Chứng khoán điều chỉnh sẽ hút vốn đầu tư từ vàng, trái phiếu và bất động sản
Khi lựa chọn điểm đến của dòng vốn đầu tư, thị trường chứng khoán (TTCK) sáng lên giữa u tối của các kênh đầu tư khác. Nguồn tiền vào TTCK Việt Nam nhìn chung “hưởng lợi” từ những khó khăn của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường vàng.
Lượng tiền lưu thông được điều tiết bởi Ngân hàng trung ương mang tác động sâu sắc đến tăng trưởng kinh tế, lạm phát và những nhịp tăng giảm TTCK ở mọi quốc gia. TTCK Việt Nam đã trải qua nhịp tăng dài hơi từ 873 điểm lên 1,257 điểm, tăng bền bỉ trong suốt 10 tháng qua. Những nhịp điều chỉnh giảm của VN-Index mặc dù được một bộ phận thị trường rất mong chờ nhưng thời gian qua chỉ xảy ra khá ngắn ngủi, với nhịp hồi mạnh và bất ngờ. Khi VN-Index thực sự đi vào điều chỉnh, sẽ thu hút được dòng vốn đứng ngoài thị trường mong chờ đã lâu và cả dòng vốn mới. Dòng vốn này không phải đến từ việc nới lỏng tiền tệ nữa, mà đó là dòng vốn di chuyển từ những kênh trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, vàng… là những kênh đầu tư có viễn cảnh chưa rõ ràng và có nhiều khó khăn chưa thể tháo gỡ trong ngắn hạn.
Về việc điều chỉnh cung tiền của Chính phủ, lượng tiền lưu thông theo chu kỳ kinh tế thường được nới lỏng vào những tháng sau giáng sinh, cận Tết nguyên đán do nhu cầu tiền mặt thường tăng cao. Thêm vào đó, cung đồng đô la Mỹ vào Việt Nam cũng thường tăng vào dịp Tết từ nguồn kiều hối. Do đó, việc ngừng nới lỏng cung tiền trước áp lực bung trần tỷ giá hối đoái vừa qua khả năng chỉ ngắn hạn trong tháng 10 và 11 năm nay. Lộ trình siết chặt cung tiền của Việt Nam cũng sẽ là quá trình dài hơi, tùy theo diễn tiến lạm phát trong nước, biến động tỷ giá mà có những điều chỉnh lên xuống nhẹ phù hợp, nhưng nhìn chung quá trình siết chặt cung tiền sẽ có tốc độ chậm hơn nhiều so với tốc độ nới lỏng vừa qua.
Về lựa chọn điểm đến của dòng vốn đầu tư, TTCK sáng lên giữa u tối của các kênh đầu tư khác. Nguồn tiền vào TTCK Việt Nam nhìn chung “hưởng lợi” từ những khó khăn của thị trường bất động sản (BĐS), trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), và thị trường vàng.
Bất động sản chỉ thu hút cầu mua sử dụng, khó thu hút cầu đầu tư
Thông thường, dòng tiền có thể đổ vào một trong bốn thị trường vừa nêu, hoặc phân bổ phù hợp vào từng kênh đó tùy theo chu kỳ của từng kênh. Nhưng hiện tại BĐS cũng đã lập đỉnh do giá cả đã leo cao mà tốc độ hạ giá thì chậm. Từ đó cung khó gặp cầu, và đây cũng là đặc điểm đặc trưng của thị trường BĐS bởi vì mỗi chu kỳ tăng giảm thường chậm và lâu hơn rất nhiều so với TTCK. Do đó, người ta hiếm thấy BĐS mất giá nhanh, mà thường chứng kiến những khó khăn của BĐS nằm ở chỗ giá vẫn neo cao nhưng không có thanh khoản nhiều năm.
Mặt bằng giá nhìn chung chỉ giảm sau một thời gian đóng băng lâu dài dẫn đến kiệt quệ tài chính thực sự. Do đó, lực cầu mua BĐS sắp tới vẫn đến từ những ai có nhu cầu mua để sử dụng, còn cầu mua BĐS để đầu tư và tích lũy tài sản sẽ ít hơn, một phần cũng do những chính sách của Chính phủ cũng không ủng hộ việc đầu cơ BĐS tác động tiêu cực làm giá cả tăng cao.
