“Món hời” khi lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn
Với việc lợi suất vượt quá 5%, các quỹ thị trường tiền tệ thu về lượng tiền khổng lồ mà các ngân hàng không thể theo kịp.
Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất ở mức cận 0 trong suốt 15 năm qua, những người gửi tiền mặt hầu như không nhận được gì, cho dù gửi trong ngân hàng hay quỹ thị trường tiền tệ.
Tuy nhiên, một bước ngoặt đã đến vào mùa xuân năm 2022. Nhờ việc Fed tăng lãi suất để chống lạm phát, mọi người bắt đầu thấy rằng họ có thể kiếm được khoản lãi 4% hoặc nhiều hơn thế từ tiền mặt của mình. Sau đó, ngành ngân hàng khu vực bắt đầu rơi vào cuộc khủng hoảng, bắt đầu từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank vào tháng 3 năm nay và trở thành một hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn ngành.
Những người gửi tiền thức tỉnh
Joseph Abate, chiến lược gia của Barclays Plc, cho biết: “Nếu bạn vẫn còn giữ tiền nhàn rỗi trong ngân hàng, nguy cơ tiền bạn sẽ không được bảo đảm và bạn sẽ không được đền bù. Mọi người đã nhận thức điều đó rõ hơn vào tháng 3 sau sự kiện của Silicon Valley Bank, đó là thời điểm tất cả những người gửi tiền thức tỉnh”.
Sau đợt tăng lãi suất hồi tháng 7 của Fed, lợi suất của các quỹ thị trường tiền tệ đã tăng trên 5% lần đầu tiên kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khiến những người tiết kiệm càng có thêm lý do để hành động.
Lợi suất trung bình trên tài khoản tiết kiệm là khoảng 0.45% tính đến ngày 18/09, thấp hơn mức 5.16% của Crane 100 Money Fund Index, chỉ số cho biết lợi suất trung bình của 100 quỹ chịu thuế lớn nhất tính đến tháng 8.
Dữ liệu của Viện Công ty Đầu tư Mỹ cho thấy kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào 18 tháng trước, tổng tài sản của các quỹ thị trường tiền tệ đã tăng hơn 1 ngàn tỷ USD lên mức cao nhất mọi thời đại là 5.64 ngàn tỷ USD. Khoảng 900 tỷ USD trong số đó được rót trong năm nay.
Trong đó, các quỹ thị trường tiền tệ bán lẻ hiện chiếm 38% tổng tài sản của ngành, tăng từ khoảng 30% vào cuối năm 2021.
Michael Bird là nhà quản lý quỹ cấp cao tại Allspring Global Investments. Công ty này đã chứng kiến tài sản của các quỹ thị trường tiền tệ của họ tăng khoảng 26% trong năm nay, với tài sản trong các quỹ bán lẻ tăng hơn hai lần.
Đổ xô vào trái phiếu Chỉnh phủ
Các quỹ thị trường tiền tệ không phải là đối tượng duy nhất được hưởng lợi từ chù kỳ tăng lãi suất hiện nay. Nhà đầu tư bình thường cũng như các thủ quỹ của công ty đang đổ tiền vào trái phiếu Chính phủ Mỹ từ kỳ hạn một tháng đến một năm, để hưởng lợi mức lợi suất 5%.
Nhu cầu mua trái phiếu Chính phủ Mỹ của các cá nhân tăng vọt được thể hiện trong các cuộc đấu thầu hàng tuần của Chính phủ. Trong đợt đấu thầu hồi giữa tháng 8, trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 6 tháng ghi nhận giao dịch mua kỷ lục 2.9 tỷ USD ở mức lợi suất 5.29%, mức cao nhất kể từ năm 2001.
Jamie Cox, đối tác quản lý tại Harris Financial Group, một công ty hoạch định tài chính, cho biết: “Chúng tôi chưa thấy lượng người mua trái phiếu Chính phủ Mỹ ngắn hạn sụt giảm”. Tuy nhiên, ông Cox lo lắng rằng xu hướng sử dụng tiền mặt theo cách này có thể đã đi quá xa.
Ông nói: “Chúng ta đang ở thời điểm mà mọi người đều tin tưởng vào tài sản an toàn này. Mọi người đã trở nên quá tự mãn với tiền mặt, đến mức họ đang bỏ lỡ lợi nhuận tiềm năng của thị trường chứng khoán”.
Khi Fed bắt đầu chiến dịch tăng lãi suất vào tháng 03/2022, hệ thống tài chính, đặc biệt là các ngân hàng, đã tràn ngập tiền gửi từ các cá nhân và tập đoàn nhờ các đợt kích thích tài chính và kích thích tiền tệ trong đại dịch COVID-19. Theo dữ liệu của Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ, hệ thống ngân hàng đã nắm giữ kỷ lục 19.9 nghìn tỷ USD tiền gửi vào thời điểm đó.
Ngân hàng lo lắng
Các ngân hàng không hề bối rối khi tiền mặt bắt đầu chảy vào các quỹ thị trường tiền tệ. Bởi có quá nhiều tiền gửi có thể là một trở ngại đối với một số ngân hàng. Tiền gửi được coi là nợ phải trả, và nợ càng lớn có thể buộc các ngân hàng phải tăng vốn và phải chịu sự điều chỉnh chặt chẽ hơn.
Kết quả là, các ngân hàng cảm thấy không cần thiết phải nâng lãi suất mạnh mẽ giống như ngân hàng trung ương làm. Các chủ ngân hàng thương mại nói rằng việc tăng lãi suất tiền gửi để cạnh tranh với các quỹ tiền tệ sẽ làm giảm biên lãi ròng của họ, tức là mức chênh lệch giữa số tiền họ tính cho người gửi tiền và người đi vay. Để duy trì lợi nhuận, họ sẽ phải tăng lãi suất cho vay, điều này sẽ đi kèm với việc thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay và có nguy cơ làm chậm hoạt động kinh tế, đồng thời dẫn đến khối lượng cho vay thấp hơn.
Các quỹ thị trường tiền tệ không cần lo lắng như vậy. Để đảm bảo có thể phản ứng nhanh chóng với mỗi quyết định tăng lãi suất, các nhà quản lý quỹ thị trường tiền tệ đã giữ tài sản ở những khoản đầu tư siêu ngắn, chẳng hạn như hợp đồng mua lại đảo ngược qua đêm của ngân hàng trung ương. Vì vậy, nếu Fed thông báo tăng lãi suất vào thứ Tư, các quỹ tiền tệ có thể chuyển phần tăng lãi suất đó sang nhà đầu tư sớm nhất là vào thứ Năm.
Kể từ tháng 3, các ngân hàng đã mất gần 700 tỷ USD tiền gửi. Và có những dấu hiệu cho thấy dòng tiền chảy ra đang bắt đầu khiến giới nhà băng bị ảnh hưởng.
Dữ liệu của Fed cho thấy sau khi giảm trong tháng 6 và tháng 7, khoản đi vay của các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã tăng 9% trong tháng 8, tương đương 70 tỷ USD. Đồng thời, Hệ thống Ngân hàng Cho vay Mua nhà Liên bang Mỹ, nhà cung cấp thanh khoản chung cho các ngân hàng, đã chứng kiến tổng dư nợ tăng lên 1,249 ngàn tỷ USD, từ mức 1,245 ngàn tỷ USD trong tháng 7.
Việc các ngân hàng lớn tăng cường đi vay cho thấy họ không thoải mái khi tỷ lệ tiền dự trữ bị giảm mạnh, các chiến lược gia Shuo Li và Jason Williams của Citibank nhận định.
Trong bối cảnh các quan chức Fed chỉ ra rằng họ sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài, dòng tiền chảy ra khỏi các ngân hàng có thể sẽ tăng lên, khiến họ rơi vào tình thế khó khăn. “Các ngân hàng đang đối mặt với tình huống tồi tệ, hoặc giảm lợi nhuận hoặc mất tiền gửi. Trong trường hợp này họ đang làm cả hai”, Ông Peter Crane - Chủ tịch của công ty cung cấp thông tin thị trường tiền tệ Crane Data, nói.
Kim Dung (Theo Bloomberg)
FILI
|