Những người yêu nghề chứng khoán
Sau nhiều thăng trầm, người ta mới nhận thấy thị trường không chỉ màu hồng mà có những khắc nghiệt đủ khiến người ta dừng bước. Tuy vậy, khó có nghề nào mang lại nhiều hưng phấn như chứng khoán.
23 năm hình thành và phát triển có thể không phải là một khoảng thời gian không dài so với lịch sử của thị trường chứng khoán thế giới, tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã dần phát triển và định hình vai trò của mình với nền kinh tế nước nhà.
Cách đây 23 năm, ngày 28/07/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM (sau này là Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM - HOSE) chính thức đi vào hoạt động với hai mã cổ phiếu giao dịch đầu tiên là REE và SAM. Tới nay, thị trường chứng khoán đã có hơn 1,600 mã chứng khoán; thanh khoản có nhiều phiên lên tới hàng tỷ USD. Mục tiêu đến tuổi tam tuần thị trường chứng khoán Việt có thể hội nhập quốc tế, hướng tới trình độ phát triển của 4 nước dẫn đầu ASEAN.
Sự phát triển của thị trường in hằn dấu chân của những người làm nghề chứng khoán: Môi giới, chuyên gia phân tích, cơ quan quản lý, đơn vị cung cấp dữ liệu…, những người vẫn được gọi vui là “công nhân chứng khoán”.
Sau 23 năm, nhiều người đến và đi nhưng vẫn luôn có người ở lại đồng hành cùng thị trường chứng khoán. Chứng khoán trở thành một sợi dây liên kết rất nhiều con người với nhau.
Hàng năm cứ tới ngày 28/07, những người lâu năm trong nghề lại tổ chức một buổi kỷ niệm thân mật. Đó là dịp để những người anh em, bạn bè ngồi lại cùng nhau ôn lại kỷ niệm, để chia sẻ về những niềm vui, nỗi niềm thị trường chứng khoán mang lại. Hiếm có dịp để những người gần như đi hết chiều dài của thị trường tụ họp đông đủ như vậy.
Lễ kỷ niệm 23 năm thị trường chứng khoán với chủ đề “Nhận diện cơ hội, kiến tạo thành công” tổ chức ngày 28/07/2023
|
Trong lễ kỷ niệm 23 năm thị trường chứng khoán với chủ đề “Nhận diện cơ hội, kiến tạo thành công”, vừa diễn ra tại TPHCM, người chủ trì buổi lễ - ông Huỳnh Anh Tuấn (đang là Tổng Giám đốc CTCK Ngân hàng Đông Á) chia sẻ, thị trường chứng khoán đã đi qua giai đoạn dài, có nhiều lúc thăng hoa nhưng cũng có lúc biến động tiêu cực.
“Hy vọng rằng những người đã gắn bó với thị trường chứng khoán những ngày đầu tiếp tục yêu nghề mà ở lại với thị trường”, ông Tuấn bộc bạch.
Buổi kỷ niệm còn có ông Lê Nhị Năng - Vụ trưởng - Trưởng đại diện văn phòng Ủy ban Chứng khoán TPHCM và bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam chi nhánh TPHCM cùng nhiều lãnh đạo tại các công ty chứng khoán và Vietstock tham dự.
Nhiều người trẻ, môi giới mới bước chân vào nghề cũng có mặt để giao lưu, chia sẻ.
Người viết cũng may mắn được gặp gỡ với nhân vật tham gia thị trường từ lúc 1997 - thời điểm giao dịch chủ yếu trên OTC, trước khi sàn HOSE chính thức ra đời với biệt danh “Hoàng Dược Sư”. Ông kể rằng, ngày đó nhóm ông gồm 5 người (bên cạnh "Trung Thần, Nam Đế, Tây Độc và Bắc Cái") thường ngồi ở quán cà phê Bố Già để luận chuyện đầu tư thị trường chứng khoán. Giờ đây, sau 23 năm, các nhà đầu tư kỳ cựu này vẫn tham gia trên thị trường và chưa có ý định dừng lại.
Buổi kỷ niệm là dịp để những người gần như đi hết chiều dài của thị trường tụ họp
|
Chứng khoán là nghề lắm thăng trầm, bữa tiệc vui nào cũng có lúc tàn và chu kỳ tăng giá nào rồi cũng đến hồi kết.
Thị trường chứng khoán cũng chứng kiến nhiều lần thay máu. Những lúc thị trường đi lên, nhà đầu tư ồ ạt tham gia, người làm nghề chứng khoán cũng sẽ tăng lên. Những khi khó khăn, chứng sĩ rời bỏ, nhiều môi giới phải bỏ nghề.
Sau những thăng trầm, người ta mới nhận thấy thị trường không chỉ màu hồng mà có những khắc nghiệt có thể khiến người ta dừng bước.
Tuy vậy, khó có nghề nào mang lại nhiều hưng phấn như chứng khoán. Thị trường có lúc này lúc kia, nhưng "sau cơn mưa, trời lại sáng", miễn sao vẫn giữ cho mình sự đam mê, nhiệt huyết thì chứng khoán vẫn là "mỏ vàng", chỉ chờ cơ hội để khai thác.
Không ít người nhận xét, chứng khoán là một nghề đặc biệt về mặt cảm xúc. Sống trong một thị trường biến động mỗi ngày, một môi trường đầy cơ hội nhưng cũng đầy cám dỗ, một thị trường không thiếu sự thăng hoa nhưng cũng không ít trắc trở, khiến tình cảm, cảm xúc trong nghề được đẩy lên đến giới hạn.
Tình đồng nghiệp cũng tương tự như vậy, thân thiết và gắn kết đến lạ thường. Trải qua sóng gió chứng khoán cùng nhau nên không chỉ dừng ở mối quan hệ đồng nghiệp, mà họ xem nhau như những người anh em thân thiết.
Mặc dù vậy, nghề chứng khoán từ trước đến nay đôi khi rất bạc, khó tập hợp và dễ tan rã. Nhưng sẽ luôn có những người yêu mến, gắn bó với nghề và những anh em đồng hành trong nghề.
Sau 23 năm hoạt động và phát triển, thị trường chứng khoán ngày càng mở rộng, nghề chứng khoán ngày càng khẳng định giá trị của mình, đặc biệt là khi kinh tế Việt Nam đang hưởng lợi từ chiến lược xoay trục của dòng vốn đầu tư quốc tế. Thị trường sẽ có những thăng trầm, chúng ta nên học cách chấp nhận, vượt qua khó khăn. Những ai yêu chứng khoán, yêu quý nghề, tạo giá trị cho cộng đồng đầu tư chắc chắn sẽ gặt hái được quả ngọt.
Chí Kiên
FILI
|