Ông trùm bất động sản Indonesia Ciputra đề xuất hợp tác đầu tư mới tại Việt Nam
Trong cuộc gặp mặt với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43, Chủ tịch Ciputra, ông Budiarsa Sastrawinata nêu một số đề xuất hợp tác đầu tư mới.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan tại Jakarta, Indonesia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) và một số doanh nghiệp tiêu biểu của Indonesia như Ciputra, Traveloka, Modena.
Liên quan tới lĩnh vực bất động sản, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang gặp phải tình trạng mất cân bằng cung cầu, nhất là thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Ông mong muốn các doanh nghiệp Indonesia đầu tư tại Việt Nam phát huy trách nhiệm xã hội, tăng cường đầu tư phát triển nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, tinh thần là cùng hợp tác để "không có ai bị bỏ lại phía sau".
Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp mặt với đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu của Indonesia
|
Ciputra là một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu ở Indonesia với hơn 100 công ty thành viên trên toàn thế giới, hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, y tế, giáo dục, nghệ thuật… Tại Việt Nam, tập đoàn đã đầu tư gần 3 tỷ USD, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh và cung cấp dịch vụ bất động sản, trong đó có khu đô thị Nam Thăng Long (Hà Nội).
Tại cuộc gặp mặt với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ciputra, ông Budiarsa Sastrawinata, đồng thời là Chủ tịch Hội Hữu nghị Indonesia – Việt Nam (IVFA), đã báo cáo về tình hình hoạt động của tập đoàn tại Việt Nam và nêu một số đề xuất hợp tác đầu tư mới…
Ngoài Ciputra, hai doanh nghiệp lớn khác của Indonesia là Traveloka và Modena cũng đã đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Modena là thương hiệu thiết bị gia dụng và điện tử tại Indonesia, có sản phẩm phân phối tới 92 quốc gia trên thế giới. Phó Chủ tịch điều hành Modena, ông Michael Jizhar, cho biết Việt Nam là thị trường quan trọng và tập đoàn đã mở rộng hoạt động từ năm 2018. Tập đoàn đang nghiên cứu, mở rộng đầu tư sản xuất đồ điện, đồ gia dụng, xe điện và phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Còn Traveloka, sở hữu nền tảng ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến hiện diện tại 6 quốc gia Đông Nam Á với thị trường hoạt động chủ yếu tại Việt Nam, Thái Lan và Philippines. Đồng sáng lập Traveloka, ông Albert Zhang, đánh giá Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn trong khu vực và châu lục; thông báo về các hoạt động hợp tác với phía Cục Du lịch và các địa phương Việt Nam nhằm quảng bá và thúc đẩy chuyển đổi số du lịch Việt Nam, thu hút khách du lịch quốc tế…
Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Indonesia trong khu vực. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 14.1 tỷ USD (trong đó xuất khẩu từ Indonesia sang Việt Nam tăng 26.8%; xuất khẩu từ Việt Nam sang Indonesia tăng 15.7%). 7 tháng đầu năm, thương mại hai chiều đạt 7.9 tỷ USD.
Về đầu tư, tính lũy kế đến 20/06/2023, Indonesia có 113 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư là 645.8 triệu USD, đứng thứ 29/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam và đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN.
Hà Lễ
FILI
|