Làn sóng gen Z siêu giàu của Trung Quốc hồi hương khi căng thẳng với Mỹ leo thang
Suốt nhiều năm qua, Diễn đàn Trung Quốc của Đại học Harvard đã mang hàng loạt doanh nhân nổi tiếng tới tham dự, từ Jack Ma, đồng sáng lập Alibaba Group Holding Ltd., Lei Jun của Xiaomi Corp., Stephen Schwarzman của Blackstone Inc. cho tới Ray Dalio của Bridgewater Associates.
Theo lời mời của các sinh viên, một số người trong số họ là con của các tỷ phú Trung Quốc, tầng lớp giàu có của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hàng năm sẽ tụ họp tại diễn đàn trao đổi ý tưởng này. Ở đó, họ hy vọng sức mạnh của sự giàu có có thể hàn gắn những rạn nứt địa chính trị.
Những diễn đàn tương tự như vậy bây giờ ngày càng ít hơn. Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng đến mức ngay cả những người giàu nhất thế giới cũng chật vật để gắn kết hai bên lại với nhau. Chỉ một số ít giám đốc điều hành từ Trung Quốc đại lục đích thân đến Diễn đàn Trung Quốc năm nay ở Cambridge, Massachusetts. Trong số những sinh viên ưu tú từng giúp nâng cao vị thế của Diễn đàn Trung Quốc, nhiều người đang trở về quê hương.
Zhang, một người trong ban tổ chức diễn đàn gần đây, là con gái của nhà sáng lập của một trong những nhà bán lẻ lớn nhất Trung Quốc. Cô gái 25 tuổi này lớn lên ở Vịnh San Francisco với mẹ, trong khi cha cô ở lại Bắc Kinh. Vì vậy, tuổi thơ của Zhang trải qua hai nền văn hóa.
Nhưng vào năm 2020, cô quyết định tạm dừng hành trình của mình ở Mỹ. Cô cảm thấy Trung Quốc có nhiều thứ hơn để cống hiến. Cô nói: “Hiểu rõ hơn về xã hội, nền kinh tế và chính phủ Trung Quốc là điều cần thiết đối với thế hệ chúng tôi, đặc biệt là những người có mối liên hệ với Trung Quốc”.
Zhang không phải là người duy nhất có suy nghĩ như vậy. Alice Ho, con út của một ông trùm cờ bạc, hay Marco Ren, con trai của một ông trùm bất động sản ở Trùng Khánh, được giới truyền thông gắn mác thế hệ giàu có thứ hai, con cháu của những người giàu theo học tại các trường hàng đầu thế giới. Họ vẫn thường xuyên di chuyển giữa Trung Quốc và cái nôi trí tuệ của phương Tây để tích lũy vốn xã hội mà cha mẹ họ vẫn khó nắm bắt.
Nhìn chung, giới trẻ Trung Quốc ngày càng có xu hướng quay trở lại đại lục, tránh xin những công việc ở nước ngoài cũng như quyền công dân nước ngoài, thứ mà họ từng thèm muốn.
Theo Mạng Thông tin An sinh Xã hội và Nhân sự Trung Quốc, vào năm 2022, số sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp ở nước ngoài hồi hương đã tăng 8.6% so với một năm trước. Mặc dù số lượng người Trung Quốc du học ở nước ngoài ngày càng tăng, song hiện nay cũng có nhiều người chọn về nước. Tỷ lệ người trở về so với số người đăng ký học tại các trường đại học ở nước ngoài đã tăng từ 23% vào đầu thế kỷ này lên 82% vào năm 2019, thời điểm có hơn 580,000 sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài hồi hương.
Sinh ra trong thời kỳ hoàng kim của quan hệ Mỹ - Trung với xu hướng toàn cầu hóa ngày càng phát triển, Thế hệ Gen Z của Trung Quốc đang trưởng thành trong một thế giới rất khác như việc các nhà sản xuất chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh đang hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với ngành bán dẫn tiên tiến của nước này, Bắc Kinh thắt chặt luồng thông tin…
Sự tách rời của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đảo lộn cuộc sống của những sinh viên đầy tham vọng nhất Trung Quốc, những người hiện phải đối mặt với việc bị từ chối cấp thị thực ở nước ngoài và tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng ở quê hương.
Những người trẻ sống trong gia đình giàu có và có mối quan hệ rộng thường có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều người đang chọn quay lại Trung Quốc với mạng lưới an toàn và các nguồn lực kinh tế sẵn có.
Marshall Jen, cố vấn cấp cao của công ty tư vấn kinh doanh gia đình G. Li & Co. Jen, cho biết: “Thế hệ Gen Z hiểu được khó khăn khi ở Trung Quốc, nhưng họ cảm thấy sẽ có nhiều cơ hội hơn nếu họ cố gắng phát triển hoạt động kinh doanh của mình ở châu Á. Họ cũng không muốn đến châu Âu hay Bắc Mỹ”.
Kim Dung (Theo Bloomberg)
FILI
|