Giải ngân gói 120.000 tỉ đồng chưa đạt 1%
Tính đến nay, mới có 3 dự án NOXH tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh được ký hợp đồng tài trợ tín dụng với số tiền giải ngân đạt 82,7 tỉ đồng.
Đây là số liệu do lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh diễn ra chiều nay 28-9.
Liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỉ đồng để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng chung cư cũ, lãnh đạo NHNN cho biế: Đến thời điểm hiện tại, ngân hàng BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 3 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh với số tiền giải ngân đạt 82,7 tỉ đồng.
Khó khăn pháp lý là rào cản lớn nhất đối với các dự án NOXH.
|
Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NHNN cho biết: Ngay từ đầu năm nay, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14 - 15%, cao hơn tăng trưởng các năm trước. Nhưng đến ngày 15-9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỉ đồng, tăng 5,56%.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đến cuối tháng 8 vừa qua, dư nợ tín dụng đạt trên 154.000 tỉ đồng, tăng 5,8% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn ngành là 5,56%). Trong đó, tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất tăng 8,87%, tiếp theo là ngành thương mại dịch vụ, tăng 4,63%.
Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm. Riêng dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản giảm 23,79%, trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản giảm 2,64%, dư nợ tín dụng bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng giảm mạnh 38,59%.
Thực tế cho thấy, không chỉ riêng tại tỉnh Bắc Ninh, dư nợ tín dụng bất động sản với mục đích vay tiêu dùng mới giảm mà tình trạng này diễn ra ở nhiều địa phương.
Để tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định. Đồng thời, xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản.
Toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn Bắc Ninh nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Nguyên nhân chủ yếu là do cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn và tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản.
"Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả. Tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống”, ông Hà nhấn mạnh.
THUỲ LINH
Pháp luật TPHCM
|