Nghĩ ngắn từ một kỳ nghỉ lễ dài!
Sáng đầu tiên của kỳ nghỉ lễ Độc lập, cháu nhà tôi có hẹn nhóm bạn học cấp 3 đến nhà chơi. Tán gẫu đến trưa thì kéo ra phố đi bộ Nguyễn Huệ, trước khi đi cháu hỏi có biết chỗ nào ở xung quanh tuyến phố đi bộ có trò chơi gì, ngoài ăn và uống không. Thường thì các cháu hẹn gặp, trò chuyện rồi đi chơi bowling nhưng ở khu trung tâm này thì chịu. Ở Takashimaya, khu vui chơi dành cho các bé (kèm phụ huynh dẫn theo rồi ngồi cafe hoặc lang thang chờ); quanh đó thì có rạp chiếu phim hay gần như duy nhất là nhà sách Fahasa Nguyễn Huệ là tương đối phong phú (nhà sách này ở nhánh đường Lê Lợi lại khá nghèo nàn). Nhà hát Thành phố hiện hữu như một biểu tượng về kiến trúc - lịch sử nhiều hơn là hiện diện để phục vụ với tính năng dịch vụ cho một thành phố Mở du lịch - văn hóa.
Những đứa trẻ vị thành niên (16 -17 tuổi) sau một buổi trưa no nê trong khu ẩm thực nằm dọc phố đi bộ Nguyễn Huệ đã về lại nhà tôi, xin phép rút về phòng riêng với một chiếc micro “xịn xò”, cái điện thoại thông minh cùng hát hò vừa đủ nghe như món quà kỷ niệm tuổi học trò trước ngày chia tay để đi du học bốn phương.
Tối, tôi và người nhà cao hứng kéo nhau ra khu trung tâm, định bụng sẽ ngắm Sài Gòn trước ngày Độc lập. Sau khi thưởng thức chầu kem ở Brodard thì thả bộ ra phố Nguyễn Huệ. Chẳng thấy phố đâu, trong ánh sáng không lung linh, rực rỡ như mình nghĩ, tôi chỉ thấy người. Người ngồi dọc theo các lối đi bộ, ngồi tràn lên khu vực quãng trường; người dập dìu đi và đứng khắp nơi, cũng có âm thanh xập xình nhưng là hai bên phố dội lại, còn sân khấu biểu diễn đã dựng lên nhưng có lẽ là chờ cho tối mai, 2/9.
Có len chân lên cũng chẳng còn đủ lối, mà ngồi lại thì chả biết để làm gì, chúng tôi thối lui, quành ra khu vực Nhà hát Thành phố, cũng là người đi, người đứng, người ngồi trên tiền sảnh Nhà hát, ở các bậc thang, vui vẻ ngắm nhìn nhau. Thế thôi. Tôi đành đưa người nhà băng qua, tắp vào sảnh Continental, kêu mấy li bia giải khát. Còn mấy phút nữa là 10 giờ, đèn trên bảng quảng cáo một nhãn hiệu đồng hồ vụt tắt, nghĩ ngay “tiết kiệm một cách trách nhiệm” thế cũng là hay nhưng giá như thành phố, nhất là khu đất vàng này được thắp sáng hơn trong những ngày lễ thì có lẽ cũng chẳng hoang phí mấy cho lắm!
Sài Gòn - TP.HCM luôn đẹp, càng đẹp và sống động hơn trong những ngày lễ tết. Sau cơn bệnh nặng Covid-19, thành phố dần lấy lại sức và đẹp dần lên dù đây đó, những dãy nhà mặt tiền phố vẫn còn xanh xao với loạt đóng cửa, dán đầy bảng rao bán hoặc cho thuê. Đã có một số động thái “xúc tiến” giữa người cho thuê và đi thuê nhưng chưa đủ. Đề án kinh tế đêm của quận 1 đã trình lên UBND TP và đang chờ tiếp tục góp ý trước khi thông qua nhưng tiền đề án, tính kích hoạt, nhất là tận dụng những dịp cao điểm hè, lễ tết… vẫn còn thiếu mạnh mẽ, đồng bộ. Nhìn bao quát cả thành phố, nhận thức vỡ vạc thành hành động về việc khai thác tính nội lực của thị trường, thông qua kinh tế đêm vẫn còn quá “thấp bé nhẹ cân” so với nhu cầu thực tế từ chính người dân và du khách. Nhìn cụ thể từ phố ẩm thực nằm dọc theo kênh Nhiêu Lộc với 2 con đường đẹp kiêu hãnh nhất nhì thành phố là Hoàng Sa - Trường Sa là thấy rõ. Chúng có địa thế đẹp nhưng sức hút rất hạn chế khi tính tự phát (nếu được hỗ trợ và đầu tư tốt sẽ phát huy hiệu quả) đã khiến không gian ở đây một mặt bị “lu mờ” đi bởi chỉ có thứ ánh sáng phát ra từ các nhà hàng, tiệm cà phê nhỏ, lẻ và cả “mặt nhám” của quán xá bình dân. Mặt khác, không gian sông nước - kênh rạch đã không được “thắp sáng”, chưa kể đường đi bộ dọc theo ven kênh cũng khá tối, tạo cảm giác thiếu an toàn cho du khách, thiếu cả cảnh quan và các sinh hoạt của một phố đi bộ du lịch về đêm.
Thiết nghĩ, khi đặt tên 2 con đường Hoàng Sa - Trường Sa và trả lại màu xanh cho dòng kênh đen này, ngoài mục tiêu tạo các dịch vụ cho du lịch, khơi dậy những sinh hoạt mang sắc màu bản địa thu hút du khách; còn truyền đi cái giá trị sâu xa hơn thế với hai thực thể đảo - quần đảo của Việt Nam như một minh chứng sống động về tính chủ quyền trong người dân và chính quyền thành phố. Vì vậy, nó cần có một cách thức tổ chức, khai thác, vận hành, thu hút tương xứng để giá trị truyền tải rộng, xa và sâu hơn.
Hoặc, sau những ngày lễ hội sông nước lung linh, sự kết nối để khai thác lẫn nhau lợi thế, tiềm năng, hiệu quả của dịch vụ “trên bến dưới thuyền”, từ các khu vui chơi, ẩm thực trên bộ đến tuyến du lịch tàu thuyền trên sông Sài Gòn đã được triển khai như thế nào, hầu như chúng ta chưa thấy (ngoại trừ chương trình bắn pháo hoa đêm 2/9) một chuyển động nào đáng kể, đáng giá.
Trên Podcats của Vnexpress, ông Chattan Kunjara (Ủy ban du lịch Thái Lan) đã thẳng thắn nhận xét “So với Thái, kinh tế đêm Việt Nam còn cả chặng đường dài”, ông cũng nêu tiềm năng của thị trường Việt có độ mở lớn nhưng rõ ràng chúng ra chưa biết cách làm, chưa “dám nghĩ dám làm” cho căn cơ, bền vững và phát triển.
Rõ ràng, nhìn hẹp (trong khu lõi trung tâm) ngắn (1-2 ngày) từ một kỳ nghỉ dài, cách khai thác kinh tế dịch vụ nói chung, dịch vụ kinh tế đêm (lẫn ngày) ở ta vẫn còn nghèo nàn, chỉ mới có “ăn” chứ chưa có chỗ “chơi”. Đây chính là một điểm nghẽn mà từ chính quyền đến doanh nghiệp đang còn tự trói, chưa chịu tháo khi nhu cầu thực tế đã và đang cần, không quyết liệt gỡ khi thời điểm tăng tốc cuối năm đang cận kề.
Quốc Học
FILI
|