Ngành in, bao bì Việt được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm Theo Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam, từ đầu năm đến nay hiệp hội đón tiếp hàng trăm khách hàng Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… đến tìm hiểu thị trường để "đổ bộ" vào Việt Nam Ngày 27-9, tại trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) đã khai mạc triển lãm Quốc tế lần thứ 21 ngành công nghiệp bao bì và in ấn 2023 - VietnamPrintPack 2023. Sự kiện do VINEXAD, Công ty TNHH một thành viên Yorkers Exhibition Service Vietnam tổ chức với sự hỗ trợ từ Bộ Công thương, Hiệp hội In Việt Nam, Hiệp hội Bao bì Việt Nam, Hội in TP.HCM…. Triển lãm cơ hội để DN tiếp cận những xu hướng công nghệ mới cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác. | Theo ban tổ chức, năm nay sự kiện thu hút hơn 400 doanh nghiệp (DN) tiên phong trong lĩnh vực bao bì và in ấn đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Vương Quốc Anh, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Malaysia… và Việt Nam với hơn 910 gian hàng. Nhiều doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực in ấn và bao bì giới thiệu các sản phẩm dịch vụ mới tại triển lãm | Tại triển lãm, DN các nước giới thiệu những cải tiến mới nhất trong lĩnh vực in ấn số và thiết bị in ấn; trưng bày các sản phẩm, dịch vụ mới nhất trong ngành bao bì, in ấn như máy gấp-dán, máy cắt bế theo mẫu, máy sản xuất túi giấy và túi vải không dệt… Bà Judy Wang, Chủ tịch Công ty triển lãm Yorkers - Ban tổ chức cho biết, với sự phát triển của thương mại điện tử và sự tăng trưởng của thị trường trong nước, các công ty ngày càng nhận thức về sự cần thiết trong việc tạo dấu ấn tượng thương hiệu thông qua việc cải tiến bao bì, chất lượng sản phẩm. Do đó, triển lãm cơ hội để DN tiếp cận những xu hướng công nghệ mới cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác. Khách tham quan quan tâm tìm hiểu các loại máy móc ngành in ấn | Trao đổi bên lề tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam cho biết, năm nay không ngành hàng nào thoát khỏi xu thế chung của thế giới khi nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường đều giảm. Năm nay, ngành in Việt Nam giảm 10% nhưng không đáng ngại bởi DN tin tưởng nền kinh tế sớm phục hồi. Bên cạnh đó, thị trường in Việt Nam tiềm năng, được nhiều DN nước ngoài quan tâm. Máy ráp hộp cứng có nắp toàn tự động được giới thiệu tại triển lãm | Theo ông Dòng, từ đầu năm đến nay hiệp hội đón tiếp hàng trăm khách hàng Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… đến tìm hiểu thị trường để "đổ bộ" vào Việt Nam. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng đáng lo ngại vì ngành in Việt Nam sẽ cạnh tranh lớn với đối thủ nước ngoài. DN nước ngoài bên cạnh đầu tư xây dựng các nhà máy tại Việt Nam không loại trừ khả năng họ sẽ thôn tính các nhà in Việt Nam. Đơn cử năm năm trở lại đây có khoảng 10 DN in bao bì của Việt Nam bị DN nước ngoài mua lại và tiến trình này vẫn đang diễn ra. “Cách đây vài tháng có một công ty bao bì ở Hà Nội quyết định bán 80% cổ phần cho DN nước ngoài. Đây là xu thế khiến chúng tôi rất lo lắng ” - ông Dòng kể. Ngành in Việt Nam hiện có hơn 2.000 DN trong đó có trên dưới 400 DN nước ngoài nhưng chiếm thị phần lớn, đặc biệt là thị phần in xuất khẩu. Nếu DN Việt không nâng cao năng lực quản trị thì ngành in nội địa ngày càng đuối sức trong cuộc cạnh tranh với DN nước ngoài. | TÚ UYÊN Pháp luật TPHCM
|