếu tố không hấp dẫn đối với TTCK Việt Nam đó là doanh nghiệp tốt có sức hấp dẫn nhưng giá hiện tại đã quá cao nên không thu hút nhà đầu tư ngoại. Còn doanh nghiệp không hấp dẫn dù có giá thấp, số liệu giá trị sổ sách tốt để niêm yết, nhưng đa số đều để 'đầu cơ', nên thực sự những doanh nghiệp hấp dẫn và triển vọng, có giá trị nội tại trên TTCK Việt Nam không nhiều”, TS. Huân đánh giá. Do đó, tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam trong mắt nhà đầu tư ngoại cũng kém đi.
Hiện nay, Việt Nam vẫn là thị trường cận biên. Nếu như Việt Nam chuyển được từ thị trường cận biên sang mới nổi thì khi đó dòng vốn ngoại mới đổ vào TTCK Việt Nam nhiều.
Để thu hút dòng vốn ngoại vào TTCK, TS. Nguyễn Hữu Huân đề nghị một số giải pháp.
Đầu tiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như các Sở Giao dịch phải đưa ra giải pháp cụ thể để đưa thị trường, theo kế hoạch đến năm 2025, lên được thị trường mới nổi. Khi đó, các quỹ ngoại, đặc biệt là các quỹ của Mỹ mới thực sự quan tâm.
Còn hiện tại, việc ký kết hợp tác toàn diện Việt Nam - Mỹ chỉ ảnh hưởng yếu tố tâm lý, các nhà đầu tư trong nước cảm thấy triển vọng hay kỳ vọng vào tương lai sẽ đầu tư nhiều. Song song đó, lãi suất hiện cũng đang thấp, càng có khả năng thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia; thể hiện qua lượng tài khoản chứng khoán mở mới cũng tăng kỷ lục, mang yếu tố tâm lý hỗ trợ thị trường.
Nhà đầu tư trong nước tham gia chủ yếu nên tính chất đầu cơ của thị trường tăng lên rất cao và mức độ rủi ro cũng tăng tương ứng. Do đó, TTCK vừa qua khởi sắc, đồng thời độ rủi ro cũng tăng lên tương ứng.
Cát Lam
Design: Tuấn Trần
FILI
|