Thứ Sáu, 15/09/2023 10:35

Chuyên gia SSIAM: Việc nâng hạng thị trường ở FTSE Russell sẽ khả thi hơn MSCI

Chuyên gia SSIAM nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam còn 2 điểm nghẽn nâng hạng là vấn đề ký quỹ trước giao dịch và room ngoại. Với những quyết tâm hiện tại của UBCKNN cũng như các bên liên quan, những vấn đề trên sẽ được giải quyết trong thời gian tới, việc nâng hạng thị trường ở FTSE Russell sẽ khả thi, còn MSCI phải cần thêm thời gian do các quy định ở đây cao hơn.

Ông Bùi Văn Tốt - Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM)

Trong chương trình Gõ cửa tháng mới diễn ra chiều ngày 14/09, ông Bùi Văn Tốt - Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) đã có những chia sẻ về vấn đề nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông cho biết có hai vấn đề cốt lõi cần giải quyết để có thể nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ nhóm thị trường cận biên (frontier) lên thị trường mới nổi (emerging).

Thứ nhất là vấn đề ký quỹ trước giao dịch (prefunding). Theo Thông tư 120 của Bộ Tài chính quy định nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi thực hiện lệnh giao dịch. Trường hợp NĐT có tài khoản tại ngân hàng lưu ký và không có đủ tiền giao dịch, ngân hàng lưu ký phải xác nhận và đảm bảo việc thanh toán cho lệnh đó.

Tuy nhiên, ông Tốt cho biết Ngân hàng Nhà nước lại có quy định không cho phép các ngân hàng lưu ký cấp tín dụng cho NĐT nước ngoài để mua bán chứng khoán.

Do đó, thực tế hiện nay NĐT nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản để thực hiện lệnh giao dịch chứng khoán, điều này dẫn tới những bất lợi cho NĐT như nếu chuyển tiền sang Việt Nam không đúng thời gian có thể bị mất cơ hội mua, hay nếu các lệnh thực hiện không thành công thì NĐT nước ngoài vẫn phải trả những khoản phí chuyển đổi,... Đó là những rủi ro gây trở ngại cho NĐT nước ngoài.

Về giải pháp ngắn hạn, hiện có một số đề xuất đang được thảo luận như sửa đổi Thông tư 120, bỏ quy định NĐT nước ngoài cần phải có đủ 100% tiền trong tài khoản để thực hiện lệnh. Ủy ban Chứng khoán có thể cấp margin dựa trên tài sản đảm bảo của NĐT nước ngoài, nếu tài sản đảm bảo ở ngân hàng lưu ký thì công ty chứng khoán, khách hàng và ngân hàng lưu ký phải làm việc với nhau về tài sản đó.

Một giải pháp dài hạn hơn cho thị trường là vận hành mô hình đối tác thanh toán bù trừ trong đó khách hàng lưu ký cũng là thành viên bù trừ.

Thứ hai là vấn đề độ mở của thị trường đối với NĐT nước ngoài (room ngoại). Vị chuyên gia cho biết room ngoại tối đa tùy thuộc vào quyết định của từng công ty, miễn là phù hợp với quy định, điều này dẫn đến việc một số ngành, công ty vì lý do nào đó giữ mức room ngoại thấp hơn mức tối đa được cho phép.

“Ví dụ như nhiều ngân hàng có room ngoại tối đa thấp hơn 30%, họ đóng băng room đó lại để có thể phát hành cho các đối tác chiến lược khác trong tương lai. Hay như ngành bán lẻ hiện vẫn giữ mức room này ở 49% do việc mở cửa hàng mới của các công ty bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài sẽ khó khăn hơn nhiều so với các công ty nội địa", ông Tốt chia sẻ trong chương trình.

Về giải pháp, trong dài hạn cần phải đưa room ngoại lên tối đa cho đa số các ngành và chỉ giới hạn ở một số ngành thực sự cần thiết. Một giải pháp khác đang được bàn luận nhiều là sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (non-voting depositary receipt – NVDR), sản phẩm này đã được Thái Lan áp dụng thành công trong một giai đoạn dài.

"Với những quyết tâm hiện tại của UBCKNN cũng như các bên liên quan, những vấn đề trên sẽ được giải quyết trong thời gian tới, việc nâng hạng thị trường ở FTSE Russell sẽ khả thi, còn MSCI phải cần thêm thời gian do các quy định ở đây cao hơn", ông Tốt chia sẻ.

Vị chuyên gia cho biết cho biết việc nâng hạng thị trường sẽ mang lại tín hiệu rất tích cực cho thị trường chứng khoán. Việc nâng hạng sẽ dẫn tới sự thay đổi cả về lượng (thanh khoản thị trường tích cực hơn, đón làn sóng đầu tư từ NĐT nước ngoài) và chất (là thị trường minh bạch hơn hơn, các nền tảng thị trường phải tốt hơn).

"Việc nâng hạng từ frontier lên emerging thường diễn ra trong khoảng ba năm với ba mốc chính, bao gồm mốc đề xuất nâng hạng, sau đó một năm là công bố về việc nâng hạng, sau đó một năm nữa mới chính thức nâng hạng.

Giai đoạn một năm trước khi được đề xuất, độ mở của định giá P/E thị trường trung bình khoảng 10 - 15%. Trong giai đoạn từ đề xuất đến công bố, độ mở của P/E vẫn tăng nhưng với tốc độ chậm hơn. Sau thời điểm công bố thị trường có xu hướng đi ngang và không còn tăng nhiều. Đối với các công ty đơn lẻ nằm trong bộ chỉ số có độ mở P/E lớn hơn, khoảng 35% trong cả quá trình.

Về mặt dòng tiền, theo một thống kê từ năm 2021, các quỹ ETF và các quỹ chủ động sẽ đổ tiền vào Việt Nam từ 10 - 13 tỷ USD. Con số này có thể thay đổi trong tương lai tùy điều kiện cụ thể", ông Tốt cho biết.

Yến Chi

FILI

Các tin tức khác

>   Chuyên gia Dragon Capital mách nước nhóm cổ phiếu phải có trong danh mục (15/09/2023)

>   Góc nhìn 15/09: Hồi phục trong ngắn hạn? (14/09/2023)

>   Góc nhìn 14/09: Xu hướng tăng ngắn hạn bắt đầu suy yếu? (13/09/2023)

>   Góc nhìn 13/09: Có rủi ro đảo chiều? (12/09/2023)

>   SSI Research: VN-Index có rủi ro điều chỉnh ngắn hạn (12/09/2023)

>   Góc nhìn 12/09: Rủi ro giảm điểm ngắn hạn (11/09/2023)

>   Chứng khoán bị ảnh hưởng ra sao khi không còn được dùng robot đặt lệnh tự động? (11/09/2023)

>   Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Chạy tiếp sức (11/09/2023)

>   Góc nhìn tuần 11 - 15/09: Áp lực chốt lời gia tăng? (10/09/2023)

>   Yếu tố nào tác động đến PVS, DHA và QNS? (11/09/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật