Thị trường tiền ảo tuần qua: Lao dốc mạnh sau biên bản họp từ Fed, Bitcoin về 26,000 USD
Sắc đỏ lan rộng trên thị trường tiền ảo tuần qua sau khi biên bản họp tháng 7 báo hiệu Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất.
Tính tới sáng ngày 19/08, Bitcoin lao dốc xuống 26,000 USD, giảm hơn 11% so với cuối tuần trước. Còn đồng tiền ảo lớn thứ hai Ethereum sụt 10% xuống 1,660 USD.
Các đồng tiền ảo khác trong top 10 cũng lao dốc, với Dogecoin sụt 17%, Solana giảm 13%, Cardano và BNB lùi 10%.
Top 10 đồng tiền ảo
Nguồn: CoinMarketCap
|
Vì sao Bitcoin lao dốc?
Giá Bitcoin ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất trong hai tháng sau thông tin gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Country Garden nộp đơn bảo hộ phá sản theo chương 15 tại Mỹ. Ngoài ra, theo tờ Wall Street Journal, SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã định giá lại giá trị số Bitcoin công ty nắm giữ là 373 triệu USD vào năm 2022 và 2021, đồng thời bán ra một số Bitcoin.
"Đây là một trong những đợt bán tháo tàn khốc nhất mà chúng tôi từng thấy trong lịch sử Bitcoin", Ryan Rasmussen, nhà nghiên cứu tại Bitwise Asset Management, chia sẻ với CNBC. "Suy đoán hiện tại là một đợt bán tháo do Elon Musk/SpaceX tạo ra".
Năm 2022, hãng xe điện Tesla của Elon Musk thông báo rằng đã bán khoảng 75% số Bitcoin nắm giữ. Ông Musk trước đó từng là người ủng hộ mạnh mẽ cho tiền ảo.
Theo CoinDesk, các nhà giao dịch chuyên nghiệp cho rằng cấu trúc thị trường và những đợt thanh lý là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm đột ngột của Bitcoin. Đồng thời, thị trường trong giai đoạn vừa qua tương đối kém thanh khoản và đi ngang - một điều kiện lý tưởng cho những biến động đột ngột.
Trước đó, đồng Bitcoin đã chịu áp lực sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ban hành biên bản cuộc họp chính sách tháng 7.
Fed: Cuộc chiến chống lạm phát còn lâu mới chấm dứt
Tại cuộc họp tháng 7/2023, các quan chức Fed đã nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 5.25%-5.5% và thị trường kỳ vọng đây là lần nâng lãi suất cuối cùng của chu kỳ này.
Tuy nhiên, các cuộc trao đổi nội bộ của Fed cho thấy phần lớn thành viên lo ngại cuộc chiến chống lạm phát còn lâu mới kết thúc và có thể cần thêm các đợt thắt chặt chính sách trong tương lai.
“Khi lạm phát vẫn cao hơn nhiều mức mục tiêu dài hạn của Ủy ban và thị trường lao động vẫn trong tình trạng thắt chặt, hầu hết quan chức đều nhận thấy rủi ro đáng kể với lạm phát, điều này có thể buộc Ủy ban phải thắt chặt chính sách hơn nữa”, trích trong biên bản họp tháng 7/2023 của Fed.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed ghi nhận áp lực lạm phát từ một số lĩnh vực và nhấn mạnh rằng quyết định lãi suất trong tương lai sẽ phục thuộc vào những dữ liệu sắp tới.
“Về triển vọng chính sách, các thành viên cho rằng việc duy trì lập trường chính sách tiền tệ đủ thắt chặt để mang lạm phát về mục tiêu 2% theo thời gian là rất quan trọng”, trích tự biên bản họp.
Ngoài ra, giới chức Fed đã bày tỏ lo ngại về thị trường bất động sản thương mại.
Họ đã đề cập đến “những rủi ro liên quan đến khả năng định giá của bất động sản thương mại giảm mạnh, từ đó có thể ảnh hưởng xấu đến một số ngân hàng và định chế tài chính khác, như bảo hiểm, có phần lợi ích từ thị trường này”.
Về phần chính sách tương lai, các thành viên nhấn mạnh tới rủi ro từ hai phía: Nới lỏng quá nhanh có nguy cơ đẩy lạm phát lên cao hơn, trong khi thắt chặt quá mức có thể đẩy kinh tế vào suy thoái.
Thiên Vân
FILI
|