Thách thức cho hàng Việt vào Mỹ: Thị hiếu và nhà phân phối
Thị trường Mỹ đang mở ra nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt nhưng cũng đầy thách thức khi sản phẩm phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí nhập khẩu.
Việt Nam (VN) và Mỹ vừa đạt thỏa thuận nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện. Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) Việt. Tuy nhiên, thị trường nước này đầy thách thức đối với DN Việt, nhất là tiêu chuẩn nhập khẩu cùng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng đòi hỏi cao.
Lượng hàng tồn kho ở Mỹ đã giảm
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán, Trưởng Cơ quan Thương vụ VN tại Mỹ, cho biết hiện lượng hàng tồn kho ở nước này đã giảm mạnh. Đây là tín hiệu cho thấy các nhà nhập khẩu ở Mỹ sẽ tăng thu mua hàng của các quốc gia khác, trong đó có VN. Thời gian tới, đơn hàng của DN Việt có khả năng khôi phục trở lại.
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, nhận định Mỹ luôn là đối tác nhập khẩu hàng đầu của thủy sản VN. Trong tám tháng đầu năm 2023, do khó khăn chung của thị trường thế giới như lạm phát, giá trung bình xuất khẩu giảm nên xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm 39% so với cùng kỳ, đạt trên 1 tỉ USD.
Tuy nhiên, mùa lễ hội cuối năm đang đến gần cùng kết quả tích cực sau đợt thanh tra của Văn phòng Đăng ký Liên bang Mỹ đối với một số DN cá tra vừa qua đã tạo tâm lý lạc quan cho DN xuất khẩu cá tra sang Mỹ vào những tháng cuối năm.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại VN tại Mỹ, Mexico nằm trong khối thị trường chung Canada và Mỹ nên hàng hóa nước này xuất khẩu vào thị trường Mỹ có lợi thế cạnh tranh về giá, mẫu mã, đặc biệt là vấn đề logistics.
Để cạnh tranh, DN Việt cải thiện các chi phí, nhất là chi phí quản lý làm sao giúp hàng hóa chất lượng cao hơn, giá cả hợp lý để cạnh tranh tốt hơn, đặc biệt là đáp ứng xu hướng xanh mà các quốc gia như Mỹ rất coi trọng.
|
“Đặc biệt, sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới VN của Tổng thống Joe Biden, VN và Mỹ đã tuyên bố nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện. DN kỳ vọng hợp tác kinh tế thương mại, trong đó có thương mại thủy sản có các bước đột phá mạnh, bền vững hơn” - bà Hằng nói.
Ở ngành hàng gia vị, ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường, cho biết thị trường Mỹ rất cởi mở, luôn muốn thử cái mới và khá yêu thích hàng VN. Đặc biệt, một số khách hàng yêu cầu công ty có thể nghiên cứu phát triển sản phẩm phù hợp với khẩu vị của người Mỹ.
Thách thức xanh từ thị trường Mỹ
Theo Bộ Công Thương, hiện nay Mỹ đang cân nhắc các cơ chế tương tự như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (đánh thuế carbon hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất tại nước sở tại).
Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng, cho biết thị trường Mỹ bắt đầu theo xu hướng xanh của EU và đang lên lộ trình để áp dụng.
Chẳng hạn, đối với cơ chế CBAM, đến năm 2024-2025 DN Việt phải thực hiện kiểm kê lượng phát thải trong quá trình sản xuất và vượt tiêu chuẩn cho phép. Nếu không thực hiện, khi bán hàng hóa sang Mỹ sẽ bị đánh thuế, DN Việt rất khó cạnh tranh.
Lưu ý thêm, ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết điều mà những tập đoàn bán lẻ của các quốc gia, trong đó có Mỹ quan tâm đối với hàng hóa VN là mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Tiếp đến là truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, nhất là nguyên liệu đầu vào đảm bảo tính công khai, minh bạch, đặc biệt là không vi phạm các quy định của nước này.
“Hiện nay, Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét sửa đổi một số quy định về biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ nhà sản xuất, người tiêu dùng. Vì vậy, DN xuất khẩu VN cần lưu ý” - ông Hưng chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế - TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đánh giá Mỹ và VN đã nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện là cơ hội cho DN Việt bán hàng hóa sang Mỹ nhiều hơn. Bên cạnh đó, DN Mỹ cũng triển khai vấn đề về xanh hóa mạnh hơn.
“Đây là sự hợp tác hai bên cùng có lợi. DN Việt có điều kiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Song song đó, thị trường Mỹ vô cùng lớn sẽ tiếp nhận hàng hóa đạt tiêu chuẩn xanh của DN Việt. Do đó, DN nào chậm trong định hướng xuất khẩu, không hành động kịp thời sẽ khó bán được hàng hóa sang thị trường tiềm năng này” -TS Điền nói.
Đối với các biện pháp phòng vệ thương mại, tùy vào từng ngành nghề, DN Việt không quá lo lắng bởi hàng hóa VN xuất khẩu sang thị trường Mỹ không mang tính cạnh tranh.
“Các quốc gia như Mỹ chỉ phòng vệ thương mại đối với những mặt hàng xuất khẩu ồ ạt gây ảnh hưởng đến DN sản xuất và thị trường của họ. Tất cả vì lợi ích quốc gia, vấn đề này chúng ta phải tuân thủ” - TS Điền nói.
Các chuyên gia cho rằng để hàng Việt dễ dàng xâm nhập vào thị trường các nước, có chỗ đứng nghiêm túc, về lâu dài DN Việt cần chiến lược bài bản. Đồng thời cần xây dựng được những hệ thống phân phối tại các nước như các nhà bán lẻ nước ngoài đang đầu tư kinh doanh tại VN.
Bảy tháng, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ hơn 60 tỉ USD
Theo Bộ Công Thương, trong bảy tháng đầu năm 2023 thương mại hai chiều VN - Mỹ đạt trên 68 tỉ USD, giảm 16% so với cùng kỳ.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt hơn 62 tỉ USD, kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ đạt 5 tỉ USD, đưa mức thặng dư thương mại lên khoảng 60 tỉ USD. Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN và VN là đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: T.HÀ
|
|
TÚ UYÊN
Pháp luật TPHCM
|