Thứ Bảy, 12/08/2023 08:16

Nỗi lòng Huyền Trân

Trên đường thiên lý Bắc- Nam, đoạn Quốc lộ 1 giao nhau với Quốc lộ 9 đi về hướng Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị), có một bảng chỉ dẫn: “Miếu thờ bà Huyền Trân Công Chúa 500 mét”. Một đoạn đường ngắn từ ngã ba Quốc lộ 9 đi vào, có nhiều ngôi nhà thờ họ quy mô và cổ kính, nhưng không biết miếu thờ Huyền Trân ở đâu. Đành phải hỏi thăm vậy! Và rồi, ở xóm Chùa, làng Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị- nằm ven bờ phía bắc Bàu Đá là miếu thờ công chúa Huyền Trân nhỏ bé, khiêm nhường. Theo sử sách, năm 1306, công chúa Huyền Trân vâng lệnh vua cha Trần Nhân Tông đi lấy vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý. Tương truyền, đoàn tùy tùng của công chúa Huyền Trân đã dừng lại ở đây, nơi cực nam của Đại Việt, trước khi hành trình tiếp vào đất Chiêm Thành.

Công chúa Huyền Trân trong tâm thức người Việt

Sách “Khâm Định Việt sử thông giám cương mục”, ghi: “Bính Ngọ, năm thứ 14 (1306). Tháng 6, mùa hạ. Gả Huyền Trân công chúa cho Vua Chiêm Thành là Chế Mân, Chế Mân đem dâng đất châu Ô và châu Lý. Trước đây, Thượng hoàng đi du lịch đến một địa phương, nhân tiện sang chơi Chiêm Thành, hẹn gả con gái cho chúa Chiêm. Sau Chế Mân sai bầy tôi là bọn Chế Bồ Đài đệ tờ biểu dâng vàng, bạc, kỳ hương và các vật phẩm lạ để xin cưới. Quần thần trong triều đều nói là không nên gả, chỉ có Văn Túc vương Đào Thái chủ trương nên gả và Trần Khắc Chung tán thành. Chế Mân lại xin đem châu Ô, châu Lý để làm lễ cưới, lúc ấy ý vua mới quả quyết cho Huyền Trân công chúa về với vua Chiêm”.

Sử sách chỉ ghi mấy dòng như thế nhưng bao nhiêu nỗi niềm còn âm vọng qua trùng điệp thời gian. Cái ngày mùa hạ cách đây 710 năm, đoàn ngựa kiệu đưa Huyền Trân từ Thăng Long vào đất Chiêm Thành đã dừng ở bến sông này. Sông xưa, qua bao biến đổi bể dâu, giờ chỉ còn là bàu nước cạn. Ông Hà Xuân Anh, sinh năm 1950, người đã hơn 30 năm trông coi, hương khói miếu thờ Huyền Trân, cho biết: Theo lời kể của các bô lão làng Kim Đâu thì miếu thờ công chúa Huyền Trân có cách đây gần 700 năm, sau khi công chúa xuống thuyền vào đất Chiêm. Miếu ngày xưa rất to, xây bằng gạch theo lối vòm cuốn thành ba tầng, mái lợp ngói liệt có đường cổ diêm; trước miếu có tam quan, sân gạch; trước nữa là một con đường rợp tre trúc, ngoài kia là bến sông... Miếu thờ đó đã bị bom đạn thời chiến tranh phá hủy. Ông Nguyễn Văn Thảo, trưởng thôn Kim Đâu, cung cấp thêm cho chúng tôi thông tin: năm 1978, dân làng Kim Đâu góp sức xây dựng lại ngôi miếu thờ, chỉ là một nơi để hương khói, thờ phụng, đơn sơ mộc mạc. Năm 2009, ngôi miếu bị xuống cấp. Năm 2010, nhân một chuyến vào công tác tại Quảng Trị, khi về thăm miếu Huyền Trân công chúa, ông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải lúc bấy giờ đã kêu gọi các đơn vị trong ngành giao thông vận tải quyên góp, xây dựng lại miếu như ngày nay. Ngôi miếu nhỏ bé, đơn sơ trên khuôn viên rộng chỉ vài trăm mét vuông, lát gạch Bát Tràng, có thành xây quanh, cửa vào bỏ ngỏ, có bình phong lớn đắp lân. Ông Hà Xuân Anh nói với tôi với vẻ thành kính: Hàng năm, dòng họ Trần ngoài Bắc đều vào đây thăm và cúng lễ, nhất là vào dịp giỗ bà Huyền Trân, nhằm ngày 24/11 âm lịch.

