Ninh Thuận: Khẩn trương điều tra, xử lý vụ đầu độc cây rừng
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, vụ đầu độc bằng cách khoan thân cây và đưa thuốc diệt cỏ vào bên trong tại rừng phòng hộ là chưa từng có tiền lệ, cần sớm ngăn chặn
Ngày 24-9, lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu (xã Phước Đại, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) vẫn kiên trì bơm nước tẩy vào các lỗ khoan trên thân cây tại tiểu khu 70.
Khẩn trương tẩy độc cứu cây
Tín hiệu đáng mừng là sau khi được kiên trì bơm nước tẩy thuốc diệt cỏ, một số cây đã có dấu hiệu hồi sinh sau khi bị đầu độc.
"Ngay sau khi phát hiện một số cây rừng có dấu hiệu khô lá do thuốc diệt cỏ, từ ngày 19-9, chúng tôi đã bắt đầu bơm nước vào các lỗ khoan để tẩy rửa. Đến nay thì nhiều cây đã nhóm mầm, có dấu hiệu sống lại. Bên cạnh đó, khu vực rừng tại tiểu khu 70 ít ngày qua có mưa, nên cũng thuận lợi cho việc cứu các cây này" - ông Nguyễn Văn Hiến, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu, nói.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Ninh Thuận, lâu nay chưa từng xuất hiện tình trạng khoan đục thân cây để đưa thuốc trừ sâu vào triệt hạ cây rừng. Xác định đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận đã bố trí thêm các chốt di động để tuần tra.
Hạt Kiểm lâm huyện Bác Ái cũng được yêu cầu bám sát địa bàn cùng đơn vị chủ rừng kết hợp tuần tra, duy trì bơm nước để tẩy độc cho các cây đã bị khoan.
"Qua rà soát, phải nói rằng tình trạng khoan đục cây rừng để đưa thuốc trừ sâu vào là một phương thức thủ đoạn mới trên các cánh rừng thuộc địa bàn, ngành nông nghiệp cũng đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng chủ động tăng cường kiểm tra, rà soát, nắm bắt tình hình để có kế hoạch xử lý trong thời gian tới, nhất là tại những vùng giáp ranh" - ông Trần Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, thông tin.
Theo thống kê, từ ngày 18-9, tại tiểu khu 70, rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu (huyện Bác Ái) đã có khoảng 200 cây rừng tự nhiên, gồm: Thành ngạnh, căm xe, cà nhí, cóc rừng, mà ma, sắn ỏi… bị khoan vào thân cây, đổ thuốc diệt cỏ để làm giảm sinh trưởng cây rừng. Một số cây sau khi bị đầu độc đã có hiện tượng chết khô.
Lực lượng bảo vệ rừng kiên trì bơm nước vào các lỗ khoan để tẩy độc cho cây
|
Truy tìm kẻ đầu độc cây rừng
Ngay sau khi sự việc xảy ra, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đã có văn bản đề nghị Sở NN-PTNT, Công an tỉnh và UBND huyện Bác Ái khẩn trương điều tra, xử lý vụ việc.
UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Bác Ái, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu tổ chức điều tra, xác minh đối tượng có hành vi khoan cây, đổ hóa chất gây thiệt hại đến cây rừng tự nhiên tại khu vực nêu trên. Đồng thời, Sở NN-PTNT chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu khẩn trương xác lập hồ sơ ban đầu để chuyển cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.
Những ngày qua, các xã nằm trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu, gồm: Phước Đại, Phước Thắng, Phước Thành (huyện Bác Ái) liên tục phát thông báo, tuyên truyền trên loa đài về vụ việc khoan, đổ hóa chất vào thân cây tại tiểu khu 70 để người dân nắm bắt vụ việc, không tham gia vào hoạt động hủy hoại cây rừng.
"Hiện tại, chúng tôi đã cho cắm các bảng tuyên truyền về chống phá rừng, đầu độc cây rừng xung quanh khu vực hiện trường. Ngoài 2 chốt bảo vệ rừng đặt tại hiện trường, chúng tôi cũng tăng cường thêm các tổ tuần tra lưu động tham gia bảo vệ rừng tại tiểu khu 70. Hiện nay, Công an tỉnh cũng đang thụ lý vụ việc để điều tra và truy tìm đối tượng đã đầu độc cây rừng tự nhiên" - ông Trần Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, cho biết.
Cơ quan chức năng thu giữ tại hiện trường một số vỏ chai thuốc trừ cỏ hiệu Trâu Đen. Khu vực rừng bị đầu độc là rừng tự nhiên, có tuổi đời trên chục năm. Đường kính các thân cây bị khoan, đầu độc từ 10-20 cm.
|
Bài và ảnh: Châu Tỉnh
Người lao động
|