Vì sao giá điện phải "cõng" khoản lỗ của EVN?
Ngày 5-9, Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương đã có thông tin phản hồi về việc tại dự thảo sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg (Quyết định 24) về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đã đề xuất giá điện tính thêm khoản lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Một số ý kiến thời gian đần đây cho rằng việc hạch toán khoản lỗ (chênh lệch tỉ giá, lỗ kinh doanh…) của EVN là không phù hợp.
Theo Cục Điều tiết điện lực, các thành phần cấu thành giá bán lẻ điện bình quân hằng năm bao gồm chi phí của các khâu trong chuỗi sản xuất - cung ứng điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện. Các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện bao gồm cả chênh lệch tỉ giá đánh giá lại chưa được phân bổ, được đưa vào giá thành sản xuất - kinh doanh điện của năm tính giá do Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét, quyết định.
Cục Điều tiết điện lực cho biết chênh lệch tỉ giá là khoản chi phí lớn nhất thường bị treo, chưa hạch toán vào giá thành sản xuất - kinh doanh điện cũng như giá điện hoặc chỉ được hạch toán phân bổ một phần tùy tình hình tài chính của mỗi năm. Trong khi đó, từ giữa quý I/2022, giá nhiên liệu thế giới đã tăng cao làm tăng chi phí mua điện của EVN nhưng giá bán lẻ điện được giữ ổn định dẫn đến kết quả kinh doanh của "ông lớn" ngành điện năm 2022 lỗ hơn 26.000 tỉ đồng. Việc tăng giá điện bình quân 3% từ ngày 4-5 vừa qua chỉ giải quyết một phần khó khăn dòng tiền.
Do đó, Cục Điều tiết điện lực cho biết căn cứ Quyết định 24, những khoản chi phí đầu vào 2 năm 2022, 2023 sẽ được thu hồi qua các lần điều chỉnh giá tiếp theo. Mặt khác, theo Luật Giá 2023, giá điện cần bù đắp đủ chi phí thực tế hợp lý và có lợi nhuận phù hợp cho EVN. "Nếu không có quy định cụ thể về việc thu hồi lỗ sản xuất - kinh doanh điện trong quá khứ có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển và bảo toàn vốn nhà nước của EVN" - đại diện Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh.
Minh Chiến
Người lao động
|