Dầu trồi sụt trong phiên đầy biến động
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên đầy biến động ngày thứ Năm (21/09).
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent lùi 23 xu xuống 93.30 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 3 xu còn 89.63 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng dầu đều tăng và giảm hơn 1 USD vào đầu phiên ngày thứ Năm.
Chính phủ Nga cho biết vào ngày thứ Năm đã tạm thời cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel sang tất cả các quốc gia ngoài vòng tròn 4 quốc gia thuộc Liên Xô cũ và có hiệu lực ngay lập tức nhằm ổn định thị trường nhiên liệu trong nước.
Sự thiếu hụt này sẽ buộc người người mua nhiên liệu của Nga phải mua hàng ở nơi khác, khiến giá các hợp đồng dầu sưởi tương lai vọt gần 5% vào ngày thứ Năm.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày thứ Tư (20/09) đã duy trì lãi suất không đổi, nhưng củng cố lập trường “diều hâu” của mình, dự kiến nâng lãi suất thêm 0.25 điểm phần trăm lên 5.50% - 5.75%.
Điều đó có thể làm trì trệ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu nói chung. Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2023, làm dầu và các hàng hoá khác trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua sử dụng những đồng tiền khác.
Bộ Lao động Mỹ cho biết số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng vào tuần trước. Các chuyên gia phân tích cho rằng đây là một yếu tố khác có thể khuyến khích lãi suất cao hơn.
John Kilduff, Đối tác tại Again Capital LLC, nhận định: “Lập trường của Fed và thị trường lao động mạnh mẽ đã khiến chứng khoán và các hàng hoá suy giảm, gây áp lực lên giá dầu”.
Ngân hàng Trung ương Anh quốc (BoE) tiếp nối Fed và giữ nguyên lãi suất vào ngày thứ Năm sau một thời gian dài nâng lãi suất, nhưng cho biết không xem lạm phát giảm gần đây là điều hiển nhiên.
Giá dầu vẫn được hỗ trợ bởi lo ngại nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu khi bước vào quý 4/2023. Dự trữ dầu thô tại Cushing, Trung tâm phân phối dầu WTI tại Mỹ, đạt mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022 khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh duy trì cắt giảm sản lượng.
An Trần (theo CNBC)
FILI
|