Bộ Công Thương kiến nghị 'dọn đường' huy động gần 135 tỷ USD cho dự án điện
Bộ Công Thương vừa có Tờ trình số 6046 gửi Chính phủ, đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng cơ chế tài chính, huy động số vốn lên tới gần 135 tỷ USD đầu tư cho các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng phê duyệt.
Cần huy động gần 135 tỷ USD cho các dự án điện
Trong Tờ trình, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để triển khai có hiệu quả Quy hoạch điện VIII do đến năm 2030, ước tính sẽ cần huy động tới gần 135 tỷ USD đầu tư cho các dự án nguồn điện để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Theo đó, nhiệm vụ của Bộ Công Thương là chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tổ chức thực hiện kế hoạch hiệu quả, tuân thủ theo đúng quy định của Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện xây dựng và trình Chính phủ Luật Điện lực sửa đổi và Luật về năng lượng tái tạo, sớm trình Quốc hội thông qua. Trình Chính phủ ban hành các chính sách về mua bán điện trực tiếp.
Bộ Công Thương chủ trì, tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư các nhà máy điện than đang trong quá trình triển khai đầu tư, rà soát kỹ các quy định của pháp luật các cam kết, thoả thuận giữa các bên để xử lý dứt điểm các dự án.
Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn các chủ đầu tư thực hiện các dự án điện, hướng dẫn các địa phương thực hiện và xây dựng cơ chế chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, vốn ODA và các vốn đầu tư tư nhân cho phát triển ngành điện đồng bộ, cân đối, bền vững.
Với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế tài chính và cơ chế huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện theo kịp quy hoạch và kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng phê duyệt nhằm đáp ứng đồng bộ và đầy đủ nhu cầu điện của toàn xã hội; giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các chính sách về giá điện theo cơ chế thị trường; cơ chế tài chính, cơ chế giá điện, cơ chế khuyến khích để thực hiện.
Theo Bộ Công Thương, đến năm 2030 sẽ cần tới gần 135 tỷ USD đầu tư cho các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng phê duyệt.
|
Với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các khách hàng, doanh nghiệp đầu tư các dự án điện thuộc Quy hoạch điện VIII.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện giai đoạn 2021-2025 lên tới 57,1 tỷ USD, trong đó nguồn điện 48,1 tỷ USD, lưới truyền tải 9,0 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 77,6 tỷ USD trong đó nguồn điện 71,7 tỷ USD, lưới truyền tải 5,9 tỷ USD. Như vậy tổng nguồn vốn đầu tư cho nguồn điện đến năm 2030 là 134,7 tỷ USD. “Toàn bộ vốn đầu tư cho các dự án đầu tư ngành điện sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công”, Tờ trình nêu rõ.
Tờ trình này Bộ Công Thương cũng nêu nhiều khó khăn trong việc thực hiện Quy hoạch điện VIII. Cụ thể, theo thống kê, hiện có 23 dự án/phần dự án có quy mô công suất 2.360,42 MW các dự án điện mặt trời đã được phê duyệt, đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư. Tuy nhiên theo tính toán cơ cấu nguồn điện của Đề án Quy hoạch điện VIII, tổng công suất các dự án có khả năng đưa quy hoạch vào chỉ là 1.500 MW.
Ngoài ra, hiện Đề án đã tính toán đến cấp độ dự án với khoảng 1.019 công trình nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện (67 công trình nguồn và 952 công trình lưới truyền tải), đã phân kỳ đầu tư tới năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác, thuỷ điện nhỏ lại không phân cấp đến mức độ dự án. Chưa kể nhiều dự án năng lượng tái tạo (theo báo cáo của các địa phương là trên 2.000 dự án) chưa xác định được vị trí nên chưa biết phương án đấu nối vào lưới điện.
Cho EVN thu hồi khoản lỗ qua giá điện là đúng luật
Liên quan đến nhiều ý kiến phản đối việc cho EVN thu hồi khoản lỗ qua giá điện, ngày 5/9, Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương cho biết, việc cho EVN thu hồi khoản lỗ sản xuất kinh doanh trong tính giá điện là dựa trên quy định pháp luật, thực tế và ý kiến các bộ ngành.
Theo Cục Điều tiết Điện lực, lỗ từ chênh lệch tỷ giá trong 4 năm (2019-2022) chưa được hạch toán của EVN khoảng 14.725 tỷ đồng, theo công bố kết quả kiểm tra giá thành sản xuất điện năm 2022 của Bộ Công Thương.
Trước năm 2017 - thời điểm ban hành Quyết định 24, các chi phí này là khoản lớn nhất thường bị treo chưa hạch toán vào giá thành sản xuất, giá điện hoặc chỉ được phân bổ một phần tùy tình hình tài chính mỗi năm.
“Năm ngoái, giá nhiên liệu thế giới leo thang đẩy chi phí mua điện của EVN tăng trong khi giá bán lẻ điện giữ ổn định khiến tập đoàn này lỗ hơn 26.000 tỷ đồng. Năm nay giá nhiên liệu sản xuất điện bớt căng thẳng nhưng vẫn ở mức cao ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN”, Cục Điều tiết Điện lực cho hay.
Cơ quan này cũng cho rằng, các khoản chi phí đầu vào hai năm qua, theo Quyết định 24, sẽ được thu hồi qua các lần điều chỉnh giá tiếp theo. Mặt khác, theo Luật Giá 2023, giá điện cần bù đắp đủ chi phí thực tế hợp lý và có lợi nhuận phù hợp cho EVN.
Phạm Tuyên
Tiền phong
|