Dịch vụ
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài
Các doanh nghiệp hiện nay thường lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thay vì thực hiện khởi kiện tại tòa bởi thủ tục đơn giản, giải quyết nhanh chóng. Vậy, nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài là gì, cùng tìm hiểu nhé!
Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài được quy định như sau:
- Trọng tài viên cần tôn trọng các thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm, trái với đạo đức xã hội.
- Trọng tài viên cần độc lập, khách quan, vô tư và tuân thủ quy định của pháp luật.
- Hai bên tranh chấp bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài cần có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền, nghĩa vụ của bản thân.
- Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại được tiến hành không công khai, trừ trường hợp hai bên có các thỏa thuận khác.
Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài có đặc điểm gì?
- Trọng tài chỉ giải quyết tranh chấp thương mại khi nhận được yêu cầu của các bên tranh chấp và tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài.
- Chủ thể giải quyết tranh chấp thương mại là các trọng tài viên thực hiện thông qua hội đồng trọng tài gồm 1 trọng tài viên độc lập hoặc là hội đồng viên có nhiều trọng tài viên.
- Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại đảm bảo sự kết hợp giữa hai yếu tố là phán quyết và thỏa thuận.
- Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp đảm bảo tính bí mật cao.
- Phán quyết của trọng tài chính là phán quyết cuối cùng.
Các điều kiện khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
- Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thương mại nếu hai bên đã có thỏa thuận trước với trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp đều được.
- Trong trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là cá nhân đã qua đời hoặc không còn năng lực hành vi dân sự, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện pháp luật của người đó, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức cần phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận và nghĩa vụ của tổ chức đó. Trừ các trường hợp các bên có các thỏa thuận khác.
Các hình thức thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
Thỏa thuận trọng tài thương mại là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh. Thỏa thuận của trọng tài có thể xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.
Thỏa thuận của trọng tài được xác lập dưới dạng văn bản, các hình thức thỏa thuận dưới đây cũng được xem là xác lập dưới dạng văn bản:
- Thỏa thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên qua các ứng dụng, thiết bị điện tử hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.
- Thỏa thuận được xác lập qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên.
- Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên, các tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo thỏa thuận các bên.
- Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như chứng từ, hợp đồng, các điều lệ công ty và những tài liệu khác tương tự.
- Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận do một bên đưa ra và bên kia không chịu trách nhiệm.
|
Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại chỉ có hiệu lực khi các bên tranh chấp thực sự có thiện chí trong quá trình xử lý vụ việc và đặc biệt là tự nguyện thi hành quyết định của trọng tài. Dựa trên pháp lý, nếu bên thua kiện không tình nguyện thi hành quyết định của trọng tài thì bên thắng kiện có quyền thực hiện trình tự cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả của việc cưỡng chế thi hành án ở Việt Nam cực kỳ thấp. Do đó, việc giải quyết tranh chấp thương mại đạt hiệu quả hay không còn tùy thuộc nhiều vào thiện chí của các bên tranh chấp.
FILI
|