Doanh nghiệp mía đường trong nước kỳ vọng lợi nhuận 'thêm ngọt'
Giá đường trong nước nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và đi cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023, do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam.
* Lo ngại Ấn Độ cấm xuất khẩu, giá đường ngày càng tăng mạnh
* Giá đường tăng bất thường, Hiệp hội Mía đường Việt Nam ra công văn khẩn
* Pakistan cấm xuất khẩu đường do giá cả trong nước tăng mạnh
Thu hoạch mía ở Ninh Hòa, Khánh Hòa. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
|
Thông tin Ấn Độ dự kiến cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong niên vụ tới, bắt đầu từ tháng 10/2023 đang hỗ trợ nhóm cổ phiếu ngành mía đường trên thị trường niêm yết thêm “ngọt.”
Về phía các doanh nghiệp kỳ vọng giá đường cao thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận thời gian tới.
Động thái tạm dừng xuất khẩu này diễn ra lần đầu tiên sau 7 năm, trong bối cảnh tình trạng thiếu mưa làm giảm năng suất mía.
Sự vắng mặt của Ấn Độ trên thị trường thế giới có thể sẽ làm tăng giá chuẩn ở thị trường New York và London, nơi đường được giao dịch quanh mức giá cao nhất của nhiều năm.
Ghi nhận tại Bản tin Giám sát Giá đường của website thitruongmiaduong.com, giá đường thô, đường trắng thế giới tuần này xu hướng tăng mạnh so với tuần trước và giá đường nội địa tiếp tục được kéo lên.
Bên cạnh động thái tạm dừng xuất khẩu của Ấn Độ, lượng hàng tồn kho trên thế giới giảm, cùng với niên vụ sản xuất mía đường nội địa đã hết trong khi nhu cầu dự kiến cao.
Điều này được các chuyên gia trong ngành dự báo giá đường có thể tiếp tục tăng, từ đó đẩy tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp thời gian tới.
Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI chỉ ra rằng lượng đường tồn kho trên thế giới dự kiến sẽ giảm 13% so với cùng kỳ trong niên độ 2022/2023, khiến giá đường neo ở mức cao.
Giá đường trong nước nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và đi cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023, do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam.
Cập nhật mới nhất tại thời điểm ngày 29/8, trên sàn giao dịch hàng hóa New York, giá các hợp đồng mua đường thô lên 25,49 xu Mỹ/pound (1 pound = 0,454 kg). Đây là mức giá trong ngày cao nhất kể từ ngày 22/6.
Trước đó, đỉnh điểm hồi tháng Tư, giá đường thế giới đạt mức cao nhất trong 12 năm trở lại đây là 26,7 US xu Mỹ/pound do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Tháng Tám, Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,88% so với tháng trước.
Riêng tháng này, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,78% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,26 điểm phần trăm; trong đó, lương thực tăng 3,28%; thực phẩm tăng 0,48%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,47%.
Nhóm phân tích của SSI cũng cho rằng các chính sách chống trợ cấp chống bán phá giá áp dụng đối với đường Thái Lan nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước là yếu tố góp phần cải thiện dài hạn sản lượng đường trong nước và giá đường.
Bên cạnh đó, nếu Bộ Công Thương nâng lượng đường nhập khẩu tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước. Việc này mang lại lợi ích cho các nhà máy đường tinh luyện trong nước nhập khẩu đường thô để sản xuất đường tinh luyện. Cùng lúc giá đường thế giới và trong nước tăng, nhu cầu đường cũng có xu hướng tăng.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor, nhu cầu đường toàn cầu được dự báo sẽ tăng 1,7% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Như Công ty Thành Thành Công-Biên Hòa, trong năm tài chính 2022, sản lượng tiêu thụ của đạt 1 triệu tấn đường; trong đó, khoảng 60% đến từ đường sản xuất từ mía và phần còn lại đến từ đường nhập khẩu.
Với việc áp thuế, Thành Thành Công-Biên Hòa có thể dần chuyển sang nguồn mía đường cho nhu cầu sản xuất đường, do doanh thu đường từ mía có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với đường nhập khẩu.
Đối với đường thô nhập khẩu, Thành Thành Công-Biên Hòa sẽ dựa trên hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường được Bộ Công Thương cấp phép năm 2023.
Tận dụng cơ hội này, Công ty Đường Quảng Ngãi mở rộng diện tích canh tác, tăng 45% so với cùng kỳ và sản lượng đường cao hơn.
Ngoài ra, bắt đầu với chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh vào tháng 3/2023, Đường Quảng Ngãi đã bắt đầu bán mặt hàng đường đóng gói với nhãn hiệu Đường An Khê thông qua các kênh thương mại hiện đại.
Trong tháng 5/2023, công ty sẽ hợp tác với chuỗi bán lẻ BigC, Coop, Winmart để bán mặt hàng đường đóng gói này.
Đối với Công ty Mía đường Sơn La, dù thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố, doanh nghiệp kỳ vọng diện tích trồng mía sẽ tăng trưởng với mục tiêu đạt 11.000ha, tăng 20% diện tích hiện tại.
Để bảo làm quyền lợi của doanh nghiệp mía đường, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh các quy định đấu thầu hạn ngạch thuế quan để ngăn cản các hành vi bắt tay vô hiệu hóa hình thức đấu giá, bảo đảm kết quả đấu giá phân giao phù hợp với các yêu cầu của Luật Cạnh tranh và Luật Đấu thầu.
Đề xuất ý kiến giải pháp điều hành nhập khẩu mặt hàng đường theo hạn ngạch thuế qua năm 2023, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường 2023 là lượng tối thiểu theo cam kết WTO tức là 119.000 tấn.
Trên thị trường niêm yết, nhóm cổ phiếu ngành mía đường đã có sự tăng trưởng mạnh trong tháng Tám.
Tính đến ngày cuối tháng Tám (31/8), cổ phiếu SBT của Công ty Thành Thành Công-Biên Hòa đang giao dịch ở mức giá 16.100 đồng, tăng gần 9%; cổ phiếu QNS của Công ty Đường Quảng Ngãi có giá 49.700 đồng, tăng gần 49%; cổ phiếu SLS của Công ty Mía đường Sơn La có giá 205.500 đồng, tăng gần 68% so với thời điểm đầu năm (3/1)/.
Diệp Anh
Vietnamplus
|