Thứ Ba, 18/07/2023 08:16

Đội quân nhà đầu tư 'con kiến' của Hàn Quốc chiến thắng các quỹ phòng hộ

Đội quân các nhà đầu tư nhỏ lẻ, hay còn gọi là nhà đầu tư “con kiến”, đã đẩy giá cổ phiếu của EcoPro, nhà sản xuất vật liệu cực âm pin xe điện lớn nhất thế giới của Hàn Quốc, tăng 833% trong năm nay. Đà tăng giá dựng đứng của cổ phiếu này buộc các quỹ phòng hộ bán khống phải cắt lỗ.

Cổ phiếu của EcoPro, nhà sản xuất vật liệu cực âm pin xe điện lớn thế giới, tăng hơn 800% trong năm nay, lên mức gần 1 triệu won (790 đô la Mỹ). Ảnh: Korea Posts

Trong năm nay, các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua ròng 3.100 tỉ won (2,45 tỉ đô la Mỹ) cổ phiếu của EcoPro và công ty con EcoPro BM. Cơn sốt mua cổ phiếu này tương tự như cơn sốt “cổ phiếu meme” ở Mỹ khi các nhà đầu tư nhỏ sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Reddit hô hào mọi người mua vào những cổ phiếu bị các quỹ lớn hắt hủi và bán khống.

Mức tăng giá 833% của cổ phiếu EcoPro trong năm nay diễn ra giữ lúc nhà đầu tư lớn bao gồm các quỹ phòng hộ tăng cường các vị thế bán khống vì đặt cược rằng cổ phiếu này sẽ giảm giá. Các vị thế bán khống cổ phiếu EcoPro đã tăng từ 54 tỉ won vào đầu năm lên 1,3 nghìn tỉ won, theo dữ liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc. Trong khi đó, cổ phiếu EcoPro BM đã tăng giá khoảng 200% từ đầu năm đến nay.

Nhưng các nhà đầu tư nhỏ lẻ Hàn Quốc, những người tự gọi mình là “con kiến” vì khả năng hoạt động như một tập thể mạnh mẽ, vẫn tiếp tục mua cổ phiếu của hai công ty này.

Được thúc đẩy từ lời kêu gọi của những người nổi tiếng trên YouTube, bao gồm Park Soon-hyuk, cựu lãnh đạo của một công ty hóa chất, người có biệt danh “Mr Battery”, giới đầu tư bán nhỏ lẻ phớt lờ những cảnh báo cho rằng cổ phiếu của EcoPro và EcoPro BM đã ở mức định giá quá cao.

Chan Lee, đối tác quản lý tại Petra Capital Management, một quỹ phòng hộ có trụ sở tại Seoul, cho rằng EcoPro và EcoPro BM “là những cổ phiếu meme điển hình”.

“Chúng đã trở nên quá đắt ngay cả khi bạn tính đến tiềm năng phát triển trong tương lai của chúng”, Chan Lee nói.

Lợi nhuận hoạt động của EcoPro tăng gấp 7 lần, từ 86 tỉ won vào năm 2021, lên 613 tỉ won (484 triệu đô la Mỹ) vào năm ngoái. Nhưng tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E) của cổ phiếu EcoPro đã lên mức gần 700 lần, cao hơn hẳn so với mức P/E của những đối thủ sản xuất vật liệu pin trong nước, 267 lần của Posco Future M, 166 lần của LG Energy Solution, và 31 lần của L&F.

Đội quân nhà đầu tư nhỏ lẻ đang đặt cược rằng, các nhà sản xuất pin và sản xuất vật liệu pin của Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi từ thị trường xe điện đang bùng nổ và chương trình trợ cấp mang tính bước ngoặt của chính phủ Mỹ cho năng lượng sạch.

Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ yêu cầu các công ty hạn chế sử dụng các linh kiện và vật liệu của Trung Quốc trong công nghệ xanh để đủ điều kiện nhận các khoản tín dụng thuế hào phóng. Đối với các công ty pin và vật liệu pin Hàn Quốc, quy định này có khả năng loại bỏ sự cạnh tranh của các đối thủ Trung Quốc tại thị trường Mỹ.

Nhưng tháng trước, các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo, thị trường vật liệu cực âm toàn cầu có thể thừa cung trong thập niên tới. Họ khuyến cáo nhà đầu tư bán cổ phiếu của EcoPro BM và Posco Future M.

“Đây là một lĩnh vực tăng trưởng nóng và thu nhập của các công ty liên quan đang cải thiện. Nhưng sẽ có hiện tượng bong bóng ngay cả khi các nhà sản xuất pin Hàn Quốc có thể giành thị phần của Trung Quốc”, Chan Lee nói.

