Thứ Sáu, 22/09/2023 09:26

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Động thái phát hành gần 10,000 tỷ tín phiếu của NHNN để ổn định tỷ giá

Phát hành tín phiếu là biện pháp đỡ tốn kém nhất so với các biện pháp can thiệp tiền tệ khác.

Ngày 21/09/2023, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo về việc bán tín phiếu NHNN thông qua phương thức đấu thầu. Theo kết quả đấu thầu, NHNN đã phát hành 9,995 tỷ đồng tín phiếu với lãi suất trúng thầu đạt 0.69%/năm.

Người viết đã có dịp trao đổi với PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia tài chính ngân hàng về mục đích của việc phát hành tín phiếu của NHNN cũng như tác động đến chính sách tiền tệ Việt Nam trong thời gian tới.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia tài chính ngân hàng.

Thưa ông, việc NHNN phát hành gần 10,000 tỷ đồng tín phiếu có tác dụng hỗ trợ chính sách tiền tệ như thế nào?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Động thái phát hành tín phiếu có nghĩa là NHNN đang hút dòng tiền trên thị trường về. Mục tiêu chủ yếu là hút tiền trên thị trường trong bối cảnh đang thừa tiền, không cho vay ra được.

Việt Nam đang thực hiện việc hạ lãi suất, tăng đầu tư công, giảm thuế VAT…, những điều này làm cho chính sách tiền tệ mở rộng nhanh chóng, do đó lượng tiền trên thị trường rất nhiều. Ngoài việc bơm hút tiền bình thường ra, thì việc phát hành tín phiếu cũng là một trong những cách để NHNN rút bớt tiền trong xã hội.

Tín phiếu là phát hành ra thị trường nói chung, có thể ngân hàng thương mại chỉ là nơi trung chuyển, ngân hàng thương mại cũng có thể mua tín phiếu từ NHNN để hút bớt tiền trong nền kinh tế, giảm áp lực tiền tệ giữa VNDUSD cũng như áp lực về lạm phát. Lúc đó, không phải lo về tỷ giá VND/USD hay e ngại VND mất giá so với USD.

Còn so với các đồng tiền khác, hiện tại VND đã tăng giá trị hơn. Năm ngoái VND chỉ mất giá gần 3% so với USD, trong khi CNY (Nhân dân tệ của Trung Quốc) mất giá 7-8% và JPY (Yên của Nhật) có khi mất giá 30%, như vậy VND đang lên giá so với các đồng tiền khác.

Sau 8 tháng đầu năm, VND chỉ mất giá so với USD hơn 1.6%, như vậy có thể nói VND rất ổn định so với USD. Trong khi đó, lãi suất USD đã lên mức cao nhất trong vòng 22 năm mà lãi suất VND lại đang giảm mạnh. Về mặt lý thuyết, VND đáng lẽ phải giảm giá nhiều, trong khi Việt Nam lại đang giảm lãi suất, đầu tư công cần giải ngân ra thị trường 711,000 tỷ đồng, rõ ràng lượng tiền trên thị trường rất nhiều.

Và như vậy muốn giữ ổn định tỷ giá hối đoái, cân bằng tiền tệ thì phải có cách hút bớt đi, ngoài việc bơm hút bình thường thì phát hành tín phiếu để hút bớt tiền trong thị trường về NHNN, giảm áp lực tiền tệ, đồng thời tạo ra nguồn dự trữ cho ngân hàng trong điều kiện lãi suất đang thấp. Phát hành tín phiếu là biện pháp đỡ tốn kém nhất so với các biện pháp can thiệp tiền tệ khác.

Ông có thể nói rõ hơn về việc phát hành giúp cân bằng tỷ giá như thế nào?

Vì đang hút bớt VND ra khỏi lưu thông, như vậy tiền trên thị trường giảm bớt đi, làm giảm áp lực tỷ giá, VNDUSD cân bằng nhau.

NHNN vẫn kiên quyết giữ ổn định tỷ giá hối đoái bằng nhiều cách, nếu cần thiết thì can thiệp, bán ngoại tệ, nhưng tình hình hiện tại chưa đến mức phải can thiệp. Vì hiện nay ngoại tệ trên thị trường rất ổn định, xuất nhập khẩu đang hồi phục, đầu tư nước ngoài vẫn tăng, kiều hối về vẫn tăng, do đó ngoại tệ trên thị trường không thiếu để can thiệp. Chỉ có VND trên thị trường đang nhiều nên hút bớt về bằng cách phát hành tín phiếu có kỳ hạn.

Như vậy, từ nay đến cuối năm chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ vẩn giữ ổn định như hiện tại hay không?

Tôi khẳng định ngay chính sách tiền tệ vẫn sẽ ổn định như thế. Bởi vì NHNN cũng có thống nhất với Chính phủ, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định tiền tệ, giữ vững tỷ giá hối đoái, từ đó đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững.

Trên cơ sở đó, VND sẽ ổn định so với USD, nếu VND có biến động về giá thì chỉ tăng/giảm 2-3% so với đầu năm. Do đó việc phát hành tín phiếu chỉ là để điều chỉnh thị trường.

Việc Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vừa qua nhưng không loại trừ khả năng cao sẽ tăng trong cuộc họp tháng 11, vậy về gần cuối năm có ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ Việt Nam không?

Chính sách tiền tệ Việt Nam tương đối độc lập và điều hành theo thực tế của nền kinh tế Việt Nam, vì thế không thể biến động lớn.

Từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp và như vậy lãi suất cho vay còn có thể hạ thấp hơn nữa.

Ngay cả phía NHNN cũng có thể xem xét giảm tiếp lãi suất, nhưng hiện tại mức lãi suất điều hành của Việt Nam cũng đã khá thấp, nếu cần thiết chỉ có thể giảm khoảng 0.25%.

Xin cảm ơn ông!

* Ngày 21/09, NHNN phát hành gần 10,000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 22/09: VN-Index sẽ không có nhiều biến động quá lớn trong ngắn hạn? (21/09/2023)

>   Dự án đường dây 500 kV mạch 3: Kỳ vọng ổn định cung điện miền Bắc (21/09/2023)

>   Góc nhìn 21/09: Vượt hẳn 1,250 và hướng đến 1,300 điểm? (20/09/2023)

>   Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, chính sách tiền tệ Việt Nam sẽ ra sao? (20/09/2023)

>   Giải bài toán thừa tiền tại ngân hàng: Làm thế nào để cung gặp cầu? (21/09/2023)

>   Góc nhìn 20/09: Áp lực rung lắc ngày một tăng? (19/09/2023)

>   NHSV: Tỷ giá USD vượt ngưỡng 25,000 đồng mới tạo mối đe dọa đủ lớn tới TTCK (19/09/2023)

>   Góc nhìn 19/09: Xu hướng tăng được bảo lưu nếu giữ được hỗ trợ 1,190 (18/09/2023)

>   Góc nhìn tuần 18 - 22/09: Thị trường chưa xác định xu hướng rõ ràng? (17/09/2023)

>   Tiềm năng tăng giá của DHC, AST và HAX có khả quan? (18/09/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật