TS Trần Đình Thiên: Giá điện cần theo thị trường như giá gạo
Việc duy trì điện giá thấp như hiện nay khiến tiêu dùng và sản xuất điện xét trên bình diện quốc gia không thể nào hiệu quả được.
Ngày 30-8, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức diễn đàn với chủ đề "Nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững".
Mở đầu diễn đàn, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững.
Do vậy, việc tổ chức diễn đàn lần này là một hoạt động mang ý nghĩa thiết thực góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm, lợi ích của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng với việc duy trì điện giá thấp như hiện nay khiến tiêu dùng và sản xuất điện xét trên bình diện quốc gia không thể nào hiệu quả được.
Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức diễn đàn về nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững. Ảnh: AH
|
Theo ông Thiên, đây không phải là lỗi của hệ thống điều hành, mà là lỗi cơ chế. Bởi vì chúng ta duy trì cơ chế nhà nước định giá điện và duy trì một mức giá điện quá thấp. Điều đó ảnh hưởng cả cung và cầu.
Dẫn câu chuyện về an ninh lương thực khi trước đây giá lúa gạo cũng là giá bao cấp, sản lượng lúa khan hiếm, nhưng sau khi chuyển giá lương thực sang cơ chế thị trường thì lập tức Việt Nam trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo.
“Tại sao giá điện lại không áp dụng như an ninh lương thực, chuyển sang cơ chế thị trường? Cơ chế làm giá điện không thay đổi thì chúng ta vẫn vướng vào vòng luẩn quẩn- ông Thiên nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh lại có góc nhìn khác. Ông cho rằng, hiện nay vấn đề tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng vẫn đặt nặng ở góc độ tuyên truyền, một phần có tăng cường giám sát, kiểm tra, nhưng vẫn chủ yếu trên tinh thần tự nguyện, mà thiếu cơ chế giải quyết các vấn đề như động lực để người dân, doanh nghiệp… hướng tới sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là gì? Nói cách khác là giải bài toán chi phí và lợi ích cho các tổ chức kinh tế.
Đặc biệt, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng từ các văn bản chính sách, thực tế triển khai vẫn chưa phân biệt rạch ròi bản chất của tiết kiệm năng lượng và hiệu quả trong vấn đề sử dụng năng lượng.
“Tôi cho rằng giữa chúng có mối quan hệ với nhau. Nhưng về mặt bản chất và các biện pháp triển khai đối với tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng có tiêu chí đánh giá, cách thức thực hiện có nhiều điểm khác biệt. Chúng ta cần cụ thể hoá hơn vấn đề tiết kiệm và hiệu quả trong sử dụng năng lượng, như vậy mới tìm ra được biện pháp hữu hiệu hơn” - ông Ánh nói.
AN HIỀN
Pháp luật TPHCM
|