Trái phiếu doanh nghiệp ngắn hạn khó hồi phục niềm tin sau những tổn thương
Trái phiếu vừa qua gây ra khá nhiều “vết thương” cho nhà đầu tư khi bản thân nó thường được xem là kênh sử dụng để dòng vốn né tránh rủi ro.
Khoảng năm 2018-2020 nhu cầu TPDN tăng cao không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, khi ấy xôn xao bởi hiện tượng đường cong lãi suất đảo ngược, lãi suất trong dài hạn nghịch lý lại thấp hơn trong ngắn hạn. Với những lo ngại về kinh tế đi vào chu ky suy thoái đó, nhiều người đã né tránh rủi ro rót vốn vào kênh trái phiếu.
Dòng tiền “lo xa”, ngại rủi ro này rốt cuộc lại chịu nhiều rủi ro nhất khi cả TTCK, vàng, BĐS đều tăng phi mã bật đỉnh lịch sử trong suốt thời gian COVID-19, mà thị trường trái phiếu có lãi suất cố định thì lại chẳng thể có biến động nhiều về lợi tức. Hậu đại dịch thì thị trường này lại gặp sự cố đầu tiên khi hàng loạt doanh nghiệp phải điều đình về việc thanh toán lãi hoặc gốc trái phiếu do khó khăn từ đại dịch.
Ngày nay, việc thuyết phục dòng tiền tiếp tục đổ vào mua TPDN sẽ khó khăn, không ai muốn cho những doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vay vốn, nhất là phần bù rủi ro thì không tăng đủ cao để bù đắp nỗi rủi ro lớn thấy rõ. Vài năm nữa trôi qua không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày đáo hạn, khả năng tồn tại để thanh toán gốc và lãi trái phiếu của doanh nghiệp vẫn là một dấu chấm hỏi.
Vàng không còn hấp dẫn khi lạm phát được kiểm soát
Xuất phát từ nỗi lo lạm phát gia tăng, đồng tiền fiat mất giá do những chính sách nới lỏng tiền tệ hỗ trợ lạm phát diễn ra trên toàn cầu, giá vàng liên tục giữ ở tầm cao. Nhưng đến thời điểm hiện tại lạm phát nhìn chung đã được kiểm soát ở những nước phát triển, là khu vực có ảnh hưởng lớn đến giá vàng thế giới.
Mặc dù thế giới hậu COVID chia làm 2 nhóm, nhóm thứ nhất phổ biến hơn, nhất là ở nhóm những đất nước phát triển, nhóm này hậu COVID áp dụng chính sách siết chặt tiền tệ để chống lạm phát, đại diện nhóm này là Mỹ và các nước trong khu vực châu Âu. Ngân hàng trung ương của các quốc gia này cũng đã có dấu hiệu kiểm soát được lạm phát, và đã ngưng hoặc chỉ còn một vài đợt cuối siết chặt cung tiền.
Nhóm thứ 2 là nhóm nới lỏng tiền tệ hậu COVID, trong nhóm này không thể không kể đến Nhật Bản, và trong đó cũng có tên Việt Nam. Như một hệ quả tất yếu, khi nới lỏng tiền tệ sẽ gây áp lực lên tỷ giá hối đoái cũng như lạm phát trong nước nhưng TTCK thì thường có phản ứng tăng. Vì vậy mà khi 2 hệ lụy về lạm phát và tỷ giá hối đoái được ghi nhận ở mức cao thì chính sách sẽ khó có dư địa nới lỏng thêm và đồng thời cũng xảy ra nhịp điều chỉnh giảm cho TTCK.
Đối với Việt Nam, định hướng là một nền kinh tế mở, Chính phủ chú trọng thu hút dòng vốn FDI va FPI từ nhiều thập kỷ nay. Do đó, việc giữ chân dòng tiền cũng là một nhiệm vụ quan trọng không kém so với kiểm soát lạm phát. Khi hệ thống ngân hàng liên tục hạ lãi suất, đến một mức quá thấp, khi lãi suất hệ thống trong nước ngang hoặc thấp hơn các ngân hàng nước ngoài, sẽ có hiện tượng dòng vốn đảo ngược chảy sang nước khác và điều này sẽ là thiệt hại đáng kể cho hiệu quả kinh tế lâu dài cho Việt Nam.
