Bài toán khó khi thu phí vỉa hè
Tại kỳ họp chuyên đề ngày 19/09 vừa qua, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết mức thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường với các mục đích như sau: sử dụng lòng đường vào tổ chức hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt; điểm trông giữ xe; điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền người sử dụng và lắp đặt các công trình tạm; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình.
Điều cần biết là không phải tuyến đường nào cũng đủ điều kiện kinh doanh, cho thuê. Sở Giao thông vận tải và UBND cấp huyện rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường với các chức năng, hoạt động cụ thể. Vị trí cho thuê vỉa hè có thể sát mặt tiền nhà dân hoặc sát lề đường, miễn là dành tối thiểu 1.5 m cho người đi bộ. Tùy từng tuyến đường, đoạn đường để quy định thời gian hoạt động theo giờ. Vỉa hè rộng dưới 3 m không được phép cho thuê, đồng thời hạn chế tổ chức cho thuê tại một số vị trí, khu vực ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, công sở, trụ sở ngoại giao, cơ sở tôn giáo.
Việc thu phí vỉa hè, lòng đường phải đảm bảo nguyên tắc đồng thuận của người dân, phải lấy ý kiến của chủ nhà, tránh mâu thuẫn lợi ích giữa người cho thuê và người khai thác. Sở GTVT thu phí lòng đường đối với các tuyến đường do Sở quản lý, UBND cấp huyện thu phí lòng đường, vỉa hè đối với các tuyến đường theo phân cấp quản lý. Việc thu phí thực hiện đồng thời khi cơ quan chức năng chấp thuận phương án hoặc cấp phép sử dụng, thanh toán thông qua nền tảng công nghệ, hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt, đảm bảo thuận tiện và minh bạch, không phát sinh tăng biên chế. Toàn bộ (100%) khoản thu phí vỉa hè, lòng đường nộp vào ngân sách, chủ nhà không được chia khoản phí này. Khoản phí này được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác vỉa hè, lòng đường.
Với 69 hoạt động mang tính kinh tế vỉa hè, nếu vận hành và khai thác sẽ mang lại cho thành phố khoảng hơn 1,500 tỷ đồng mỗi năm. Song, để tạo được sự đồng thuận xã hội cao, đòi hỏi phải lập một hệ thống sắp xếp, phân bổ và quản lý quy củ, hợp lý, hài hòa giữa lợi ích của chính quyền - quản lý giao thông, hạ tầng, kinh tế, mỹ quan đô thị với người dân - lưu thông, kinh doanh, du lịch… Khi bài toán lập lại trật tự lòng lề đường và giải quyết mưu sinh cho người nghèo, lao động vãng lai còn chưa giải quyết xong thì việc triển khai kinh tế vỉa hè là một áp lực không nhỏ.
Khi Luật Đường bộ chưa có quy định nào về việc thu phí lòng lề đưòng, vỉa hè; lần triển khai này cũng đã cẩn trọng gắn hai chữ “tạm thời” nhưng xuất phát từ thực tế, kinh doanh lòng lề đường, khai thác một cách triệt để vỉa hè để kiếm tiền đã là một nhu cầu mang tính thị trường cao. Có muốn dẹp, muốn cấm cũng không thể, không được. Nên việc chính quyền đứng ra để tổ chức, sắp xếp, quản lý như thế nào để nó vận hành hữu ích nhất có thể ở cả hai mặt, tăng nguồn thu cho nhà nước và duy trì, đảm bảo một “tập quán” mưu sinh, sinh hoạt của người dân, hộ kinh doanh là điều cần thiết. Vấn đề là tính toán, sắp xếp và khai thác cho hợp lý lẫn hợp tình với cả 3 đối tượng là hộ kinh doanh mặt tiền có sử dụng vỉa hè, lề đường; người buôn bán vỉa hè cố định, người bán hàng rong lưu động.
Ngay cả trong một tuyến đường có một hoặc vài hộ dân có nhà mặt tiền không đồng tình việc cho thuê vỉa hè ngang qua nhà họ thì sẽ phải thỏa thuận để đi tới đồng thuận như thế nào vì không phải ai cũng chấp nhận bị chia sẻ một phần không gian sống. Hơn nữa, tách biệt phần không gian ở với một phần bị khai thác làm nơi kinh doanh đang là lựa chọn của nhiều người có mức sống cao. Rõ ràng đây là một bài toán khó.
Chưa kể, trong khi khai thác kinh tế vỉa hè, nhà nước còn phải có chức trách bảo vệ không gian vỉa hè, lề đường ở hai chức năng chính là nơi lưu thông và “kho lưu trữ” hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng thời giữ lại một trong những đặc thù về mặt sinh hoạt của thị dân Sài Gòn, ấy là nơi vỉa hè, lề đường.
Có lẽ vì những áp lực nói trên nên dù HĐND TP đã thông qua nhưng từ đây đến trước ngày 01/01/2024, tức nghị quyết thu phí vỉa hè, lòng lề đường có hiệu lực thì còn rất nhiều việc, nhiều công đoạn mà UBND TP, sở GTVT, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện phải tiến hành vừa khảo sát ý kiến người dân, lập danh sách các tuyến đường đủ điều kiện thu phí cho đến hoàn tất phần mềm thu phí, theo dõi, giám sát công khai của người dân… Bởi mục đích cuối cùng là giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế của cả chính quyền lẫn người dân nhưng không làm mất đi tính mỹ quan và làm hỏng hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Quốc Học
FILI
|