Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Vẫn còn nhiều rào cản
Thực tế hiện nay, các cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo còn chưa đưa ra được định hướng lâu dài, nhiều chính sách còn bất cập, vốn đầu tư lớn nhưng rủi ro cao.
Những cột điện gió tại địa bàn huyện Bắc Bình, Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
|
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch điện VIII; trong đó phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.
Đây được xem là chìa khóa để Việt Nam thực hiện chuyển dịch năng lượng và trung hòa carbon. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây vẫn là câu chuyện dài khi nhiều rào cản còn ở phía trước.
"Bắt mạch" điện sạch
Năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng và là nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững. Tuy nhiên nhiều năm qua, sau thời điểm bùng nổ của điện mặt trời và điện gió, các dự án điện sạch gần như đã “đình trệ”.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Halcom Việt Nam cho hay giá điện các loại hình năng lượng tái tạo đã có mức giảm đáng kể.
Đơn cử như theo Quyết định số 21/2023/QĐ-TTg, với điện gió trên đất liền mức giá đã giảm 18%, chỉ còn 1.587 đồng/kWh; điện gió trên biển giá giảm 19,7%, chỉ còn 1.815 đồng/kWh; điện mặt trời mặt đất giảm 28%, còn 1.184 đồng/kWh…
Trong khi đó, các chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo chưa thực sự rõ ràng, như trong đàm phán hợp đồng mua bán điện, giá bán điện; chưa có các văn bản, quy định hướng dẫn cụ thể bước triển khai các dự án năng lượng tái tạo sau Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt.
Cùng đó, các chính sách ưu đãi hiện chưa hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này ảnh hưởng tới các nhà đầu tư khi chi phí đầu tư vẫn còn lớn.
Các vùng được đánh giá tiềm năng cao phần lớn nằm ở những khu vực chưa phát triển về hạ tầng khiến nhà đầu tư phải mất thêm chi phí để đầu tư vào hạ tầng (đường dự án, truyền tải)…
Trong khi đó, nguồn tài chính doanh nghiệp hạn chế, lãi suất cao, quy trình cấp vốn lâu với khoảng 30 loại giấy tờ; đặc biệt thời gian áp dụng giá ưu đãi ngắn gây khó khăn cho quá trình đàm phán vốn vay các dự án năng lượng tái tạo có công suất lớn, thời gian xây dựng dài, ông Dũng chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Hiệp hội Năng Lượng Việt Nam, có 3 thách thức lớn ảnh hưởng tới chuyển dịch năng lượng, gồm yếu tố giá bán điện trong tương lai có ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu phụ tải, tiết kiệm điện, hệ số đàn hồi.
Bên cạnh đó, quản lý nhu cầu nguồn năng lượng phân tán. Khi các nguồn điện nhỏ, tự sản tự tiêu không bị ràng buộc hạn chế, được phát triển nhanh và nhiều trong tương lai, điều này có thể ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu phụ tải và biểu đồ tiêu thụ.
Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa có diện tích 60ha, được lắp đặt 152.670 tấm pin mặt trời và giá đỡ (tương đương 5.089 giàn pin). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
|
Cuối cùng là khí và hydrogen xanh là 2 nguồn quan trọng nhất vào năm 2050. Ở giai đoạn chuyển dịch năng lượng, điều quan trọng đối với Việt Nam là phải có Chiến lược hydrogen Xanh.
Định hướng xây dựng Chiến lược hydrogen Xanh bao gồm xác định rõ vai trò của khí hydro trong ngành năng lượng Việt Nam, đảm bảo thực hiện hài hòa giữa phát triển năng lượng tái tạo và tiêu thụ khí hydro.
Chờ hành lang pháp lý
Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ thời gian qua đã tạo bước phát triển vượt bậc của năng lượng tái tạo. Từ mức công suất không đáng kể vào năm 2018, đến nay, tổng công suất các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo đã chiếm khoảng 30% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia.
Song theo ông Nguyễn Anh Tuấn, khung pháp lý đã cho phép các thành phần kinh tế được đầu tư lưới điện truyền tải, tuy nhiên chưa có các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện nên vẫn thiếu điều kiện để triển khai.
Thành phố Móng Cái có lợi thế tiềm năng biển đảo phù hợp với phát triển nguồn năng lượng tái tạo. (Ảnh: TTXVN phát)
|
Một mảnh ghép quan trọng còn thiếu của khung quy định cho ngành năng lượng là Luật Năng lượng tái tạo. Cần sớm nghiên cứu và ban hành Luật Năng lượng tái tạo chi tiết hóa, với vai trò chủ đạo cho việc chuyển dịch năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới.
Đặc biệt là cần cụ thể hóa trong luật các cơ chế chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và ổn định trong thời gian dài để đảm bảo cho việc chuyển dịch năng lượng bền vững và hợp lý.
Ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng các cơ quan chức năng cần có các chính sách ưu đãi, về giá, thuế suất và hỗ trợ nhà đầu tư trong viêc vay vốn thực hiện dự án năng lượng tái tạo… Đồng thời sớm hoàn thiện khung pháp lý gồm các văn bản hướng dẫn thực hiện Quy hoạch điện VIII, cơ chế ưu đãi, hợp đồng mua bán điện trực tiếp… cho các dự án để nhà đầu tư có cơ sở tính toán, chuẩn bị đầu tư.
Theo khuyến nghị quốc tế, các nước theo đuổi chiến lược phát triển carbon thấp sẽ có cơ hội cao hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực để phát triển kinh tế trong thế kỷ 21.
Thực tế hiện nay, các cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo còn chưa đưa ra được định hướng lâu dài, nhiều chính sách còn bất cập. Đầu tư các dự án có nhu cầu về vốn lớn, rủi ro cao nên các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại thường chưa sẵn sàng cho vay các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Việc còn thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho các công nghệ năng lượng tái tạo, điều này cũng gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư các dự án, cũng như cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Giá FIT cho các dự án được áp dụng chung, không phân biệt quy mô cũng dẫn đến bất cập, các dự án có quy mô lớn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn các dự án có quy mô nhỏ hơn nếu có các điều kiện tự nhiên tương tự.
Chuyên gia năng lượng Nguyễn Văn Vy cho rằng thị trường năng lượng tái tạo cần có các chính sách và thủ tục pháp lý rõ ràng để tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư. Các cơ quan quản lý cần đưa ra các chính sách với các điều kiện tạo ra môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được, giúp vượt qua các rào cản và đảm bảo dự đoán được dòng doanh thu của các dự án…/.
Đức Dũng
Vietnam+
|