Các quỹ phòng hộ có thể khiến trái phiếu Mỹ rơi vào hỗn loạn
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) vừa đưa ra cảnh báo mới nhất về việc các quỹ phòng hộ tăng mạnh các khoản đặt cược có sử dụng đòn bẩy trên thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ trị giá 25 ngàn tỷ USD sẽ gây ra sự bất ổn.
BIS đưa ra cảnh báo này trong báo cáo hàng quý mới nhất, nói về sự tăng trưởng của hoạt động giao dịch cơ bản, trong đó các quỹ phòng hộ tìm cách khai thác chênh lệch nhỏ giữa giá trái phiếu Chính phủ Mỹ và các loại trái phiếu tương đương trên thị trường tương lai.
BIS cho biết: “Việc gia tăng các vị thế bán khống có đòn bẩy đối với hợp đồng tương lai của trái phiếu Chính phủ Mỹ là một lỗ hổng tài chính đáng được theo dõi, vì vòng xoáy ký quỹ mà nó có thể gây ra. Việc giảm các giao dịch đòn bẩy, nếu không có trật tự, có khả năng làm xáo trộn thị trường trái phiếu cơ bản”.
Theo dữ liệu từ Sifma, thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ là một trong những thị trường được theo dõi chặt chẽ nhất thế giới, vì nó thiết lập chi phí đi vay của Chính phủ Mỹ, với 750 tỷ USD được trao tay mỗi ngày trong tháng 8.
Việc hủy bỏ các vị thế sử dụng đòn bẩy của trái phiếu Chính phủ trong những thời điểm căng thẳng như vào tháng 09/2019 cũng như tháng 03/2020 trong đại dịch COVID-19 từng dẫn đến những biến động mạnh mẽ trong thị trường này và thị trường repo, buộc Cục Dự trữ Liên bang phải vào cuộc sau đó.
BIS trích dẫn dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ cho thấy vị thế bán đối với các hợp đồng tương lai của trái phiếu Chính phủ Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục ở một số kỳ hạn trong những tuần gần đây. BIS định giá các vị thế bán khống đối với hợp đồng tương lai của trái phiếu Chính phủ Mỹ vào khoảng 600 tỷ USD.
BIS là cơ quan quản lý thứ ba gần đây chú ý đến những rủi ro của việc các quỹ đầu tư phòng hộ đặt cược vào thị trường trái phiếu.
Vào tháng 8, Fed cũng từng lưu ý tới sự gia tăng về khối lượng giao dịch cơ bản, đồng thời cảnh báo về rủi ro bất ổn tài chính mà xu hướng này có thể gây ra.
Ủy ban Ổn định Tài chính, bao gồm các bộ trưởng tài chính, người đứng đầu ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý hàng đầu thế giới, trong tháng 9 cũng đã cảnh báo các quỹ phòng hộ có tổng giá trị đòn bẩy cao là rủi ro tiềm ẩn gây bất ổn thị trường.
Giao dịch cơ bản, thường được sử dụng bởi các quỹ phòng hộ, liên quan đến việc mua vị thế trên thị trường tiền mặt và bán vị thế trên thị trường tương lai thông qua các thỏa thuận mua lại. Bởi chênh lệch giữa tiền mặt và trái phiếu tương lai có xu hướng nhỏ, nên các quỹ phòng hộ thường thực hiện giao dịch với khối lượng lớn, nhưng lại sử dụng rất ít tiền mặt của họ, nhằm kiếm khoản lợi nhuận lớn.
Đòn bẩy đối với hợp đồng tương lai đang tăng lên, gấp 70 lần đối với trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm và 50 lần đối với trái phiếu kỳ hạn 10 năm, mặc dù vẫn thấp hơn mức được thấy ngay trước đại dịch COVID-19.
Trong hợp đồng tương lai, các nhà giao dịch thường sử dụng tiền ký quỹ để tăng giá trị vị thế của họ. BIS cảnh báo nếu thị trường diễn biến ngược với vị thế của các nhà đầu tư có đòn bẩy cao, họ có thể phải từ bỏ vị thế của mình, gây ra tình trạng bán tháo trên thị trường.
Kim Dung (Theo FT)
FILI
|