Thứ Hai, 07/08/2023 08:17

Vì sao Bộ Công Thương vẫn 'nói không' với điện mặt trời cho sản xuất?

Trong báo cáo mới nhất về dự thảo quyết định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục “nói không” với điện mặt trời cho sản xuất. Vì sao?

Theo thông tin từ VnExpress ngày 30-7, các bộ ngành khi góp ý đều muốn mở rộng phạm vi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không chỉ trên mái nhà ở, công sở, trụ sở doanh nghiệp mà còn mở rộng cho các công trình khác như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn. Các bộ ngành cũng đề nghị làm rõ khái niệm nhà ở trong khu vực nông thôn và bổ sung hộ nông dân có trang trại, nhà kho gắn liền với nhà ở, bến xe, cảng biển… được hưởng chính sách hỗ trợ lần này.

Các ý kiến đóng góp dựa trên thực tế quá trình lắng nghe phản hồi từ các chuyên gia và doanh nghiệp được các bộ ngành tập hợp, tuy nhiên Bộ Công Thương vẫn tiếp tục bảo lưu quan điểm cơ chế khuyến khích trong dự thảo lần này chỉ áp dụng với điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, không mở rộng cho các lĩnh vực sản xuất và thương mại dịch vụ.

Trên thực tế, đối tượng mà Bộ Công Thương nhắm tới để khuyến khích là nhà ở thì người dân không mấy quan tâm triển khai. Lý do rất đơn giản, ban ngày nhà dân tiêu thụ điện rất ít, điện làm ra sẽ bị bỏ phí. Ban đêm khi người dân ở nhà, nhu cầu dùng điện cao thì hệ thống điện mặt trời không hoạt động được. Muốn tích trữ điện sản xuất ban ngày để dùng ban đêm thì phải trang bị thêm bộ lưu trữ điện tốn từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, người dân không có nhu cầu đầu tư tốn kém như vậy.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đang có sẵn mái nhà rộng, có nguồn lực đầu tư nhưng lại chưa được phép. Việc xem điện mặt trời là một phần trong nguồn cung ứng điện tại chỗ quan trọng trong bối cảnh thiếu điện cho các ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ… đang được dự báo vẫn còn tái diễn là điều dễ hiểu.

Các doanh nghiệp cho rằng việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà hoàn toàn nằm trong khả năng của họ vì nhu cầu thiết thân của họ. Chẳng hạn, theo báo Bình Dương, Nhà máy bia AB InBev tại khu công nghiệp VSIP II-A ở tỉnh này đang vận hành hệ thống năng lượng mặt trời, sản xuất được hơn 840.000 kWh/năm, đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu điện sử dụng mỗi năm của họ.

Việc trang bị điện mái nhà tự sản tự tiêu cho sản xuất không chỉ giải quyết nhu cầu về điện mà còn giúp mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ đáp ứng quy định xanh hóa sản phẩm. Hiện các doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng xuất khẩu ở Việt Nam đang gặp khó khăn trong quá trình chuyển sang dùng năng lượng tái tạo để đáp ứng “chứng chỉ xanh” trong sản phẩm do các nước nhập khẩu quy định.

Ngành dệt may là lĩnh vực bắt đầu bước chuyển xanh hóa sản phẩm, song các doanh nghiệp vẫn rất chật vật khi muốn đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các khu nhà xưởng của chính họ. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh của họ, các doanh nghiệp Bangladesh, đang nhận đơn hàng rất nhiều nhờ đáp ứng tốt “chứng chỉ xanh”. Thế nhưng chiếc chìa khóa mà doanh nghiệp kỳ vọng mở cánh cửa xanh hóa là điện mặt trời tự sản tự tiêu thì đến thời điểm hiện nay vẫn chưa tìm được hướng ra.

Giải thích về điều này, Bộ Công Thương cho rằng, việc phát triển điện mặt trời mái nhà cho nhà xưởng, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn cần thời gian nghiên cứu, thẩm định. Việc này nhằm kiểm soát công suất phù hợp hệ thống, tránh gây áp lực lên lưới điện, phát triển ồ ạt.

Quan điểm của Bộ Công Thương không sai, vì điện mặt trời là loại năng lượng tái tạo kém ổn định nhất. Vì vậy, nếu để các doanh nghiệp tự do phát triển điện mặt trời để tự tiêu thụ thì ngành điện sẽ phải có thêm nhiều nguồn điện dự phòng hơn để đáp ứng nhu cầu vào buổi tối; đặc biệt là cần cả nguồn điện có thể huy động tức thời (thủy điện, nhiệt điện chạy dầu) để đáp ứng trong những lúc trời đột nhiên tắt nắng. Như vậy giá thành điện sẽ tăng và tất yếu giá bán điện phải tăng.

Dù vậy, triển khai năng lượng tái tạo cho sản xuất không chỉ để có thêm nguồn điện, có đơn hàng xuất khẩu mà còn để đáp ứng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp trông đợi Bộ Công Thương sớm hoàn tất các nghiên cứu, thẩm định việc triển khai điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu cho sản xuất để yên tâm với lộ trình xanh hóa sản xuất.

Mục Nhĩ

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Hai nhà máy thủy điện của Trung Nam Krông Nô lại đối mặt mức phạt (07/08/2023)

>   Lương người lao động ngành sản xuất giảm 30-50% (06/08/2023)

>   Thêm 1 cán bộ thuộc Cục Đăng ký đất đai bị bắt vì đưa hối lộ (05/08/2023)

>   Bộ Công Thương trả lời về tính khả thi khi EVN điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần (05/08/2023)

>   Hơn 9.800 tỉ đồng đầu tư 3,6km đường của dự án Vành đai 2 (05/08/2023)

>   EVN: Chỉ còn 6 dự án điện tái tạo chuyển tiếp chưa gửi hồ sơ đàm phán giá điện (05/08/2023)

>   Phó Thủ tướng trả lời về giải pháp kéo giảm chi phí logistic và xây dựng đường sắt kết nối cảng biển (05/08/2023)

>   Phó Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm sai phạm tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương (04/08/2023)

>   Điện mặt trời mái nhà 'loại trừ' khu công nghiệp: Khó hiểu, lãng phí (04/08/2023)

>   Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Vẫn còn nhiều rào cản (04/08/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật