Kinh tế TP.HCM: 9 tháng vượt khó và những tín hiệu lạc quan Trước những khó khăn từ bối cảnh thế giới và trong nước, kinh tế TP.HCM chín tháng năm 2023 vẫn đạt các tín hiệu tích cực, tạo nền tảng tăng trưởng cho quý IV và năm 2024. Sáng nay (28-9), UBND TP.HCM dự kiến có phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội chín tháng đầu năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho quý IV. Trước thềm sự kiện này, Pháp Luật TP.HCM ghi nhận những chia sẻ của ThS Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TP.HCM (thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), về những giải pháp chủ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP trong thời gian tới. Những điểm sáng tăng trưởng . Phóng viên: Trước khi nói về kinh tế TP.HCM, xin bà cập nhật tình hình chung của kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam chín tháng năm 2023? + ThS Nguyễn Trúc Vân: Tăng trưởng kinh tế thế giới có dấu hiệu chững lại do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài, nhiều quốc gia thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm chống lạm phát. Ba nền kinh tế lớn của thế giới gồm Mỹ, châu Âu và Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 từ mức 3,5% xuống mức 3%; vào tháng 6-2023, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng điều chỉnh giảm tăng trưởng toàn cầu xuống còn 2,7%. Công nhân sản xuất tại một công ty trong Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG | Song song đó, các động lực tăng trưởng của cả nước là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều đang gặp khó khăn. Các tổ chức quốc tế cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo chiều hướng giảm. Gần đây nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 xuống mức 5,2%; trong khi OECD hạ dự báo con số này của Việt Nam chỉ ở mức 4,9%. . TP.HCM có độ mở của nền kinh tế cao, vì vậy sẽ chịu tác động từ thực trạng này. Trong bức tranh chung có phần tối màu, TP.HCM có đạt được điểm sáng? + Những khó khăn nói trên đã sớm được dự báo, ít nhất là từ cuối năm ngoái. Cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN), chỉ đạo quyết liệt của chính quyền TP trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, có thể thấy kinh tế TP trong chín tháng năm 2023 ghi nhận tín hiệu tích cực. Theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, một số trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP đạt được những điểm sáng quan trọng. Ở góc độ tổng cung, các chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP), trong đó có bốn ngành công nghiệp trọng yếu được cải thiện. Ngành du lịch duy trì mức tăng khá ổn định sẽ có tác động lan tỏa lớn tới nhiều ngành dịch vụ thị trường như vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, hoạt động nghệ thuật,vui chơi giải trí. Thị trường tiền tệ cũng có dấu hiệu tích cực cả về lãi suất và hạn mức cho vay đã và đang kích thích DN vay vốn, phát triển sản xuất. Nhìn về tổng cầu, có thể thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chín tháng năm 2023 cũng tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ. Điều này cho thấy cầu tiêu dùng hàng hóa giữ đà tăng trưởng qua các quý; kỳ vọng các tháng cuối năm sẽ tiếp tục giữ đà do tác động từ việc tăng lương cơ sở. Ngoài ra, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế TP là đầu tư công cũng chuyển biến tích cực. Tỉ lệ giải ngân trong chín tháng qua dù chưa đạt mục tiêu TP đặt ra nhưng cũng đã tăng 100,4% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 11.265,2 tỉ đồng). Bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài các dự án cấp mới đang có chiều hướng tăng với 860 dự án, tăng 51,7% so với cùng kỳ. Những giải pháp truyền thống . TP.HCM vẫn còn nhiều khó khăn, điển hình như thị trường tài chính, bất động sản vẫn còn nhiều thách thức; giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn so với kỳ vọng; khó khăn trong xuất khẩu kéo theo tình hình việc làm bị cắt giảm; cộng đồng DN vẫn còn đối diện với nhiều thách thức. Đâu là những giải pháp trọng tâm cho quý IV-2023 và là nền tảng cho năm 2024? + Tôi nghĩ có hai nhóm giải pháp chính. Thứ nhất là nhóm giải pháp củng cố động lực tăng trưởng truyền thống. Cụ thể, TP tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Theo đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất; kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư công; phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ từng dự án để đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh và giải ngân đầu tư công là một trong những cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo. Cạnh đó, cần kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua chương trình khuyến mãi, bình ổn giá… Liên kết giữa kích cầu thương mại và kích cầu du lịch, liên kết giữa các ngành để tạo sức mạnh bền vững; đẩy mạnh kênh mua sắm online; tổ chức các sự kiện văn hóa - xã hội (bao gồm cả các sự kiện liên quan đến giải trí như ca nhạc, thời trang, ẩm thực…) định kỳ thường xuyên hơn. Các hoạt động này thu hút không chỉ người dân TP.HCM mà cả khách du lịch. Tiếp đó là phục hồi niềm tin DN thông qua cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Điển hình là tăng cường liên kết giữa khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài và khu vực trong nước, trong đó cần đặc biệt chú ý tới các DN tư nhân trong nước quy mô lớn. Đây là nhóm DN có năng lực và nhiều tiềm năng hơn trong tiếp cận DN đầu tư trực tiếp nước ngoài cả trên góc độ chuyển giao công nghệ cũng như tham gia chuỗi giá trị mà đầu tư trực tiếp nước ngoài tại TP đang có. Ngoài ra, để các hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ hiệu quả, có thể thông qua hỗ trợ của Nhà nước cho các DN lớn hình thành các hệ sinh thái, mối liên kết với DN nhỏ. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, đột phá thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về các quy chuẩn không phù hợp (PCCC, quản lý chất lượng sản phẩm...). Tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Cuối cùng, TP cần chuẩn bị các kịch bản về an sinh xã hội, chuyển đổi số an sinh và trợ cấp xã hội. Quan tâm đến trợ cấp trẻ em và lương hưu xã hội nhằm đảm bảo tiêu chuẩn sống tối thiểu cho mọi người dân, giá thành thấp và điều này cũng sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng. Xây dựng kịch bản đào tạo nghề nhằm giải quyết việc làm cho người lao động trong trường hợp lao động bị cắt giảm nhiều. Và nhóm giải pháp kiến tạo . Nhóm giải pháp còn lại là gì, thưa bà? + Đó là nhóm giải pháp kiến tạo động lực tăng trưởng mới. Tôi nhấn mạnh phải tập trung và quyết liệt triển khai Nghị quyết 98 theo kế hoạch đề ra. Ngoài ra, chú trọng đến kinh tế xanh - chuyển đổi xanh vì đây sẽ trở thành một năng lực cạnh tranh mới của kinh tế TP. Theo đó, TP nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường... Chủ động tìm kiếm, tiếp cận nguồn vốn quốc tế thông qua các bộ, ngành đầu mối hoặc các định chế tài chính, quỹ tín thác tín dụng xanh... để tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh. Công bố danh mục các dự án xanh với đầy đủ thông tin… Từ đó lên kế hoạch huy động vốn bằng trái phiếu xanh do chính quyền hay DN phát hành. Tận dụng các ưu đãi từ Nghị quyết 98 để dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào Việt Nam, thông qua việc thúc đẩy giải pháp cải thiện cấu trúc của thị trường và kết nối thị trường trái phiếu xanh và thị trường carbon tự nguyện trong nước với khu vực. Hỗ trợ cho DN chuyển đổi năng lượng xanh, sản xuất xanh; hướng đến xuất khẩu xanh, đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu. Xây dựng khung chiến lược, khung hành động, bộ tiêu chí xanh tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. . Xin cảm ơn bà. Vẫn còn nhiều thách thức Thứ nhất, xuất nhập khẩu vẫn chịu tác động tiêu cực từ khó khăn của nền kinh tế thế giới do tổng cầu giảm mạnh tại một số thị trường đối tác chủ lực của TP. Thứ hai, trong những tháng cuối năm 2023, không kỳ vọng thị trường trái phiếu DN sẽ phục hồi trở lại mức tăng trưởng mạnh như những năm trước do áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn kéo dài cho đến cuối năm. Thứ ba, thị trường bất động sản vẫn còn những bất cập, mất cân đối về nguồn cung. Thứ tư, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu sự phối hợp đồng bộ; vẫn còn tình trạng phát sinh khối lượng, hạng mục; đầu tư từ khu vực tư nhân còn khá thấp. Thứ năm, tình trạng cắt giảm lao động do đơn hàng xuất khẩu có chiều hướng giảm. Việc này sẽ dẫn đến hệ lụy là nguy cơ chuyển dịch cơ cấu lao động sang khu vực phi chính thức, xuất hiện vấn đề di cư ngược, gia tăng gánh nặng an sinh xã hội. Cuối cùng, các DN vẫn tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn như khả năng chống chịu bị suy giảm sau thời gian ảnh hưởng của đại dịch; khả năng tiếp cận vốn vay, khả năng hấp thụ vốn và đáp ứng điều kiện vay vốn còn ở mức thấp; chi phí sản xuất đầu vào cao trong khi thị trường đầu ra khó khăn… | ĐỖ THIỆN thực hiện Pháp luật TPHCM
|