TP HCM Nỗ lực thu hút "đại bàng": Thời cơ mới từ Nghị quyết 98
TP HCM đang nỗ lực kiến tạo các lợi thế mới nhằm tận dụng tốt nhất Nghị quyết 98 trong việc tăng cường thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM đã nêu rõ những chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược và danh mục ngành nghề ưu tiên.
Ưu đãi lớn, điều kiện chặt
Danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược đề cập các lĩnh vực: đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỉ đồng trở lên.
Ngoài ra, TP HCM còn ưu tiên thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỉ đồng trở lên. Đặc biệt là đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn từ 50.000 tỉ đồng trở lên.
Tương ứng với quy mô của các dự án đăng ký vốn vào TP HCM, nhà đầu tư chiến lược cũng cần đáp ứng yêu cầu về vốn điều lệ. Nhà đầu tư cũng phải có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường theo quy định...
Tập đoàn Intel đã đầu tư gần 1,5 tỉ USD vào nhà máy tại Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
|
Nhà đầu tư chiến lược vào TP HCM sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Cụ thể, được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động R&D bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan, thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của dự án do nhà đầu tư chiến lược thực hiện...
Đổi lại, nhà đầu tư chiến lược phải giải ngân vốn trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong thời gian này, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng dự án; thực hiện cam kết về việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao (nếu có)...
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, cho biết thời gian qua, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM. Tuy nhiên, với cơ cấu kinh tế hiện nay, thành phố không thể tiếp tục thu hút đầu tư vào những ngành thâm dụng lao động mà có chủ trương chào đón những ngành công nghệ cao, sức lan tỏa lớn, phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Một chuyên gia về đầu tư nước ngoài đánh giá những cơ chế trong Nghị quyết 98, nhất là tiêu chí về thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP HCM, là hết sức cần thiết. Quan trọng nhất là thành phố cần linh hoạt thay đổi chính sách thu hút FDI phù hợp để đạt hiệu quả tốt nhất.
Thay đổi cách tiếp cận dòng vốn
Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề cập việc thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, chip, bán dẫn, công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu lớn cho mục tiêu chuyển dịch kinh tế. Trên cơ sở đó, Nghị quyết 98 cũng nêu rõ chính sách thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư chiến lược.
Theo TS Trần Du Lịch, không phải tự nhiên có thể mời được nhà đầu tư chiến lược vào TP HCM mà cần chuẩn bị bằng những dự án cụ thể. Đồng thời, có chính sách phù hợp tạo điều kiện, lợi thế cho nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh từ ngày 1-1-2024, Việt Nam phải thực hiện quy định về thuế tối thiểu toàn cầu theo cam kết. Khi đó, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu euro trở lên đều phải đóng thuế tối thiểu 15%.
"TP HCM cần nghiên cứu, đưa ra những chính sách khác nhằm tạo sự hấp dẫn với nhà đầu tư. Môi trường đầu tư phải tốt, nhất là trong lĩnh vực tài chính. Khi nhà đầu tư chiến lược vào, họ sẽ kéo doanh nghiệp vệ tinh đi theo, đó chính là những con sếu đầu đàn" - TS Trần Du Lịch phân tích.
Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, TS Trần Du Lịch góp ý TP HCM cần hoàn thiện các quy định phân cấp, phân quyền cho HĐND như nghị quyết đã nêu. Bên cạnh đó, nỗ lực triển khai các dự án hạ tầng giao thông lớn, quy hoạch các quỹ đất theo Luật Quy hoạch nhằm sẵn sàng những điều kiện cơ bản để đón nhà đầu tư. Thành phố cũng cần liên kết, phối hợp với các trường đại học, cao đẳng để chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn lớn.
"Đã qua thời kỳ tập trung thu hút FDI ở mọi ngành nghề nên vai trò của TP HCM trong việc kéo nguồn vốn ngoại về Việt Nam giảm dần. Giá đất ở TP HCM cũng không còn phù hợp cho những ngành nghề sử dụng quá nhiều lao động. Muốn trở lại vị trí địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn FDI, TP HCM cần thay đổi cách tiếp cận nguồn vốn này như Nghị quyết 98 đã đề cập. Với nền tảng hoàn toàn khác, chất lượng các dòng vốn đầu tư vào thành phố cũng phải khác" - TS Trần Du Lịch nhận xét.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP HCM, nhìn nhận tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng từ nhiều năm nay phụ thuộc lớn vào tình hình đầu tư nước ngoài. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do với 54 quốc gia, chiếm 62% GDP thế giới. Với độ mở của nền kinh tế lên đến 178%, cánh cửa lớn cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã được mở ra.
"Làm cách nào để thu hút đầu tư trong bối cảnh không còn nhiều ưu đãi về thuế và ưu đãi này cũng không còn hấp dẫn? Chúng ta cần có chính sách bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp Việt Nam. Đây là việc khó nhưng vẫn có giải pháp thực hiện" - ông Nam nhấn mạnh.
Liên quan việc Việt Nam cùng 131 quốc gia cam kết thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đề xuất, ông Nguyễn Hữu Nam cho hay các cơ quan thuế đang nghiên cứu kỹ quy định để vận dụng vào Việt Nam, theo hướng bảo đảm thu hút FDI và ngăn dòng vốn chảy sang quốc gia, khu vực khác.
Để cải thiện dòng vốn FDI vào TP HCM cũng như cả nước, ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, cho rằng cần có 2 yếu tố. Đó là sự phát triển ổn định của các KCN và thủ tục hành chính minh bạch, dễ dự đoán hơn. JETRO đã trao đổi với các bên liên quan và đưa ra khuyến nghị chính sách nhằm hướng tới mục tiêu minh bạch, giảm thiểu thủ tục hành chính. Đồng thời, chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ, đẩy mạnh chuyển đổi số... cũng hỗ trợ tốt cho mục tiêu thu hút nhà đầu tư chiến lược.
"Việc tăng cường chất lượng sống ở cộng đồng cũng góp phần tạo cơ hội để Việt Nam trở thành "thỏi nam châm" thu hút các công ty Nhật Bản. Cụ thể, cần xây dựng các khu dân cư đáng sống cho kỹ sư, chuyên gia Nhật ở địa phương; đầu tư xây dựng các bệnh viện quốc tế, khám sức khỏe cho người nước ngoài bằng tiếng Anh; mở nhiều trường quốc tế và cung cấp đầy đủ hàng hóa, thực phẩm phù hợp nhu cầu, thị hiếu và sở thích của người Nhật. Những điều kiện này sẽ tác động đáng kể đến quyết định đầu tư" - ông Nobuyuki Matsumoto góp ý.
Cạnh tranh mạnh trong thu hút vốn ngoại
Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nêu thực tế Indoneisa và Ấn Độ là 2 quốc gia đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư đa quốc gia và sự dịch chuyển của dòng vốn FDI, dù không nằm gần Trung Quốc.
Thực tế này cho thấy 2 lợi thế lớn nhất để các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn là: quy mô thị trường cực lớn; chi phí lao động và lực lượng lao động cạnh tranh... Trong khi đó, quy mô thị trường của Việt Nam đã tới hạn và lực lượng lao động còn có những vấn đề hạn chế.
|
THÁI PHƯƠNG THANH NHÂN
Người lao động
|