Cổ phiếu EcoPro đã giảm giá trong thời gian ngắn hồi tháng 4 và tháng 5 khi người sáng lập công ty này là Lee Dong-chae bị tòa án ở Seoul kết án hai năm tù vì vi phạm luật thị trường vốn của Hàn Quốc. Nhưng cổ phiếu EcoPro bật tăng mạnh trở lại vào tháng 6, gây thiệt hại nặng nề cho những người bán khống, tức những nhà đầu tư vay cổ phiếu để bán, sau đó, mua lại ở giá thấp hơn để kiếm lời.

“Thật khó để quyết định mua hay bán khống cổ phiếu EcoPro, vì các hành động đóng vị thế bán khống đang đẩy giá của cổ phiếu này tăng lên”, An Hyung-jin, CEO của quỹ phòng hộ Billionfold Asset Management, có trụ sở tại Seoul, nói.

Ông cho biết thêm, vì nhà đầu tư nhỏ lẻ đang phát cuồng với cổ phiếu EcoPro nên những quỹ phòng hộ bán khống khó chịu đựng được những khoản lỗ ngày phồng to.

“Các nhà đầu tư nghiệp dư đang chiến thắng trong cuộc chiến chống lại những người bán khống”, An Hyung-jin nhận định.

Diễn biến của cổ phiếu EcoPro khiến nhiều người ta so sánh với GameStop, một nhà bán lẻ trò chơi điện tử của Mỹ, chứng kiến giá cổ phiếu tăng vọt nhờ đội quân nhỏ lẻ ồ ạt mua vào năm 2021. Cơn sốt cổ phiếu meme lặp lại khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ chi gần 200 triệu đô la để mua những cổ phiếu vô giá trị về mặt lý thuyết của Bed Bath & Beyond (Mỹ) kể từ khi chuỗi bán lẻ này phá sản vào đầu tháng 5.

Các cơn sóng do nhà giao dịch nghiệp dư tạo ra trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc nổi lên trở lại trong năm nay sau khi họ đổ xô mua cổ phiếu của các công ty công nghệ sinh học như Celltrion và HLB, vốn là mục tiêu của những người bán khống vào hai năm trước, lấy cảm hứng từ cơn sốt cổ phiếu meme GameStop ở Mỹ.

Nhưng Park Soon-hyuk cho rằng sự so sánh như vậy là bất hợp lý. Ông nói: “EcoPro và EcoPro BM không phải là ‘GameStop của Hàn Quốc’ vì GameStop là công ty kinh doanh thất bại. Chúng giống như ‘Tesla của Hàn Quốc’ hơn. Những người bán khống cổ phiếu của hai công ty này đang chịu thua lỗ lớn”.

SY Park, một nhân viên khởi nghiệp công nghệ ngoài 30 tuổi, vẫn không quan tâm đến cảnh báo của các nhà phân tích cho rằng giá cổ phiếu EcoPro đã quá đắt.

“Tôi đã thoáng nghĩ về một bong bóng nhưng đây là những công ty sản xuất vật liệu cực âm hàng đầu”, Park nói và khoe đã kiếm lợi nhuận 480% từ khoản đầu tư 14 triệu won của mình vào cổ phiếu EcoPro BM.

“Giá cổ phiếu tiếp tục tăng nên tôi không còn lo lắng về bong bóng nữa. Nhiều khả năng EcoPro BM sẽ tiếp tục ký được các hợp đồng cung ứng lớn”, anh nói.

Lê Linh (Theo Financial Times)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Cảnh báo tình trạng mạo danh VSD lừa đảo (12/07/2023)

>   Chàng sinh viên năm 2 chinh phục giải quán quân nhờ... chơi chứng khoán từ năm nhất (11/07/2023)

>   Làm giá cổ phiếu: cũ và mới (08/07/2023)

>   Vì sao các nhà đầu tư chứng khoán thường dễ thua lỗ? (05/07/2023)

>   Chuyện “nhặt hàng” của chứng sĩ (06/07/2023)

>   Tỷ phú Warren Buffett dồn 282 tỷ USD vào 6 cổ phiếu (03/07/2023)

>   U80 tại Mỹ vẫn ‘nghiện’ đầu tư chứng khoán (27/06/2023)

>   Nhịp đập Thị trường 20/06: Bật tăng vào cuối phiên (20/06/2023)

>   Cặp vợ chồng giàu sụ nhờ gửi tiền cho Warren Buffett, tài sản tăng hàng trăm lần (19/06/2023)

>   Thấy gì từ việc Warren Buffett rót vốn vào TTCK liên tục bật đỉnh? (19/06/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật