Không vội chạy theo tăng trưởng 'nóng' Đến thời điểm hiện nay, những gì được cho là khó khăn nhất, những chuyển biến tiêu cực nhất về cơ bản đã ở lại quý II và quý III, phía trước tình hình sẽ tích cực trở lại. Kinh tế TP.HCM nói riêng và Việt Nam (VN) nói chung chịu sự ảnh hưởng của các diễn biến kinh tế thế giới. Trong đó, bức tranh kinh tế toàn cầu thời gian qua tuy có khởi sắc nhưng vẫn còn gam màu tối khiến kinh tế VN không nằm ngoài vùng ảnh hưởng. Tình hình kinh tế - xã hội lạc quan trở lại Lấy ví dụ, sự ấm lên của thị trường Mỹ cùng với đồng USD đang được duy trì mạnh hơn tương đối so với các nền kinh tế khác mang lại một số tín hiệu tích cực cho kinh tế VN. Một mặt, điều này giúp cho một số ít địa phương có thể về đích ở chỉ số tăng trưởng nhờ vào hoạt động xuất siêu, ví dụ như Bình Dương, Đồng Nai… Tuy nhiên, vì nền kinh tế VN ngày càng có sự phân hóa rõ ràng giữa các địa phương nên thực tế trên cũng khiến một số địa phương khác (vốn không mạnh về xuất khẩu) chịu áp lực về tăng trưởng. Nguồn cung tín dụng - yếu tố quan trọng trong thúc đẩy hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng… tuy có tăng trưởng tốt hơn nhưng vẫn dưới mức kỳ vọng. Ảnh: NGUYỆT NHI | Bên cạnh đó, công tác điều hành chính sách tiền tệ cũng sẽ đối diện với thách thức. Theo đó, việc duy trì chi phí vốn thấp (lãi suất VND thấp) để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trên diện rộng sẽ trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh lãi suất đồng USD duy trì mức cao và có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Như vậy, triển vọng tăng trưởng trong các hoạt động sản xuất, dịch vụ, xuất nhập khẩu giai đoạn ba tháng cuối năm sẽ là những mảng màu sáng tối khác nhau theo địa phương, theo từng vùng. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể kinh tế VN nói chung và TP.HCM nói riêng trong suốt thời gian từ sau đại dịch đến nay, đặc biệt là năm 2023 thì có thể dự báo những gì khó khăn nhất, tiêu cực nhất đã nằm lại ở quý II và quý III vừa rồi. Với những chuyển biến có phần tươi sáng hơn của tình hình thế giới, các nền tảng mà chúng ta chuẩn bị được về thể chế (ví dụ Nghị quyết 98 của Quốc hội và nghị quyết của TP.HCM triển khai Nghị quyết 98), về hạ tầng (ví dụ các dự án giao thông, hạ tầng như đường vành đai 3), về đầu tư công (tốc độ giải ngân cao hơn)… thì có thể khẳng định triển vọng ở quý IV-2023 của kinh tế TP.HCM sẽ bắt đầu tích cực trở lại. Không nóng vội về “đột phá” tăng trưởng Về tăng trưởng, cần phải lưu ý: Sức khỏe của nền kinh tế TP nói riêng và VN nói chung chỉ vừa bắt đầu bình phục trở lại. Điều này giống như “người ốm nặng” vừa có “dấu hiệu khởi sắc” nên đừng vội nôn nóng, nghĩ ngay đến chuyện bứt phá tốc độ tăng trưởng. Nói như vậy để thấy TP.HCM hay nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước dù tăng trưởng tới đây sẽ tích cực hơn nhưng về đích với mức tăng trưởng cao ngoài dự kiến sẽ khó thành hiện thực. Điều này đúng với cả các địa phương được xem có sức khỏe và sự phục hồi nhanh, ví dụ như Bình Dương. Thứ nhất, nguồn cung tín dụng - yếu tố quan trọng trong thúc đẩy hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng… tuy có tăng trưởng tốt hơn nhưng vẫn dưới mức kỳ vọng vì nhiều yếu tố vĩ mô khác nhau. Một mặt, phải ghi nhận rằng Ngân hàng Nhà nước thực sự đã nỗ lực để đưa lãi suất về mức như hiện nay, theo đánh giá là tương đối thấp, để hỗ trợ nền kinh tế. Thế nhưng mức lãi suất hiện tại vẫn là “lãi suất ở ngưỡng bàng quan”. Theo đó, nếu mức lãi suất này giảm hơn nữa cũng khó có tính kích thích nhưng nếu duy trì mức này lâu dài thì tạo áp lực lên việc phải ổn định giá VND so với các đồng tiền khác đang có xu hướng mạnh hơn. Điều này rất phức tạp nhìn từ góc độ điều hành chính sách tiền tệ. Đáng nói hơn, việc ổn định giá trị VND so với các đồng tiền mạnh trên thế giới trở nên áp lực hơn vào giai đoạn này và có thể kéo dài đến cuối năm 2023. Nếu duy trì được sự ổn định này thì mới ổn định được các vấn đề liên quan như là nợ (cả khu vực công và khu vực tư) bằng ngoại tệ, tiền lãi theo các khoản nợ này… Trong sự giằng co này, các thị trường tài chính (tín dụng, chứng khoán…) đều có sự dao động nhất định. Cung tín dụng dự kiến có cải thiện rõ vào cuối năm nhưng thị trường chứng khoán thì vẫn tiếp tục giằng co. Ngoài ra, việc gỡ băng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản vẫn chưa thể hoàn thành. Chính phủ và chính quyền TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có các gói giải pháp về tài chính. Tuy nhiên, chúng ta cần thêm các giải pháp hành chính và pháp lý. Đối với hai thị trường này nên đưa giải pháp cho từng tình huống, từng dự án cụ thể mới có thể gỡ băng được và hiện chúng ta vẫn trông chờ và kỳ vọng vào vai trò của các tổ công tác đặc biệt của các cấp đã thành lập thời gian qua. Dù vậy, chúng ta cũng cần phân tích kỹ các yếu tố lợi thế trong quý IV-2023 để tối ưu hóa tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, có thể thấy cung tín dụng có sự cải thiện ở cuối quý III và dự kiến sẽ cải thiện tốt vào quý IV. Điều này không hoàn toàn nhờ vào yếu tố lãi suất, mà dựa vào yếu tố mùa, tức là hoạt động kinh tế thường ấm lên vào cuối năm hay dịp đầu năm mới với nhu cầu tiêu dùng, giải trí, lễ hội, du lịch… Không chỉ thị trường VN, một số thị trường đích đến của VN như Mỹ, châu Âu cũng ấm lên tương tự. Ngoài ra, việc TP.HCM đang tập trung cao độ triển khai Nghị quyết 98 đi vào thực tế, cùng với đó là các đề án về tái cấu trúc các khu công nghiệp, phát triển kinh tế xanh, tài chính xanh, triển khai nhiều dự án hạ tầng… sẽ tạo ra nền tảng quan trọng và lâu dài để thúc đẩy kinh tế TP phát triển theo đúng hướng. Việc này cần thời gian, sự quyết tâm cao độ từ lãnh đạo đến các sở, ngành; sự chung tay của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. TS PHẠM THỊ THANH XUÂN Pháp luật TPHCM
|