Lấy Hàn Quốc ra minh họa cho điều này sẽ dễ sáng tỏ. Sau khi ký kết hiệp định VKFTA, gần 200 ngàn người Hàn Quốc đã chuyển sang làm ăn và sinh sống tại Việt Nam, những tên tuổi đóng góp lớn vào GDP Việt Nam bao lâu nay có lẽ ai cũng biết đến Samsung, và hàng loạt những nhãn hàng đến nay đã quá quen thuộc với người Việt như: Lotte, Huyndai, LG… Dòng vốn từ Hàn Quốc đã đổ vào Việt Nam cũng khá lớn, nếu lãi suất hệ thống ngân hàng trong nước ngang hoặc thấp hơn các ngân hàng Hàn Quốc thì dĩ nhiên người dân sẽ chọn ngân hàng Hàn Quốc cho kênh tiết kiệm. Bởi dù sao đi nữa, đối với người Hàn thì đồng Won của Hàn Quốc được tín nhiệm cao hơn so với tiền Đồng của Việt Nam. Tổn thất về dòng vốn này cũng sẽ là thử thách cho hệ thống ngân hàng Việt Nam khi chúng ta đang sử dụng chính sách nới lỏng tín dụng, và hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho nhiều ngân hàng lớn trong nước.
Việc chống lạm phát nhìn chung ở đa số quốc gia đều đang giảm dần, do đó giá vàng quốc tế sẽ khó có khả năng bật đỉnh lịch sử trong vài thập kỷ tới, trừ phi lại có một đại dịch hoặc biến cố mới xảy ra. Và như vậy vàng với vai trò là kênh rót vốn để né tránh lạm phát cũng không còn phát huy tác dụng, nhất là khi giá vàng nhìn về khía cạnh cung cầu giao dịch thì đã tăng cao nhiều và có xác suất điều chỉnh giảm trung và dài hạn. Dòng tiền không rót thêm vào kênh vàng cũng khó có lựa chọn nào tốt hơn là chứng khoán, nhất là khi TTCK là kênh được Chính phủ ủng hộ cũng như có tính thanh khoản ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Chứng khoán Việt sáng lên giữa các kênh đầu tư khi giữ được xu hướng tăng dài hạn
Tại Việt Nam, sự phát triển của TTCK 23 năm tuổi có nhiều chuyển biến tích cực cả về giá trị và thanh khoản. Sự tương thích với TTCK thế giới và tính logic với nhiều lý thuyết đầu tư đã khiến cho những biến động của thị trường ngày càng trưởng thành. Từ đó thu hút dòng vốn trong và ngoài nước. Minh chứng rõ về sự tương thông của TTCK Việt Nam và thế giới có thể thấy thông qua việc vừa qua Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) đã được kết nạp là thành viên chính thức của Liên đoàn các Sở Giao dịch Chứng khoán Thế giới (WFE).
Và một minh chứng thiết thực trong giao dịch thực tế nữa đó là trong phiên điều chỉnh giảm rất mạnh trên 3% của VN-Index thì dù lực bán của nhà đầu tư trong nước có tính chất hoảng loạn, trong khi lực mua của nhà đầu tư nước ngoài ở chiều ngược lại vẫn “lỳ đòn”. Từ đó, quá trình điều chỉnh thiết yếu của thị trường diễn ra vẫn lành mạnh, ai muốn bán vẫn bán được, ai muốn mua thì mua được, từ đó đảm bảo cho thanh khoản, một điều tưởng bình thường đối với chứng khoán, nhưng là một điều xa xỉ đối với thị trường BĐS và TPDN khi 2 kênh này rơi vào khó khăn.
Tựu trung lại, trước những khó khăn của thị trường BĐS và trái phiếu sẽ còn cần thêm thời gian dễ hóa giải, thì trong ngắn hạn nguồn vốn sẽ được thu hút bởi TTCK, điều này hỗ trợ cho TTCK Việt Nam trong việc giữ đáy trung và dài hạn sắp tới. Khi TTCK đi vào điều chỉnh ngắn hạn sẽ là cơ hội lựa chọn cổ phiếu tốt cho dòng vốn đứng ngoài thị trường bấy lâu nay, cũng như dòng vốn chuyển từ những kênh có viễn cảnh chưa rõ ràng như vàng, BĐS, TPDN. Đây cũng là một cơ hội phát triển cho TTCK Việt Nam nói chung và là cơ hội thu hút vốn của những doanh nghiệp niêm yết có một kế hoạch vượt qua suy thoái tốt, trình bày rõ ràng về hiệu quả sử dụng vốn để thu hút dòng vốn đầu tư.
Đinh Hạ Vân
FILI
|