Làm thương hiệu kiểu Elon Musk
Các chuyên gia thương hiệu nhận xét gì về chuyện Elon Musk đổi tên mạng xã hội Twitter thành X; liệu Musk có đi ngược với mọi lý thuyết xưa nay về xây dựng thương hiệu và vẫn thành công?
Ai nấy đều lắc đầu, không hiểu
Từ khi Twitter ra mắt vào năm 2006 đến nay, thương hiệu này đã ăn sâu vào đầu nhiều người sử dụng mạng xã hội; kiểu như chúng ta từng có lúc dùng từ Honda để chỉ xe gắn máy hay người Mỹ dùng từ Band-Aid để chỉ băng cá nhân nói chung. Tweet được dùng như động từ (viết một mẩu trên Twitter) và danh từ (một mẩu như thế). Đạt được đến mức độ này mà Elon Musk vẫn đành đoạn từ bỏ tên gọi Twitter, làm nhiều chuyên gia sững sờ.
Đổi tên sản phẩm là chuyện chẳng đặng đừng, như trong trường hợp sản phẩm nước giải khát hương chanh Bib-Label Lithiated Lemon-Lime Soda được đổi thành 7UP là hợp lý, vì tên cũ quá dài, ai mà nhớ nổi. Trong khi đó, theo Paul Krugman, tuy không phải là chuyên gia thương hiệu nhưng cũng là nhà kinh tế nổi tiếng, tên Twitter không có vấn đề gì, nghe thân thiện, rất phù hợp với chức năng một nền tảng nơi người ta vào tán gẫu đủ nội dung, đủ đề tài “ríu rít” (nghĩa đen của từ Twitter) như tiếng chim kêu. Logo Twitter cũng rất ổn, dễ nhận diện và không mang hàm ý nào tiêu cực cả.
Mike Proulx, giám đốc nghiên cứu của hãng Forrester, nói trên tờ New York Times, khi thương hiệu được dùng như động từ, nó đã trở thành một báu vật vì điều đó có nghĩa sản phẩm đã trở thành một phần của nền văn hóa đại chúng. “Chỉ bằng một động thái, Elon Musk đã xem như tiêu hủy 15 năm giá trị thương hiệu của Twitter và bắt đầu từ con số 0”.
Trong khi đó, X nghe cụt lủn, không liên quan gì đến một mạng xã hội. X quá ngắn, khó lòng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu vì X là một trong các mẫu tự trong bảng chữ cái.
Elon Musk có cái lý của ông
Musk là người thích mẫu tự X. Năm 1999, ông đồng sáng lập Công ty X.com như một ngân hàng trực tuyến. Sau này X.com sáp nhập với một công ty khởi nghiệp khác để thành PayPal, hệ thống chi trả trực tuyến khá thành công hiện nay. Năm 2017 Musk mua lại tên miền X.com từ PayPal và để dành từ dạo đó, nay đem ra sử dụng cho Twitter.
Với hãng xe Tesla, một trong những dòng xe Musk bỏ nhiều công sức để phát triển là Model X. Công ty không gian của ông được đặt tên SpaceX. Tên công ty được thành lập để chuẩn bị mua lại Twitter vào năm ngoái được đặt tên X Holdings.
Trong số những người thấy chuyện đổi tên Twitter thành X là bình thường có Jack Dorsey, nhà sáng lập và là người điều hành Twitter trong những năm đầu tiên. Ông nói mặc dù việc đổi tên không phải là chuyện thiết yếu để đạt tầm nhìn của Musk, đổi tên cũng có cái lý của nó. Theo ông, tên Twitter gắn với nhiều chuyện không hay trong quá khứ nên vấn đề quan trọng là ứng dụng sẽ cung cấp được gì chứ không phải là cái tên.
Tham vọng của Elon Musk đối với X là xây dựng một siêu ứng dụng, đủ mọi chức năng. Nếu Twitter chỉ là diễn đàn cho mọi người vào bày tỏ chính kiến một cách ngắn gọn thì X sẽ bổ sung nhiều chức năng khác, kể cả thương mại điện tử, thanh toán tức thời, chơi trò chơi hay nhắn tin, tán gẫu trực tiếp… Musk viết trên Twitter: “X Corp mua Twitter nhằm bảo đảm tự do ngôn luận lẫn đẩy nhanh (sự ra đời của) X, một ứng dụng có đủ mọi thứ…
Mô hình Elon Musk hướng tới cho X là ứng dụng WeChat của tập đoàn Tencent Trung Quốc. Từ chỗ là ứng dụng nhắn tin, WeChat nay trở thành một siêu ứng dụng có 1,2 tỉ người dùng; nhiều người ở các thành phố lớn Trung Quốc không thể tồn tại nếu không có WeChat. Đó là bởi nền tảng này cung cấp các chức năng nhắn tin, mạng xã hội, thanh toán các giao dịch, mua sắm, giao thức ăn, mua vé máy bay, tàu lửa, gọi xe công nghệ và nhiều chức năng khác.
Hiện nay ở các nước phương Tây chưa có ứng dụng nào gánh vác nhiều chức năng như thế. Giả dụ X làm được chức năng chuyển tiền tức thì giữa các người dùng với nhau, hay chức năng thanh toán tức thì cho các giao dịch mua sắm, chi trả điện nước thì đây là bước tiến lớn, có thể tạo ra một bước ngoặt cho tương lai của X. Với Musk, đổi tên thành X tức quay về với giấc mơ X.com ngày xưa khi ông muốn xây dựng một ứng dụng tài chính một cửa để người dùng sử dụng nó như tài khoản ngân hàng, tiến hành các hoạt động tài chính cá nhân, từ vay mua nhà trả góp đến đầu tư chứng khoán, giao dịch tiền mã hóa.
Microsoft và nhiều công ty khác cũng ấp ủ giấc mơ xây dựng một siêu ứng dụng nhưng chưa làm được. Ý tưởng cho rằng Trung Quốc làm được WeChat thì các nước khác cũng làm được một app tương tự là không có cơ sở, vì tâm lý người dùng ở các nước khác xa nhau. Chẳng hạn với ứng dụng chuyển tiền, ai nấy đều muốn nó nằm trên một ứng dụng đàng hoàng, nghiêm túc, không tai tiếng, không gây tranh cãi. Twitter không đáp ứng được yêu cầu này, còn với X thì chưa biết như thế nào nhưng cái tên Elon Musk gây nhiều tranh cãi cũng chưa thể đem lại sự an tâm cho người dùng với ví tiền của họ.
Nguyễn Vũ
TBKTSG
|