Có điều thú vị, đối diện bên kia Bàu Đá, đối xứng với miếu thờ Huyền Trân công chúa là một cái giếng Chăm rất đẹp, với những thanh đá được đục mộng lắp ghép như hàng mộc. Giếng Chăm vẫn còn được lưu giữ cùng với miếu thờ Huyền Trân như chứng tích tấm lòng của công chúa vương triều Đại Việt với đất Chiêm Thành. Đây là dấu tích thể hiện sự giao thoa, tiếp biến văn hóa Chăm Pa- Đại Việt trong quá trình phát triển của lịch sử mảnh đất này.

Huyền Trân công chúa về nhà chồng cũng là lúc hai châu Ô, Lý được sáp nhập vào lãnh thổ quốc gia Đại Việt. Địa giới hành chính hai châu được hoạch định từ Cửa Việt (phần phía nam của tỉnh Quảng Trị ngày nay) đến tận tỉnh Quảng Nam. Sau này, vùng đất hai châu Ô, Lý được đổi tên thành hai châu Thuận, Hóa. Tương truyền, sau khi dừng chân ở vùng đất phía nam của Đại Việt, công chúa Huyền Trân xuống thuyền ở sông Cam Lộ, theo đường thủy đi ra Cửa Việt vào nam. Từ đó, sông Cam Lộ được đổi tên thành sông Hiếu để ghi nhận tấm lòng hiếu nghĩa của công chúa Huyền Trân...

Ông Hà Xuân Anh bên miếu thờ Huyền Trân công chúa

Trời chiều cuối năm, mưa lây phây, gió lạnh. Tôi vào miếu thắp hương vọng tưởng công chúa Huyền Trân, rồi ra đứng ở bậc thềm bên Bàu Đá và tự hỏi: Một ngày mùa hạ cách đây 710 năm, lúc dừng lại ở đây, trước khi về nhà chồng, chắc Huyền Trân công chúa cũng đã có những buổi chiều đứng lặng bên dòng nước này? Người đời đã ghi công sự hy sinh lớn lao của nàng: “Hai châu Ô, Lý vuông nghìn dặm/ Một gái thuyền quyên đáng mấy mươi”. Còn nàng, nàng nghĩ gì, hỡi Huyền Trân? “Vì lợi cho dân/ Tình đem lại mà cân”. Trong sương chiều bảng lảng mặt nước Bàu Đá, tôi như nghe thổn thức điệu Nam bình: “Nước non ngàn dặm ra đi/ Mối tình chi/ Mượn màu son phấn/ Đền nợ Ô, Ly/ Xót thay vì/ Đương độ xuân thì/ Số lao đao hay duyên nợ gì?”.

Nhà văn Nguyễn Linh Giang - Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh

FILI

Các tin tức khác

>   Người Mỹ phải tiết kiệm 75 năm mới đủ tiền theo học đại học top đầu (08/08/2023)

>   Không phải trà mãng cầu, đây mới là thức uống kiếm bộn tiền (06/08/2023)

>   Du lịch Hà Nội thu hơn 600 tỷ trong 2 đêm diễn của nhóm BlackPink (05/08/2023)

>   TP HCM: Một người mất tiền oan còn bị đòi... bồi thường 500.000 USD! (05/08/2023)

>   Bát phở dát vàng, giá gần 4 triệu đồng đắt nhất Việt Nam có gì đặc biệt? (05/08/2023)

>   Đất có Thổ công… (05/08/2023)

>   Phí môi giới dần về "zero", cửa rộng cho nghề cố vấn đầu tư (04/08/2023)

>   Xổ số Vietlott loại hình Mega 6/45 giá trị hơn 40 tỷ đồng đã ''nổ'' tối 2/8 (03/08/2023)

>   Cục Hàng không: Hành khách được làm thủ tục bay bằng VNeID tại tất cả sân bay từ 2/8 (01/08/2023)

>   Chính phủ yêu cầu không tăng học phí năm học 2023 - 2024 (01/08/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật